Cảnh giác với chiêu trò phun thuốc diệt côn trùng để trục lợi

17:53 - Thứ Sáu, 07/04/2023 Lượt xem: 13289 In bài viết

ĐBP - Vừa qua, trên địa bàn xã Pom Lót (huyện Điện Biên) xuất hiện một nhóm người tự xưng của Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam thông qua chính quyền địa phương để đến các thôn, bản phun thuốc diệt muỗi, côn trùng phòng bệnh nhưng thực chất là để trục lợi.

Giấy giới thiệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên để Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam đi làm việc với UBND các xã trên địa bàn.

Dịch vụ mập mờ, giá “trên trời”

Theo phản ảnh của nhiều hộ dân xã Pom Lót, ngày 3/4, có một nhóm gồm 3 - 4 người dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Đoan, tự xưng là Giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam đã đến từng thôn, tìm vào nhà trưởng thôn và đưa giấy giới thiệu của UBND xã Pom Lót về việc tư vấn, vận động phun thuốc diệt côn trùng để phòng bệnh. Đồng thời, nhóm người này đề nghị trưởng thôn hoặc người giữ các chức vụ trong thôn dẫn đến từng hộ dân để vận động phun thuốc với giá rất cao.

Có giấy giới thiệu kèm chữ ký của Phó Chủ tịch có đóng dấu đỏ của UBND xã và được những người đóng vai trò chủ chốt trong thôn dẫn đi, nhiều hộ dân đã tin tưởng, đồng ý để nhóm người trên phun thuốc diệt công trùng với giá 30.000 đồng/lít. Hộ nào có diện tích ít thì hết 300.000 – 400.000 đồng; hộ có diện tích nhiều thì 700.000 – 800.000 đồng, thậm chí có hộ phải trả từ 1 – 1,2 triệu đồng.

Đến những thôn, đội đầu tiên, nhóm người trên bố trí 2 người đi cùng trưởng thôn. Trong đó, 1 người ăn mặc chỉnh tề, tay xách cặp chứa 2 lọ hóa chất trong vai người tư vấn; người còn lại đeo bình phun thuốc. Những thôn, đội tiếp theo, nhóm người này chỉ cử 1 người phun thuốc cùng đại diện thôn, đội dẫn đi từng hộ dân.

Ông Hoàng Văn Mạnh, thôn 9, xã Pom Lót cho biết: Sáng ngày 3/4, tôi đang làm vườn thì ông Tuyên trưởng thôn dẫn nhóm người lạ vào nhà nói là đơn vị được UBND xã giới thiệu về thôn phun diệt côn trùng, ruồi, muỗi để phòng dịch bệnh theo chủ trương của huyện Điện Biên. Vì tin tưởng, tôi đã đồng ý cho phun. Tuy nhiên, trong khi tôi đang trao đổi thông tin với trưởng thôn và nhân viên tư vấn của công ty thì nhân viên phun thuốc đã vào bể lấy nước, pha thuốc. Khi tôi nói chuyện xong là nhân viên cũng pha thuốc xong nên tôi cũng không biết họ pha thuốc gì, liều lượng bao nhiêu. Khi tôi hỏi sao chưa thống nhất diện tích và lượng thuốc cần phun mà đã pha đầy bình 20 lít như thế? Người này trả lời: “Cháu pha đầy bình để dễ đo tỷ lệ thuốc – nước. Còn chú phun bao nhiêu thì cháu lấy tiền bấy nhiêu”. Chỉ một lúc sau nhân viên này đã phun hết bình thuốc 20 lít và thu của tôi 600.000 đồng. Tôi thắc mắc giá quá cao thì họ bảo rằng: “Giá 30.000 đồng/lít ở đây là hỗn hợp hóa chất sau khi pha với nước chứ không phải giá của 1 lít hóa chất chưa pha. Cháu phun hết bình 20 lít nên phí dịch vụ là 600.000 đồng”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Sáng, thôn 1 (xã Pom Lót) cho biết: Thấy đồng chí dân quân của thôn dẫn người đến giới thiệu, tư vấn phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng, tôi cũng yên tâm nên đồng ý cho họ phun. Họ quảng cáo rằng thuốc nhập khẩu, không có trên thị trường Việt Nam, hiệu quả phòng trừ côn trùng trong vòng 6 – 7 tháng. Sau khi giới thiệu thuốc, họ nhanh chóng pha thuốc, một bình có dung tích 20 lít nước họ chỉ cho 2 nắp nhỏ hóa chất. Họ phun nhanh lắm, trong nhà và ngoài sân là vừa hết 1 bình, giá 600.000 đồng tiền dịch vụ. Điều đáng nói là, sau khi phun hiệu quả thuốc không đạt như lời quảng cáo. Chỉ 1 – 2 ngày sau, ruồi muỗi vẫn bay vào như thời điểm trước khi phun. Trong khi năm ngoái, tôi mua lọ thuốc giá 120.000 đồng về tự phun, hiệu quả phòng trừ ruồi muỗi, côn trùng duy trì được 4 – 5 tháng sau khi phun.

