Cảnh giác thủ đoạn gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng để lừa đảo

15:07 - Thứ Năm, 22/12/2022 Lượt xem: 4810 In bài viết

Thời gian qua, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo qua mạng, qua tin nhắn… Cuối năm, các đối tượng càng hoạt động mạnh, gây mất an ninh, trật tự.

 

Theo cơ quan Công an, từ đầu năm đến nay, nhiều người dân tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước thường xuyên nhận được các tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại (SMS Brandname) với nội dung thông báo khách hàng đã đăng ký, kích hoạt dịch vụ, như: quảng cáo trên tiktok, dịch vụ tài chính toàn cầu… có mức phí sử dụng mỗi tháng từ 3 – 6 triệu đồng.

Nội dung tin nhắn giả mạo ngân hàng để lừa đảo.

Nếu muốn hủy đăng ký thì truy cập vào trang web như: https://vietinbank.com.vn-vb.top, https://vpbank.com.vn-vb.top, https://scb.com.vn-as.life, https://msb.com.vn-sx.top... Thực chất, chúng đang dụ dỗ khách hàng truy cập vào trang web giả mạo ngân hàng. Cũng có trường hợp khách hàng nhận được tin nhắn thông báo tài khoản sẽ bị ngưng dịch vụ vào ngày… vui lòng truy cập vào website www.diidvsmat.com... thực chất mục đích là dụ dỗ khách hàng truy cập vào các trang web giả mạo ngân hàng.

Nhiều người lầm tưởng đây là tin nhắn thông báo của ngân hàng nên đã thực hiện theo, dẫn đến bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản. Có trường hợp thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng, gây hoang mạng, bức xúc trong dư luận xã hội. Đến nay, Công an đã phá 7 vụ, bắt giữ các đối tượng tham gia lừa đảo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đồng Nai,… thu giữ 16 bộ thiết bị giả trạm thu phát sóng di động BTS.

Đây là loại tội phạm với thủ đoạn hoạt động mới, rất tinh vi và là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, sử dụng các thiết bị công nghệ cao được sản xuất ở nước ngoài để thiết lập giả trạm thu, phát sóng BTS của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, thu thập thông tin thuê bao di động (IMSI) và thông tin thiết bị (IMEI), từ đó thực hiện phát tán các tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo thường xuyên thay đổi lộ trình di chuyển, địa điểm đặt bộ thiết bị giả trạm BTS (đặt ở nhà nghỉ, khách sạn hoặc trên ô tô, xe máy để di chuyển), sử dụng nhiều cách thức ngụy trang để che dấu. Mọi trao đổi, liên lạc, các đối tượng đều thực hiện qua ứng dụng Telegram, Zalo… và xóa dữ liệu ngay sau khi thực hiện. Trung bình mỗi ngày, các đối tượng phát tán từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn/1 bộ thiết bị. Các bộ thiết bị này có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số gửi tin nhắn của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngành Công an đã thường xuyên khuyến cáo, khi nhận được tin nhắn có đầu số như trên, mỗi người dân phải kiểm tra, đối chứng thông tin, gọi điện thoại đến tổng đài ngân hàng để kiểm tra. Tuyệt đối không nên làm theo hướng dẫn như bấm vào các đường link, tên miền lạ, không cung cấp mã OTP, mã xác nhận cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài khoản và mất tiền oan; không truy cập, cài đặt ứng dụng từ các website, kho ứng dụng không rõ nguồn gốc…

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top