Bẫy vay tiền qua app: Người dân phải biết bảo vệ mình, tránh xa tín dụng đen

15:06 - Thứ Hai, 05/12/2022 Lượt xem: 4291 In bài viết

Thời gian qua, nhiều người đã mắc bẫy vay tiền từ các app (ứng dụng) cho vay online hoạt động kiểu tín dụng đen với lãi suất cao chót vót và đòi nợ theo kiểu "khủng bố"… Các app này vẫn nở rộ không ngừng dù các bị cơ quan chức năng liên tục truy quét.

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Chỉ cần gõ từ khóa "vay online" trên Google, trong 0,6 giây có tới hơn 49 triệu kết quả tìm kiếm liên quan tới hoạt động cho vay trực tuyến. Với từ khóa "app vay online" cũng có hơn 29 triệu kết quả tìm kiếm trong 0,37 giây.

Lợi dụng nhu cầu vay tiền với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, họ dùng mọi thủ thuật để "bẫy" người vay bằng các khoản chi phí không rõ ràng, lãi suất "cắt cổ", thậm chí còn biến tướng thành một hình thức lừa đảo mới. Trước thực trạng này, lực lượng Công an đã vào cuộc quyết liệt, phát hiện và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi qua app.

Mức lãi suất lên tới 1000%-2000%/năm

Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. 

Thời gian gần đây, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh thiếu niên vay tiền. 

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook)... để len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật (thực chất là để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật); lập các hợp đồng mua bán, giao nhận tiền, tài sản khống; ép người đi vay thực hiện khống các hành vi vi phạm pháp luật nhằm gây bất lợi về pháp lý cho người vay; một số hợp đồng vay tiền tuy số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn nhưng lãi suất gấp nhiều lần định mức pháp luật cho phép. 

Bên cạnh các ứng dụng cho vay tiền của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, đã xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội…. của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. 

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. 

Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1000%-2000%/năm, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Liên quan đến hoạt động đòi nợ, theo Trung tá Đỗ Minh Phương, từ 1/1/2021, ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã bị cấm hoạt động, góp phần hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh từ hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Tuy nhiên, một số công ty hoạt động núp bóng dưới danh nghĩa các công ty bảo vệ, tư vấn luật, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ; sử dụng nhân viên của các công ty đòi nợ trước đây để liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở cho vay hoặc cho đối tác thuê nhân viên để đòi nợ. 

Tình trạng các đối tượng côn đồ, đối tượng nghiện, các băng nhóm tội phạm thực hiện các hành vi đòi nợ đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự đã giảm rõ rệt nhưng thủ đoạn đòi nợ bằng cách ném chất bẩn, chất thải, gạch đá vào nơi ở, nơi làm việc của con nợ và người thân con nợ vẫn xuất hiện ở nhiều nơi. 

Nổi lên tình trạng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện, nhắn tin giả danh các cơ quan bảo vệ pháp luật để đe dọa hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người đi vay… để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp người đi vay. 

Trong tháng 10 vừa qua, Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đã điều tra, làm rõ vụ việc một đối tượng giả làm phụ huynh, gọi điện đòi đón cháu bé lớp 2 trường Tiểu học Phan Đình Giót. Nhà chức trách xác định vụ việc chủ nợ giả làm phụ huynh đòi đón học sinh xuất phát từ việc vay nợ qua ứng dụng (app).

Cụ thể sự việc xảy ra khi cô giáo T.T.H. (chủ nhiệm lớp 2A1, trường Tiểu học Phan Đình Giót) nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ. Người gọi nhận là người nhà của học sinh N.T.T. (lớp 2A1) xin cho con về sớm, do gia đình có việc riêng. Người gọi có nói rõ đặc điểm nhận dạng của học sinh. Tuy nhiên, cô H. trả lời không nhận được thông báo của bố mẹ học sinh nên không đồng ý.

