Giáo dục pháp luật từ các phiên tòa xét xử lưu động

07:40 - Thứ Ba, 28/02/2023 Lượt xem: 7679 In bài viết

ĐBP - Trong các kênh phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân thì việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Bởi qua những phiên tòa xét xử lưu động này, người dân được “tai nghe, mắt thấy” và hiểu rõ từng hành vi, vụ việc vi phạm pháp luật cụ thể. Vì vậy, thời gian qua, Tòa án Nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác này.

Hội đồng xét xử tại phiên tòa lưu động được tổ chức ở xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo. Ảnh: CTV

Giữa tháng 6/2022, tại Trụ sở UBND xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tiến hành xét xử sơ thẩm lưu động 2 vụ án hình sự đối với 2 bị cáo Lò Văn Đảng và Cà Văn Tiến về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Ngày diễn ra phiên tòa đã có rất đông người dân ở xã Chiềng Sinh đến chăm chú theo dõi. Tất cả đều chú ý, tập trung lắng nghe nội dung cáo trạng và lời khai của các bị cáo tại phiên tòa.

Chăm chú theo dõi phiên tòa từ đầu đến cuối, ông Lường Văn Biên, xã Chiềng Sinh chia sẻ: "Dù bận việc nhà, nhưng khi nghe thông báo có vụ xét xử lưu động ở xã, tôi đã sắp xếp thời gian đến xem. Đông đảo bà con ít có dịp nào được chứng kiến trực tiếp phiên tòa như thế. Đặc biệt qua theo dõi phiên tòa xét xử bị cáo Cà Văn Tiến, dù chỉ mới 27 tuổi, nhưng vì vận chuyển trái phép chất ma túy để đổi lấy 20 triệu đồng tiền công mà phải đánh đổi bằng cả đời người khi bị kết án tù chung thân. Chúng tôi thấy pháp luật thật nghiêm minh, nhiều người nhận ra hậu quả của việc phạm luật, vướng vào ma túy phải đứng trước vành móng ngựa như vậy, từ đó rút ra bài học cho chính bản thân mình.

Cuối tháng 11/2022, tại Trụ sở UBND xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ, Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ mở phiên tòa xét xử lưu động 2 vụ án hình sự đối với 2 bị cáo. Trong đó, đáng chú ý là vụ án xét xử đối với bị cáo Lường Văn Tưởng, trú tại Bản Nà Nọi 2, xã Nà Nhạn về tội “Hủy hoại rừng” đã thu hút đông đảo bà con nhân dân tại địa phương đến theo dõi.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Điện Biên Phủ, khoảng đầu tháng 1/2022, bị cáo Lường Văn Tưởng đã có hành vi cắt phá và thuê người khác cắt phá, hủy hoại 39.200m2 rừng phòng hộ thuộc bản Na Nọi 1 và bản Nà Nọi 2, xã Nà Nhạn, gây thiệt hại gần 78 triệu đồng. Với hành vi phạm tội trên,  Lường Văn Tưởng bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù; đồng thời phải bồi thường cho UBND xã Nà Nhạn gần 78 triệu đồng.

Phiên tòa lưu động được tổ chức tại xã Nà Nhạn thu hút đông đảo người dân đến theo dõi. Ảnh: CTV

Theo nhiều người dân đến dự phiên tòa, điều đáng ghi nhận là bên cạnh việc đưa ra mức án nghiêm khắc đối với bị cáo, Hội đồng xét xử còn kết hợp tuyên truyền, giải thích các quy định của pháp luật, những tác dụng của việc phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nguyên nhân, thủ đoạn phạm tội, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ rừng.  

Cũng như những phiên toà trên, các phiên toà xét xử lưu động của TAND 2 cấp thời gian qua có tác động tích cực đến nhận thức và hiểu biết pháp luật của nhân dân. Theo thống kê của TAND tỉnh, trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay,  toàn tỉnh đã tổ chức được 47 phiên tòa xét xử lưu động. Các vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án liên quan đến ma túy, mua bán người, trộm cắp tài sản… Trong đó, án ma túy chiếm hơn 90%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Nam, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho biết: Để tổ chức các phiên tòa lưu động nhằm mục đích phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân một cách hiệu quả, phải xây dựng kế hoạch từ khâu lựa chọn vụ án, địa điểm mở phiên tòa, bố trí lực lượng bảo vệ trước, trong và sau phiên tòa xét xử lưu động. Đặc biệt là thông tin rộng rãi cho nhân dân nắm được và tham dự… Tại mỗi phiên tòa xét xử lưu động, Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào tính chất, nội dung từng vụ án mà lồng ghép các văn bản pháp luật cần được phổ biến, tuyên truyền. Từ đó làm tiếng chuông cảnh tỉnh, bài học đắt giá cho những đối tượng đã và đang có hành vi phạm tội, ngăn chặn kịp thời ý định phạm tội.

Thực tế cho thấy, phần lớn các phiên tòa xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người tham gia tố tụng được tòa án triệu tập chỉ có thêm một vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Ngược lại, những phiên tòa lưu động khi được đưa về tận xã xét xử sẽ tạo điều kiện để đông đảo người dân trong xã và khu vực lân cận đến theo dõi, nhiều nơi phải xử ở ngoài trời để mọi người đều được theo dõi phiên tòa. Do đó, không thể phủ nhận tính hiệu quả của hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động. Đây là hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, tác động mạnh đến người nghe, qua phiên tòa bản thân mỗi người dự sẽ nhận ra bài học thực tế đắt giá để bản thân tự răn chính mình; đồng thời tuyên truyền vận động người thân, bà con lối xóm nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top