Cần mạnh tay với chiêu trò bơm thổi chứng khoán

14:54 - Thứ Hai, 26/12/2022 Lượt xem: 5194 In bài viết

Gần đây nhiều vụ việc liên quan đến thị trường chứng khoán đã xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế cũng như quyền lợi của nhà đầu tư. Sau vụ thao túng cổ phiếu xảy ra tại tập đoàn FLC, một lần nữa thị trường chứng khoán lại dậy sóng bởi vụ thao túng cổ phiếu xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings.

 

Thủ đoạn bơm thổi và chân dung những vị chủ tịch “thích nói đạo lý”

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings và Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (mã TVB), cùng sáu bị can về tội thao túng thị trường chứng khoán. So với kết luận lần trước, C03 đề nghị truy tố thêm 3 bị can, trong đó có Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (TVC), đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt.

Lực lượng chức năng tại trụ sở Công ty chứng khoán Trí Việt.

Ông Đỗ Thành Nhân vốn khởi nghiệp bằng kinh doanh gạo tại Cần Thơ, nhưng vài năm trở lại đây bỗng nổi lên như cồn trong giới kinh doanh khi thâu tóm nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có giá trị cổ phiếu thấp, từ đó tạo thành "hệ sinh thái" Louis Holdings. Vị Chủ tịch này xuất hiện thường xuyên trên mạng xã hội để kêu gọi nhà đầu tư.

Ông Nhân lập một group có tên Louis Family để truyền tải các khẩu ngữ như "đặt lệnh hôm nay, lưu lại ngày mai", song thực chất chỉ là chiêu "lùa gà" để thao túng giá chứng khoán. Khi hàng loạt cổ phiếu hệ sinh thái Louis tăng điên rồ trong suốt giai đoạn tháng 9 - 10/2021 bất chấp thị trường có những phiên tiêu cực khiến nhà đầu tư đặt nghi vấn về việc Louis Holdings thao túng chứng khoán thì ngay lập tức đại diện lãnh đạo công ty đã lên tiếng phản pháo, phủ nhận và thậm chí còn đề nghị  Ủy ban Chứng khoán vào cuộc. Đồng thời cho rằng các hành vi đăng tải thông tin không xác thực đang có dấu hiệu của hành vi "thao túng thị trường chứng khoán" đã được quy định và ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của công ty và cam kết "chưa từng và sẽ không bao giờ thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán”.

Thế nhưng phía sau, ông Nhân đã bắt tay với nhóm lãnh đạo Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt thực hiện hành vi thao túng hai mã cổ phiếu BII và TGG sau khi mua lại hai doanh nghiệp thua lỗ, có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán này.

Theo kết luận điều tra, sau khi thỏa thuận phương án “làm giá” cổ phiếu với Đỗ Đức Nam (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt ), ông Nhân chỉ đạo cấp dưới đứng tên đăng ký nhiều tài khoản chứng khoán.

Để có tiền mua bán các mã cổ phiếu, Louis Holdings ký hợp đồng vay vốn với Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt do Phạm Thanh Tùng là Chủ tịch HĐQT. Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt là đơn vị cấp nguồn tiền cho các công ty và cá nhân trong nhóm ông Nhân vay. Riêng năm 2021, công ty này đã giải ngân cho nhóm ông Nhân vay hơn 1.200 tỷ đồng để mua bán nhiều mã chứng khoán, trong đó có BII và TGG.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Nhân và Nam đã sử dụng gần 20 tài khoản để thực hiện giao dịch mua bán, khớp lệnh nội bộ, khớp lệnh chéo, tạo cung cầu giả. Ông Nam nhận nhiệm vụ chỉ đạo nhân viên Trí Việt thao tác khớp lệnh, mua bán chéo, tạo khớp lệnh  giả đóng cửa phiên ATC.

Hàng ngày, ông Nhân chỉ đạo cấp dưới nhận tiền, chuyển tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau. Cuối tháng, nhân viên của ông Nhân đưa các chứng từ cho người đứng tên mở tài khoản hộ để ký xác nhận hợp thức hóa thủ tục hồ sơ.

Từ đó giá cổ phiếu BII và TGG được đẩy lên gấp 10-40 lần thời điểm mua vào. Khi nhà đầu tư đang "đu đỉnh", nhóm Nhân và Nam đã kịp chốt lời hai mã này để thu lợi bất chính hơn 153,8 tỷ đồng,

Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt do Phạm Thanh Tùng làm chủ tịch cũng đã thu lợi bất chính hơn 14 tỉ đồng tiền lãi vay. Ông Nam và Nhân còn sử dụng tên người môi giới chứng khoán quản lý "nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân" để thu phí hoa hồng bất hợp pháp. Từ đó, ông Nam bị cáo buộc thu lợi bất chính gần 1,7 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định các bị can có sự hậu thuẫn rất lớn của Phạm Thanh Tùng. Tùng là người ban hành chủ trương sử dụng công ty tài chính cho khách hàng vay mua bán, giao dịch các mã chứng khoán không thuộc danh mục được các công ty chứng khoán cho vay margin, trong đó có mã BII và TGG.

Việc cho vay được "lách luật" dưới dạng cho khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với bên thứ ba để mua bán, giao dịch các mã chứng khoán. Nếu không có được sự đồng ý của Tùng thì Nam và Nhân không thể có nguồn tiền để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với hai mã cổ phiếu BII và TGG. Tùng khai không được Nam báo cáo về các tài khoản chứng khoán thuộc nhóm họ nhà Louis nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận định bị can này chưa thành khẩn khai báo, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội, cần xử lý nghiêm. Đáng chú ý, vốn điều lệ của TVC là 1.186 tỉ đồng, song công ty này đã cấp nguồn tiền cho các công ty và cá nhân trong nhóm của Đỗ Thành Nhân để mua, bán các mã chứng khoán với tổng số tiền vượt cả vốn điều lệ.