Lúc này, đối tượng nói rõ mình là chủ nợ của bố học sinh N.T.T. và liên tục gọi điện cho giáo viên, nói những lời lẽ thiếu lịch sự. Giáo viên đã báo cáo Ban giám hiệu nhà trường, đồng thời, liên hệ với mẹ học sinh và biết phụ huynh không nhờ người đón con.

Sau đó, một số đối tượng liên tục gọi điện thoại cho Ban giám hiệu và các số máy điện thoại của trường, đăng tải trên mạng xã hội các thông tin bịa đặt, vu khống về cô giáo T.T.H. và Ban giám hiệu.

Công an quận Thanh Xuân thông tin vấn đề này xuất phát từ việc vay tiền qua các ứng dụng (app). Đối tượng được xác định cư trú ở TPHCM.

Đề xuất tăng mức phạt lên cao để đủ sức răn đe

Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), dự báo tình hình tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Do đó, Cục Cảnh sát hình sự tham mưu lãnh đạo các cấp chỉ đạo công an các địa phương siết chặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, phối hợp với các đơn vị có liên quan để kịp thời phát hiện bắt giữ các băng nhóm "tín dụng đen".

"Đặc biệt là sau khi Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành nghị quyết số 1/2021 về hướng dẫn áp dụng điều 201 của Bộ luật hình sự về việc xét xử án hình sự cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đây là văn bản pháp lý rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý vững chắc để xử lý các hành vi cho vay lãi nặng", trung tướng Trần Ngọc Hà nói.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, "khủng bố" người vay thì có thể bị xử lý như sau: Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng (1 tỷ đồng) hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Mới đây, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TPHCM (Ban chỉ đạo 138) đã đề xuất Bộ Công an kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định của điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng.

Mức hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành còn nhẹ so với lợi nhuận của hoạt động "tín dụng đen" nên chưa đủ sức răn đe.

Ban chỉ đạo 138 TPHCM còn đề xuất Bộ Công an kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn để người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng không phải tìm đến "tín dụng đen".

Đây là loại tội phạm mà lực lượng công an các địa phương đang tập trung đánh mạnh, nhưng để tránh sa vào bẫy nợ thì chính người dân phải biết bảo vệ mình, phải tránh xa "tín dụng đen".

Một đường dây cho vay "siêu" nặng lãi trên 2.000%/năm qua ứng dụng trên mạng đã bị Công an tỉnh Lào Cai phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an) triệt phá thành công vào tháng 9/2022. Hàng trăm trinh sát, chia thành 3 mũi tấn công vào sào huyệt của ổ nhóm cho vay "siêu" lãi nặng tại các tỉnh thành Lào Cai, Hà Nội và TPHCM. 58 đối tượng đã bị bắt và triệu tập, nhiều trang thiết bị, tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng từ 1.500% đến 2.200%/năm đã bị thu giữ.

Đây là đường dây phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước. Các đối tượng đã thành lập Công ty công nghệ Funmobi, sử dụng 300 ứng dụng trên điện thoại di dộng, liên kết với gần 200 tiệm cầm đồ, công ty hỗ trợ cho vay tài chính. 

Sau đó tuyển dụng hàng trăm nhân viên, lập ra hàng chục website, group trên các trang mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. Chia ra các nhóm hoạt động, các đối tượng cầm đầu thường tập trung tại khu vực biên giới và sẵn sàng vượt biên chạy trốn khi bị phát hiện.

Cơ quan công an đã xác định được hơn 160.000 người dân trên khắp các địa phương cả nước đã giao dịch vay tại các ứng dụng của nhóm đối tượng này, với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. 

Trong đó có nhiều người vì không đủ khả năng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con nên đã bị các đối tượng uy hiếp, bôi nhọ danh dự và để lại hậu quả nặng nề. Đặc biệt, nhiều người không liên quan nhưng vẫn bị các đối tượng thường xuyên gọi điện, xúc phạm, tung hình ảnh lên mạng để góp phần uy hiếp các đối tượng vay tiền.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top