Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo

08:53 - Thứ Bảy, 29/04/2023 Lượt xem: 4860 In bài viết

ĐBP - Giả danh cơ quan thực thi pháp luật, chuyển tiền làm từ thiện, mua bán hàng trực tuyến, giả làm nhân viên ngân hàng nâng cấp APP (ứng dụng), hack các tài khoản mạng xã hội, mạo danh công ty tài chính, cơ quan bảo hiểm xã hội… là những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian gần đây. Trước những phương thức, thủ đoạn tinh vi, không ít người dân đã trở thành “con mồi” của tội phạm này.

Một nạn nhân bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo đến trình báo sự việc tại cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh).

Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt

Cuối tháng 3 vừa qua, tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, chị D. (SN 1987), ở phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ chưa hết bàng hoàng khi trình báo về việc chị vừa bị lừa số tiền lớn qua mạng. Đối tượng lừa đảo dùng một tài khoản facebook rồi nhắn tin cho chị D. qua messenger, đưa chị vào nhóm Telegram để tương tác. Để tạo lòng tin, mới đầu khi chị D. chỉ chuyển khoản số tiền từ 100 - 200 nghìn đồng thì trong thời gian ngắn đều được nhận lại số tiền gốc và thêm 20% hoa hồng. Sau đó chị D. lần lượt chuyển tiền tăng dần (từ 500 nghìn đồng, rồi 10 triệu đồng, 30 triệu đồng, 120 triệu đồng, cho đến hơn 250 triệu đồng) nhưng không được chuyển khoản lại.

Còn với chị H., ở tổ 3, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ cũng là một trong số nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong thời gian gần đây. Tại cơ quan Công an, chị H. đã tố giác các đối tượng: Nguyễn Thị Thu Hương, Đặng Quang Thắng và Trần Đức Dương tự xưng là nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cán bộ Công an TP. Đà Nẵng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Đà Nẵng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 31/8/2022, các đối tượng trên đã liên hệ với chị H. qua số điện thoại và ứng dụng Viber, thông báo cho chị H. việc chị mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Đà Nẵng và đang có khoản vay 80 triệu đồng. Nếu đến 17 giờ cùng ngày chị không thanh toán khoản vay thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, viện kiểm sát và sẽ niêm phong toàn bộ tài sản của chị H. Do tin lời các đối tượng, chị đã làm theo hướng dẫn, cung cấp mật khẩu ứng dụng SmartBanking trên điện thoại cho các đối tượng và bị chiếm đoạt số tiền hơn 545 triệu đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Điện Biên.

Trường hợp của chị D. và H. cho thấy thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi. Quá trình hoạt động các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, sử dụng các thông tin giả và thay đổi địa bàn hoạt động nhằm trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Còn nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, nhất là những người nhẹ dạ cả tin, hám lợi, kiến thức pháp luật hạn chế, không hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin, thường xuyên công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Từ đó, các đối tượng dễ dàng lợi dụng tiếp cận, tạo niềm tin, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nâng cao cảnh giác, phòng ngừa

Thượng tá Nguyễn Tuấn Bắc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Để người dân biết và nêu cao tinh thần cảnh giác đối với các thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Từ tháng 5/2021 đến nay toàn tỉnh đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu hút trên 20.000 lượt người tham gia; phối hợp với cơ quan báo đài đăng 60 tin bài có nội dung về công tác phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Qua đấu tranh, phát hiện hành vi phạm tội của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại trực tiếp cho các bị hại để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Như mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản. Từ ngày 15/12/2021 đến 15/3/2023, cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã tiếp nhận, điều tra, giải quyết 11 tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Trong đó, 3 tin giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát; 1 tin giả danh cán bộ ngân hàng, 2 tin tuyển cộng tác viên... Cơ quan cảnh sát điều tra các cấp đã ra quyết định khởi tố 10 tin (tạm đình chỉ) và đang xác minh 1 tin. Tổng số tài sản bị thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.

Hiện nay, trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, bị hại do cả tin, tâm lý hám lợi, đến khi chuyển số tiền lớn cho các đối tượng nhưng không thấy có lợi nhuận như hứa hẹn mới đến cơ quan chức năng trình báo gây khó khăn cho công tác xác minh, điều tra. Ngoài ra, giữa đối tượng và bị hại không có chứng cứ khác ngoài lời khai, khi bị hại trình báo sự việc đến cơ quan chức năng thì xóa bỏ trách nhiệm, dẫn đến không xử lý được đối tượng... Do vậy, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh. Không chuyển tiền cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, internet mà chưa biết rõ về họ; cần nắm rõ cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời đến trụ sở; tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng E-Banking cho bất kỳ ai; khi người thân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền hãy gọi điện để xác nhận lại.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top