Để du lịch Mường Lay phát triển xứng tầm

07:35 - Thứ Bảy, 10/06/2023 Lượt xem: 6728 In bài viết

ĐBP - Được mệnh danh là thị xã nhỏ nhất cả nước, Mường Lay được thiên nhiên, tạo hóa ban tặng nhiều vẻ đẹp mà không phải nơi nào cũng có. Chưa kể với những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhất là dân tộc Thái, ngành Thái trắng đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với mỗi du khách khi đặt chân đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Dừng chân ở bản Huổi Min, phường Sông Đà, du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những cảnh quan hữu tình mùa nước nổi.

Đa dạng loại hình du lịch

Trải nghiệm làng nghề, khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc địa phương, hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức những món ăn của người dân bản địa... đó là điểm nhấn tạo nên một thị xã Mường Lay rất đặc biệt.

Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay: Việc đăng cai, phối hợp tổ chức thành công Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ III, năm 2023 được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương, hình thành định hướng phù hợp trong xu hướng phát triển của du lịch hiện đại.

Hồi đầu năm 2023, nếu ai từng đến thị xã Mường Lay thời điểm chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới, chắc hẳn sẽ cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi và ấn tượng với các chuỗi sự kiện được cấp ủy, chính quyền sở tại phối hợp tổ chức. Và một trong những điểm nhấn tạo nên điều đặc biệt thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm đó là môn thể thao mạo hiểm dù lượn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, dù lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã Mường Lay song Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ III đã thành công tốt đẹp, thu hút đông đảo du khách thập phương đón xem, trải nghiệm.

Với điểm xuất phát được đặt tại bản Hô Huổi Luông (xã Lay Nưa) ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, người chơi dù lượn được bay giữa trời mây, thỏa sức ngắm nhìn núi non trùng điệp, dòng sông Đà thơ mộng và những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Người chơi dù lượn bay cao trên bầu trời thị xã Mường Lay.

Khẩu xén, khẩu chí chọp là loại bánh truyền thống của dân tộc Thái trắng ở TX. Mường Lay; đây là 2 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao trong kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Điện Biên năm 2019.

Từng trải nghiệm môn dù lượn tại thị xã Mường Lay, anh Đỗ Việt Hùng, khách du lịch đến từ thành phố Điện Biên Phủ hào hứng chia sẻ: “Khi biết tại Mường Lay diễn ra Giải vô địch các câu lạc bộ Dù lượn quốc gia tôi đã rất hào hứng, muốn đến để khám phá, trải nghiệm. Quả thực, được bay cùng dù trên bầu trời, nhắm nhìn trọn vẹn thị xã tôi cảm nhận Mường Lay thật đẹp. Tôi hi vọng thời gian tới, tỉnh Điện Biên nói chung, thị xã Mường Lay nói riêng sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới lạ như thế này để hấp dẫn du khách”.

Ngoài môn thể thao dù lượn, đến với thị xã Mường Lay, du khách còn được hòa quyện vào những nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây, được hòa mình vào các lễ hội như: Kin Pang Then, Lễ hội Đua thuyền đuôi én... hoặc tham quan, trải nghiệm đi thuyền trên hồ, tham gia đánh bắt tôm, cá. Đây vốn là nghề mà nhiều năm nay, người dân ở phường Sông Đà vẫn gắn bó từ khi hồ Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Chưa dừng lại ở đó, trong chuỗi hành trình đến với thị xã Mường Lay, du khách cũng được thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn nghệ và tận tay làm nên những chiếc bánh khẩu xén, khẩu chí chọp - sản phẩm đặc trưng của đồng bào Thái trắng TX. Mường Lay.

Lễ hội đua thuyền đuôi én được thị xã Mường Lay tổ chức thường niên luôn hấp dẫn du khách đến tham quan.

Bà Lò Thị Miền, bản Bắc 2, xã Lay Nưa chia sẻ: Mỗi lần du khách đến trải nghiệm làm bánh khẩu xén hoặc khẩu chí chọp, chúng tôi giới thiệu tỉ mỉ, hướng dẫn nhiệt tình, bởi vậy khi ra về ai nấy đều rất hài lòng, phấn khởi. Thậm chí nhiều du khách còn trở lại vài lần để giới thiệu cho người thân, bạn bè đến tham quan.

Nhất quán quan điểm để hành động

Thị xã Mường Lay đang tập trung khuyến khích, kêu gọi đầu tư phát triển ngành thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn thị xã từng bước đi vào chiều sâu, bảo đảm tính đồng bộ. Thực hiện các mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của thị xã và quy hoạch phát triển ngành thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh đến năm 2030.

Thị xã Mường Lay nằm ở ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Từ khi Thủy điện Sơn La hoàn thành, tích nước, lòng hồ khu vực thị xã dâng cao đã tạo nên bức tranh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”. Tuy nhiên, kể từ đó, cũng là lúc “bài toán” tìm hướng đi trong phát triển kinh tế của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Trước những thách thức đặt ra, đặc biệt, xuất phát từ một miền đất lịch sử, giàu bản sắc của cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái trắng, cấp ủy, chính quyền TX. Mường Lay đã định hướng nhân dân phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... từ đó khai thác, từng bước quảng bá, thu hút, đưa ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, nhiều giải pháp để phát triển kinh tế gắn phát triển du lịch với công tác bảo tồn, phát huy các thiết chế văn hóa của địa phương tiếp tục được thị xã Mường Lay quan tâm. Hiện nay, thị xã tập trung thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc TX. Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Một góc cảnh quan bản du lịch cộng đồng Quan Chiêng, phường Na Lay, TX. Mường Lay.

Chưa dừng lại ở đó, tháng 6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 02 về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt được mục tiêu đến năm 2023 đưa thị xã trở thành một trong những khu vực du lịch của tỉnh và khu vực Tây Bắc, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp thị xã đã và đang tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Mường Lay để thu hút, đầu tư phát triển du lịch theo hướng gắn kết vùng miền, khai thác sản phẩm du lịch gắn liền với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thị xã. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, phát triển, khai thác có hiệu quả cơ sở hạ tầng du lịch; xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng của thị xã như các sản phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp, nghề truyền thống, văn hóa tâm linh, các giá trị văn hóa, ẩm thực, truyền thống; từng bước khôi phục các di tích lịch sử, khai thác có hiệu quả các danh lam thắng cảnh…

Cờ hoa được trang trí ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thị xã Mường Lay tạo điểm nhấn về cảnh quan độ thị.

Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay nhấn mạnh: Nhằm đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ của du khách đến với thị xã, ngoài hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, những năm gần đây, TX. Mường Lay thường xuyên khuyến khích nhân dân tổ chức đón khách, thúc đẩy dịch vụ homestay, cơ bản đáp ứng đủ điều kiện lưu trú và trải nghiệm văn hóa, du lịch của du khách. Hiện nay, thị xã có hơn 30 hộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng với sức chứa gần 500 du khách, tập trung chủ yếu ở xã Lay Nưa và phường Na Lay. Qua khảo sát, đa số các hộ phục vụ nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của khách; ngoài ra cũng có nhiều hộ cung cấp các dịch vụ khác như: Tham quan, trải nghiệm đi thuyền trên hồ, tham gia đánh bắt cá, tôm, làm các loại bánh truyền thống: Khẩu chí chọp, khẩu xén... từ đó, góp phần thúc đẩy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn thị xã.

Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Mường Lay phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: Thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 62%; cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 24%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 292 tỷ đồng/năm. Khách du lịch đến thị xã trung bình hàng năm tăng 10% trở lên.

Văn Quyết
Bình luận

Tin khác

Back To Top