UBND xã Pom Lót ký giấy giới thiệu Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam đến các thôn, bản để tư vấn, vận động phun diệt muỗi, côn trùng.

Không chỉ có các hộ dân thôn 1 và thôn 9, nhóm người này đã triển khai phun thuốc tại nhiều thôn, đội khác trên địa bàn xã Pom Lót như: thôn 2, thôn 7 và thôn 10 với hàng trăm hộ dân tham gia phun phòng.

Ông Lò Văn Dung, Trưởng thôn 10, xã Pom Lót cho biết: Nhóm người đến nhà tự nhận là đơn vị phun phòng dịch bệnh, bảo vệ môi trường theo chủ trương của huyện Điện Biên, có giấy giới thiệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện; UBND xã Pom Lót. Thấy có giấy giới thiệu của 2 cấp huyện – xã nên tôi đồng ý cùng đơn vị này triển khai. Tuy nhiên, hôm đó tôi bận việc nên đã nhờ con dâu là Lò Thị Bình dẫn nhóm người này đến các hộ dân. Khi mới phun được khoảng 7 – 8 hộ trong thôn thì người dân ý kiến nhiều về giá hóa chất nên dừng lại. Sau đó, tôi tìm hiểu được biết, cách tư vấn, vận động của đơn vị trên rất mập mờ, gây khó hiểu cho người dân. Đơn vị thông báo giá 30.000 đồng/lít nhưng không nói rõ là 1 lít hỗn hợp sau khi pha với nước. Trong khi đa phần người dân hiểu rằng 30.000 đồng/lít hóa chất. Do hiểu nhầm, tưởng giá thuốc rẻ nên nhiều hộ dân đồng ý phun, đến khi trả tiền mới vỡ lẽ.

Theo nguồn tin người dân cung cấp, nhóm người trên sử dụng 2 lọ thuốc có dán nhãn mác là: Delta Flow 2.5SC với thành phần chính là Deltamethrin 2.5% W/W và Signor 50EC với thành phần chính là Permethrin 50% W/W. Đây là 2 sản phẩm của Ấn Độ. Tuy nhiên, đằng sau nhãn mác và bên trong lọ thuốc kia là loại hóa chất gì, chất lượng ra sao, sử dụng như thế nào thì người dân không biết và cũng không được nhóm người này thông tin hay cung cấp các giấy tờ chứng minh. Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 loại thuốc trên không có trên thị trường tỉnh Điện Biên và cũng không có trong danh mục thuốc phun phòng ruồi, muỗi và côn trùng được Sở Y tế tỉnh Điện Biên khuyến cáo, sử dụng trong các chương trình y tế trên địa bàn.

