Những con chữ thắp sáng ý chí hoàn lương

14:40 - Thứ Tư, 08/02/2023 Lượt xem: 5260 In bài viết

Khoảng 20 phút nữa mới đến giờ lên lớp, nhưng tại hội trường Trại giam Yên Hạ, Bộ Công an đã đầy đủ những "học sinh đặc biệt" với đủ lứa tuổi. Họ là những phạm nhân từng một thời lầm lỡ để rồi phải trả giá về những hành vi trái pháp luật của mình bằng những bản án thích đáng.

Một phạm nhân đọc thư mẹ gửi với cán bộ Trại giam Yên Hạ (Sơn La).

Tưởng rằng "cánh cửa cuộc đời" đã đóng lại với họ thì một cánh cửa khác lại mở ra khi các phạm nhân được học nghề, tham gia lớp học tập văn hóa xóa mù chữ. Những lớp học như thế được mở đã dần thắp sáng ý chí hoàn lương của những cuộc đời lầm lỡ…

6 giờ sáng một ngày đầu tháng 2, thời tiết đỡ lạnh hơn khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên hơn 200C. Như bao ngày của các tháng qua, đây cũng là thời điểm các phạm nhân thuộc Trại giam Yên Hạ đã dậy trước đó để chuẩn bị các công việc theo quy định. Đây cũng là lúc phạm nhân Vàng A Sang, dân tộc H’Mông cùng một số phạm nhân khác chuẩn bị vở, bút để có mặt tại lớp học tập văn hóa xóa mù chữ cho các phạm nhân được tổ chức ngay tại Trại giam Yên Hạ. Điều đặc biệt là người dạy chữ cho các phạm nhân không ai khác chính là cán bộ nơi đây, những người hơn 10 năm qua đã nỗ lực giúp cho gần 1.000 phạm nhân thuộc nhiều lứa tuổi biết đọc, biết viết và thắp sáng lên trong họ niềm tin vào cuộc sống, khơi dậy ý chí quyết tâm làm lại cuộc đời.

Sinh ra và lớn lên ở một bản vùng cao với 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cũng như bao người ở bản, từ nhỏ Vàng A Sang đã theo chân bố, mẹ lên nương trồng ngô, trồng lúa; thi thoảng lại cùng chúng bạn hay anh chị lớn tuổi vào rừng hái măng, lấy củi và bẫy thú rừng… Khi bước vào cái tuổi gặp các cô gái H’Mông bản bên là đỏ mặt rồi cùng thanh niên trong bản kéo nhau đi bắt vợ để sau đó thành gia đình với năm người con và cho đến lúc phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy, nhận bản án 15 năm tù thì phạm nhân Vàng A Sang vẫn chưa biết đọc, biết viết. Với nụ cười ngượng ngùng khi được hỏi, phạm nhân Vàng A Sang bảo: "Cũng bởi hoàn cảnh khó khăn, không được đi học, không biết đọc, biết chữ nên bị người xấu lôi kéo đi vận chuyển ma túy. Ngày đầu vào trại giam, cán bộ quản giáo yêu cầu điền các thông tin và ký tên…, lúc đó ngượng ngùng cúi mặt nói không biết chữ. Sau này, cán bộ động viên tôi tham gia lớp học tập văn hóa xóa mù chữ cùng các phạm nhân khác. Tôi tham gia học từ tháng 8/2022, đến nay đã đọc, viết được rồi. Tuy nhiên, lá thư đầu tiên gửi về cho gia đình thì không ai khác lại chính là con của tôi đọc cho ông bà, vợ tôi nghe. Bởi bố mẹ tôi và vợ tôi cũng không biết chữ. Kể từ lần đó, gia đình tôi đã quyết tâm không để các con phải bỏ học giữa chừng, đây cũng là động lực để tôi thêm quyết tâm cải tạo thật tốt, sớm nhận được sự khoan hồng của Nhà nước, sau này làm người có ích cho xã hội".

Ngồi sau bàn phạm nhân Vàng A Sang hai dãy bàn là phạm nhân Hoàng Văn Thuân đang chậm rãi nắn nót dòng chữ "Tết Nguyên đán Quý Mão 2023". Cũng như các phạm nhân khác trong lớp học, sau khi được Ban giám thị Trại giam Yên Hạ tạo điều kiện cho tham gia lớp học tập văn hóa xóa mù chữ, phạm nhân Hoàng Văn Thuân đã có thể viết thư về cho gia đình. Vào những giờ đọc sách, báo tại thư viện hay lúc nhận thư gia đình gửi, Thuân đã không phải nhờ phạm nhân khác đọc giúp. Phạm nhân Hoàng Văn Thuân chia sẻ: "Không biết chữ, ra ngoài xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây việc kiểm tra bài vở của các con hay muốn đọc một thông tin gì trên sách, báo cũng phải nhờ người khác. Nay vào đây cải tạo vì những lỗi lầm của mình, tôi còn được học nghề, học chữ. Giờ việc đọc sách, báo hay viết thư về cho gia đình không còn trở ngại. Còn hơn một năm nữa là chấp hành xong bản án, tôi luôn tự nhủ cải tạo thật tốt, sau này trở về gia đình sẽ không đi theo con đường tội lỗi nữa, mà phải cùng vợ phát triển kinh tế, nuôi dạy các con thật tốt để không lầm đường lạc lối như mình".

