Phát huy hiệu quả tuyên truyền pháp luật từ xét xử lưu động

09:19 - Thứ Hai, 20/02/2023 Lượt xem: 6671 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân; phòng ngừa, răn đe các loại tội phạm.

Phiên tòa xét xử lưu động bị cáo Lường Văn Tưởng phạm tội “Huỷ hoại rừng” tổ chức tại xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ.

Tháng 11/2022, tại trụ sở UBND xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ), Tòa án nhân dân TP. Điện Biên Phủ mở phiên tòa xét xử lưu động 2 vụ án hình sự. Trong đó bị cáo Lường Văn Tưởng (SN 1985, trú tại bản Nà Nọi 2, xã Nà Nhạn) bị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố truy tố về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 243 Bộ luật Hình sự, bị Hội đồng xét xử tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù. Ngoài ra, bị cáo phải bồi thường gần 78 triệu đồng.

Theo dõi phiên tòa, bà Lò Thị Buốn, bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn chia sẻ: Bây giờ tôi đã biết chặt phá rừng cũng bị xét xử hình sự. Trước đây, có ai vi phạm như vậy cũng chỉ bị nhắc nhở, nặng hơn là xử phạt hành chính nhưng qua phiên tòa tôi cùng người dân trong bản đã biết một số vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nếu như những năm trước đây, ngành Tòa án thường tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động các vụ trọng án, giết người, cướp của, ma túy... thì gần đây, ngành Tòa án đã đưa ra xét xử lưu động các vụ án liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản... giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng chống cháy rừng trên địa bàn. Cũng trong tháng 11/2022 tại Nhà văn hóa bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, Tòa án nhân dân huyện Nậm Pồ xét xử sơ thẩm lưu động 3 vụ án hình sự về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Trong số các bị cáo có 1 bị cáo nữ là Vàng Thị Là (SN 1962, bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng, có hành vi tàng trữ trái phép 63,28g nhựa thuốc phiện và 7 viên Methamphetamin khối lượng 0,69g mục đích để bản thân sử dụng. Mặc dù bị cáo nữ đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn phải đứng trước vành móng ngựa xét xử theo quy định của pháp luật. Dựa trên mức độ, tính chất phạm tội, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Là 30 tháng tù giam. Trong các vụ án còn lại, các bị cáo bị tuyên phạt từ 30 tháng đến 6 năm 6 tháng tù. Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại xã biên giới Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) - đây là địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm ma túy. Việc tổ chức các phiên tòa lưu động đã góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp đến người dân trên địa bàn; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm nhất là tội phạm ma túy.

Chị Sùng Thị Chư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nà Bủng cho biết: Những phiên toà xét xử lưu động thu hút sự quan tâm của đông đảo dân cư tại địa phương. Xử án lưu động thực sự có hiệu quả rất tích cực, tác động trực tiếp đến những người theo dõi phiên toà, giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp, đặc biệt là đối với người dân ở vùng cao biên giới như Nà Bủng. Đồng thời góp phần răn đe tội phạm, ngăn chặn kịp thời ý định phạm tội, ổn định tình hình tại cơ sở.

Tổ chức phiên tòa xét xử lưu động là một trong những phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hình sự về phòng chống tội phạm hiệu quả. Là phương pháp đưa những quy định của pháp luật đến người dân một cách chủ động, trực tiếp; góp phần răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Thông qua đó người dân cũng chủ động, tích cực hơn trong việc tố giác tội phạm; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân.   

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top