Thiếu trách nhiệm

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngày 27/3/2023, ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên ký giấy giới thiệu ông Nguyễn Văn Đoan, Giám đốc Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam gửi các xã trên địa bàn với nội dung liên hệ về việc tư vấn, vận động phun thuốc diệt muỗi và côn trùng tại các trang trại, gia trại và các hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường. Đề nghị UBND các xã tạo điều kiện giúp ông Đoan triển khai công việc. Giấy giới thiệu có hiệu lực đến ngày 28/4/2023.

Ông Nguyễn Văn Luyển, Phó Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Nhận giấy giới thiệu từ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Điện Biên, theo quy trình UBND xã Pom Lót giới thiệu đơn vị xuống các thôn, bản thực hiện nhiệm vụ theo nội dung cấp huyện giới thiệu. Sau đó, các thôn, bản thông báo cho các hộ dân, hộ nào có nhu cầu thì liên hệ để tư vấn. Việc tư vấn và triển khai phun phòng, giá cả dịch vụ là thỏa thuận dân sự của người dân và đơn vị.

2 loại thuốc diệt muỗi, côn trùng được Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam sử dụng trên địa bàn xã Pom Lót.

Điều 41, Nghị định số 10/VBNH-BYT của Bộ Y tế ngày 5/4/2019 về Quy định quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng; diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế quy định: Một tổ chức, cơ quan đủ điều kiện cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm phải đáp ứng đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, các giải pháp cung cấp dịch vụ… Điều 43 Nghị định số 10/VBHN-BYT cũng quy định, điều kiện để cơ sở cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn phải được Sở Y tế nơi đơn vị đặt trụ sở cấp phép.

Tuy nhiên, khi Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam triển khai dịch vụ trên địa bàn xã Pom Lót đã không cung cấp được các giấy tờ chứng minh công ty và nhóm nhân viên đủ điều kiện cung cấp dịch vụ diệt côn trùng và diệt khuẩn. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam đặt trụ sở tại tỉnh Hải Dương muốn cung cấp dịch vụ diệt côn trùng và diệt khuẩn tại tỉnh Điện Biên thì phải được Sở Y tế tỉnh Điện Biên cấp phép nhưng thực tế thì không.

Ở đây, việc đơn vị này xin giấy giới thiệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, giới thiệu đến các xã với nội dung tư vấn, vận động phun thuốc diệt muỗi, côn trùng góp phần bảo vệ môi trường là không đúng quy định. Bản chất sự việc nhóm người tự xưng của Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam là lợi dụng và núp bóng dưới hình thức tư vấn, vận động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để trục lợi.

Bên cạnh đó, cơ quan huyện môn cấp huyện và chính quyền cấp xã rất thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của đơn vị được giới thiệu trên địa bàn. Đồng thời, thiếu vai trò, trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Điển hình là thời điểm chiều muộn ngày 3/4, rất nhiều người dân đã cùng nhau đến trụ sở UBND xã Pom Lót phản ánh về chất lượng và giá cả dịch vụ phun thuốc diệt muỗi và côn trùng của Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam. Song UBND xã Pom Lót đã không giải thích và giải quyết thỏa đáng các bức xúc của Nhân dân. Đến hơn 18h cùng ngày, khi lực lượng Công an xã Pom Lót vào cuộc, sự việc mới được giải quyết. Điều đáng nói là sau khi sự việc được giải quyết, UBND xã Pom Lót cũng không hề kiểm tra, rà soát và nắm tình hình về việc Công ty Cổ phần nghiên cứu phát triển công nghệ Việt Nam đã triển khai phun ở những thôn, bản nào; tổng số có bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ xã Pom Lót, trước đó nhóm người này đã đến các xã: Thanh An, Sam Mứn và Núa Ngam để làm việc với chiêu thức tương tự. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng huyện Điện Biên và chính quyền các xã cần quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân đến địa bàn dưới danh nghĩa tư vấn, vận động phun thuốc diệt côn trùng phòng trừ bệnh. Người dân cần cảnh giác tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top