Các bị can Đỗ Thành Nhân, Phạm Thanh Tùng, Đỗ Đức Nam.

Cụ thể, năm 2021 Công ty Quản lý tài sản Trí Việt đã giải ngân cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay hơn 1.213 tỉ đồng để mua bán nhiều mã chứng khoán, trong đó đã cho vay hơn 784 tỉ để mua hai mã cổ phiếu BII và TGG.

Trên báo chí, Phạm Thanh Tùng từng chia sẻ, ông có khát vọng và hoài bão đưa Trí Việt thành một tập đoàn tài chính hàng đầu Việt Nam với giá trị thị trường tỷ đô. Ông Phạm Thanh Tùng (sinh ngày 27/5/1979, quê Bến Tre), có trình độ cử nhân kinh tế, thạc sỹ tài chính. Ông Tùng từng là giảng viên Học viện Ngân hàng. Năm 2003, ông nhận học bổng chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản trị kinh doanh tại Trường Ðại học Birmingham (Vương Quốc Anh). Sau khi tốt nghiệp về nước năm 2005, ông Tùng bắt đầu khởi nghiệp. Ông Tùng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Trí Việt từ năm 2010 đến tháng 7/2022. Sau 5 tháng gián đoạn, vào đầu tháng 12/2022, ông trở lại vị trí Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt.

Thương vụ đầu tiên của ông Phạm Thanh Tùng là mua lại Công ty cổ phần Chứng khoán Thái Bình Dương - doanh nghiệp thành lập từ năm 2006 và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Trí Việt, sau đó thành lập tiếp CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt ngày nay. Thay vì phát triển công ty bằng con đường chân chính, ông Tùng đã lợi dụng nhiều kẽ hở pháp luật, thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu để làm giàu cho mình và công ty.

Tăng hình phạt để răn đe

Vụ thao túng cổ phiếu xảy ra ở Trí Việt không phải là hiếm. Trước đó, nhiều cá nhân từng bị xử phạt vì hành vi này. Mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Vũ Thị Ngọc Ánh (Thái Nguyên) vì thực hiện hành vi giao dịch thao túng thị trường chứng khoán.

Cụ thể, căn cứ kết quả giám sát và kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy bà Vũ Thị Ngọc Ánh đã sử dụng 20 tài khoản để liên tục thực hiện giao dịch mua, bán cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn khách sạn Đông Á (mã chứng khoán DAH), nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu.

Các cổ phiếu họ Louis và Trí Việt trở về giá “trà đá”.

Với hành vi trên, bà Ngọc Ánh bị phạt 550 triệu đồng. Người này không có số lợi (tiền thu từ hành vi thao túng) bất hợp pháp.

Cách đó không lâu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ngọc Long (ngụ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vì đã sử dụng 54 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNI của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Nam (mã chứng khoán TNI).

Trước đó, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cùng nhiều cá nhân có liên quan về hành vi thao túng cổ phiếu. Đây được xem là những động thái mạnh tay của cơ quan chức năng về loại tội phạm này.

Tuy nhiên trên thực tế, tội phạm về thao túng thị trường chứng khoán diễn ra rất tinh vi, có tính tổ chức, gây ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến nhà đầu tư và chính sách quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng. Trong khi đó, mức xử phạt còn rất thấp so với số lợi nhuận thu về được của các đối tượng vi phạm (phạt tiền cao nhất là 4 tỉ, hình phạt tù cao nhất là 7 năm; hình phạt tiền bổ sung cao nhất là 250 triệu) nên vẫn chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Việc thiếu kiểm soát hoạt động của các mạng xã hội, để các đối tượng lợi dụng thành lập các hội, nhóm kín để hô hào, kích động, lôi kéo nhà đầu tư; để điều khiển và thao túng thị trường, thu lợi bất chính cho cá nhân và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư bị lôi kéo và thiếu thông tin.

Hiện nay chưa có các quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các khách hàng tham gia mua bán các mã chứng khoán trong giai đoạn bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị đối với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nghiên cứu, tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật (Bộ luật Hình sự, Luật Chứng khoán, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành) liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán để bịt kín sơ hở, bất cập.

Tăng tính răn đe, phòng ngừa chung theo hướng: Tăng hình phạt, mức xử phạt nghiêm khắc hơn với hành vi thao túng thị trường chứng khoán; Quy định mỗi số điện thoại/email chỉ được sử dụng để mở 1 tài khoản chứng khoán.

Quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, quy trình, hạn mức, tỷ lệ cho vay đối với các mã chứng khoán thuộc diện kiểm soát, có thanh khoản thấp, không thuộc diện cho vay  margin đối với Công ty chứng khoán và Công ty tài chính.

Quy định giải pháp kỹ thuật để kiểm soát giao dịch của các cổ đông nội bộ theo hướng gắn trách nhiệm kiểm soát cho công ty chứng khoán, chỉ cho phép cổ đông nội bộ giao dịch khi đã công bố thông tin đúng quy định.

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sớm ban hành quy định, hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư bị thiệt hại do hành vi thao túng để có căn cứ xác định cấu thành tội phạm của các tội phạm về chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch chứng khoán cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán; đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động minh bạch, lành mạnh.

Kịp thời phát hiện các giao dịch của các mã cổ phiếu nghi vấn, đáng ngờ được lôi kéo, hô hào thông qua các hội nhóm online, các diễn đàn, mạng xã hội, biến động giá bất thường có dấu hiệu nghi vấn thao túng…

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top