Xây đắp niềm tin cho những người lầm lỗi

10:19 - Thứ Năm, 30/03/2023 Lượt xem: 5685 In bài viết

ĐBP - Cùng với việc quản lý, giáo dục, cảm hóa, công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân được Trại giam Nà Tấu (Bộ Công an) chú trọng, nhằm giúp họ thêm vững tin khi tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Đại úy Lò Minh Thắng dạy phạm nhân trong lớp xóa mù chữ.

Là người dân tộc Mông ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm nên phạm nhân Giàng A Thào chưa từng được đến trường. Năm 2014, Thào bị bắt vì phạm tội mua bán ma túy. Ngày bị tuyên án, vợ con, người thân không ai có mặt vì gia đình ở xa. Những năm đầu thi hành án tại Trại giam Nà Tấu, mỗi lần nhìn phạm nhân khác có người nhà đến thăm, Thào lại ngồi lặng một góc.

Khi trại giam mở lớp xóa mù chữ, phạm nhân Thào lập tức đăng ký học. Là một trong những học viên lớn tuổi nhất lớp, với đôi bàn tay chai sần quá nửa đời người chỉ biết làm nông mà bây giờ phải nắn nót viết từng chữ cái thật sự là điều khó khăn. Nhưng Thào rất quyết tâm, bởi “Khó đến mấy cũng phải học cho bằng được. Phải viết được thư cho gia đình!” Kết quả, ở tuổi ngoài 50, những dòng thư đầu tiên gửi về cho gia đình lại được Thào viết ở sau song sắt nhà giam. “Gửi vợ và các con! Bố Thào đây. Bố vẫn khỏe, cải tạo tốt. Các chú công an rất quý! Cả nhà yên tâm. Bố sẽ cố gắng phấn đấu để sớm được về!”. Đó là dòng chữ nguệch ngoạc đầu tiên phạm nhân Giàng A Thào viết về cho vợ con. “Tôi không bao giờ nghĩ là sẽ có ngày tự mình viết được thư. Các con tôi càng không thể ngờ người bố mù chữ đi tù rồi mà lại có thể viết thư. Giờ thì đều đặn mỗi năm tôi viết 2 - 3 lá thư cho gia đình. Chỉ cần biết vợ con khỏe, sống tốt là hạnh phúc rồi!” – phạm nhân Thào tâm sự.

Cũng theo phạm nhân Thào chia sẻ, chính những dòng thư qua lại là động lực để thêm quyết tâm phấn đấu cải tạo. Không chỉ chấp hành nghiêm túc các quy định trại giam, Thào tích cực, hăng hái tham gia lao động sản xuất cũng như các hoạt động Ban Giám thị phát động, tổ chức. Những nỗ lực đó đều được ghi nhận xứng đáng khi Giàng A Thào liên tiếp được giảm án qua các kỳ xét duyệt.

Nhiều năm nay, Đại úy Lò Minh Thắng được giao trực triếp đứng lớp xóa mù chữ trong trại giam Nà Tấu. Do nhận thức phạm nhân không đồng đều nên quá trình dạy gặp nhiều khó khăn. Không ít phạm nhân chưa thành thạo trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Vì thế, không chỉ đầu tư về thời gian, mỗi tiết học, bài giảng Đại úy Thắng đều dành nhiều tâm tuyết. Dựa trên cơ sở phân loại đối tượng học viên để xây dựng kế hoạch dạy cụ thể, phù hợp.

Phạm nhân Giàng A Thào là học viên lớn tuổi nhất của lớp xóa mù chữ tại Trại giam Nà Tấu.

Đại úy Thắng chia sẻ: “Việc rèn chữ là vất vả nhất. Nhưng tôi cứ kiên trì cùng với học viên thì sau một thời gian họ cũng làm được. Mỗi lần họ vui mừng khoe rằng đã tự viết được tên mình, hay gửi thư về cho gia đình… tôi cũng thấy hạnh phúc lây. Có nhiều phạm nhân sau khi trở về hòa nhập với cộng đồng còn viết thư cảm ơn cán bộ và đơn vị”.

Nếu biết chữ là niềm hạnh phúc lớn lao với những phạm nhân không biết hoặc tái mù chữ tại trại giam, thì với phạm nhân Đỗ Văn Hậu (TP. Điện Biên Phủ) lại phấn khởi vì đã được học nghề. Hậu có vợ và 2 con. Những ngày đầu ở trại giam, Hậu chán nản và thường xuyên tỏ ra bất mãn. Song các cán bộ trại giam kiên trì khuyên bảo và khéo léo nhắc đến trách nhiệm của người bố với những đứa con, Hậu đã tỉnh ngộ.

“Vào trại giam tôi mới thấy quý cuộc sống tự do bên ngoài. Có gia đình, công việc mà không biết giữ là lỗi của tôi. Cán bộ trại giam đã giúp tôi hiểu, ổn định tâm lý. Giờ tôi yên tâm học nghề hàn xì để sau này mãn hạn tù, trở về tìm việc làm lại cuộc đời.” – Đõ Văn Hậu cho biết.

Trại giam Nà Tấu tập trung đào tạo các nghề phục vụ nhu cầu thị trường tại chỗ, như: Gia công cơ khí, nông nghiệp và rau xanh, chăn nuôi, may công nghiệp…

Đóng chân trên địa bàn xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ), Trại giam Nà Tấu hiện đang quản lý hơn 1.800 phạm nhân. Trong đó, gần 86% phạm nhân người dân tộc thiểu số, trên 28% không biết hoặc tái mù chữ.

Đại tá Vũ Thế Chuyển, Giám thị Trại giam Nà Tấu cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân, người vì nhận thức pháp luật kém, có người do hám lợi, cũng có trường hợp nóng giận tức thời dẫn đến phạm tội. Song nhiều trường hợp không được đi học, không có nghề nghiệp ổn định. Vì thế, ngoài công tác giáo dục, cải tạo lại nhân phẩm, thì họ cần phải có nền tảng là kiến thức, nghề nghiệp để tự tin tái hòa nhập, làm lại cuộc đời.

Từ thực trạng đó, những năm qua Trại giam Nà Tấu đẩy mạnh hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo của địa phương mở lớp học chữ, học nghề. Các khóa đào tạo nghề đều được xây dựng trên cơ sở khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân, đi theo hướng song song giữa việc đào tạo cấp chứng chỉ theo quy định của Nhà nước; hướng nghiệp, dạy nghề, truyền nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị, cũng như nhu cầu việc làm của địa phương. Để tạo thêm động lực phấn đấu, Trại thường xuyên phát động, tổ chức các phong trào thi đua: “Khát vọng hoàn lương”, “Niềm tin hướng thiện”; phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”. Thông qua những bài viết hay, cảm động về sự ăn năn, hối lỗi để góp phần giáo dục và khơi dậy tinh thần hướng thiện trong mỗi phạm nhân. Để sau khi chấp hành xong án phạt, trở về hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm việc làm phù hợp, có thu nhập để ổn định cuộc sống, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top