Để giúp các phạm nhân thêm động lực cải tạo tốt, nhận thức được những lỗi lầm của mình để biết phân biệt đúng sai, tránh sau này tái hòa nhập cộng đồng lại vi phạm pháp luật, Đảng ủy, Ban giám thị Trại giam Yên Hạ thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phạm nhân, đa dạng hóa các biện pháp, hình thức giáo dục; luôn chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động bổ trợ giáo dục, vui chơi, giải trí thiết thực cho phạm nhân dịp lễ, Tết; luân chuyển sách từ Thư viện tỉnh đến thư viện phạm nhân phục vụ nhu cầu học tập, giải trí cho phạm nhân... Đại tá Nguyễn Ngọc Chiến, Giám thị Trại giam Yên Hạ, thông tin thêm: "Cùng với thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và chiến sĩ về việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tính nhân văn, nhân đạo trong công tác giáo dục phạm nhân, đơn vị còn tổ chức tốt việc phát động phong trào thi đua học tập, lao động cải tạo cho phạm nhân, bám sát các chuyên đề giáo dục trọng tâm do Cục C10 phát động. Thực hiện đúng chế độ, chính sách, pháp luật đối với phạm nhân, bảo đảm chế độ sinh hoạt, khám chữa bệnh, trong đó tạo điều kiện để các phạm nhân chưa biết chữ tham gia lớp học tập văn hóa xóa mù chữ do đơn vị tổ chức".

Cũng chính từ những lớp học được mở trong hơn 10 năm qua đã và đang tạo thêm cơ hội và động lực cho rất nhiều phạm nhân. Bởi qua lớp học, phạm nhân không chỉ được học chữ, mà còn giúp mối quan hệ giữa các cán bộ trại giam với phạm nhân không còn khoảng cách và nhiều người cũng vì thế thay đổi được cách sống tiêu cực hay không có những hành vi lôi kéo phạm nhân khác chống đối trong quá trình cải tạo. Đại úy Chử Thị Hồng, cán bộ Trại giam Yên Hạ, người đã có hơn 10 năm đứng lớp dạy chữ cho các phạm nhân, tâm sự: "Nhiều phạm nhân còn gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng phổ thông hay có phạm nhân không muốn tham gia học với tư tưởng chống đối, nhưng qua tuyên truyền, vận động đã cảm hóa được các phạm nhân, giúp các phạm nhân không chỉ biết đọc, biết viết mà còn nhận thức được sai lầm của mình để sau đó chấp hành tốt nội quy và nỗ lực cải tạo để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước. Thậm chí, có nhiều phạm nhân sau khi trở về hòa nhập với cộng đồng còn viết thư cảm ơn cán bộ và đơn vị".

Ở Trại giam Yên Hạ, khi nhắc tới cái tên phạm nhân Hồ Bảo Vân ai cũng biết. Bởi đây là phạm nhân được chuyển từ Trại giam Xuân Lộc sau sự việc các phạm nhân gây rối và chống người thi hành công vụ vào tháng 6/2013. Khi được chuyển về Trại giam Yên Hạ, phạm nhân Hồ Bảo Vân có nhiều hành vi chống đối và thái độ rất tiêu cực, gây ảnh hưởng tới tâm lý cải tạo của các phạm nhân khác. Thế rồi bằng tình cảm, lời lẽ chân thành của cán bộ Trại giam Yên Hạ, phạm nhân Hồ Bảo Vân đã thay đổi suy nghĩ, hành vi của mình. Sự thay đổi đáng kể nhất là sau khi phạm nhân được tham gia lớp học tập văn hóa xóa mù chữ và sau đó viết thư về cho gia đình và nhận được thư của mẹ gửi lại. Kể từ đó, phạm nhân Hồ Bảo Vân đã thức tỉnh và thay đổi được những suy nghĩ, hành vi tiêu cực của mình để quyết tâm cải tạo thật tốt…

Có thể thấy, lớp học tập văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân tại Trại giam Yên Hạ là một hoạt động mang tính nhân văn. Qua hơn 10 năm tổ chức, nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có lớp học tập văn hóa xóa mù chữ đã giúp các phạm nhân những kiến thức cơ bản. Thế rồi từ những nét bút nguệch ngoạc ban đầu đầy bỡ ngỡ đến nay đã thành những dòng chữ rõ nét về tình yêu quê hương, đất nước, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống..., góp phần lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa, nhân văn, dần thắp sáng thêm ý chí hoàn lương của các phạm nhân.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top