Nhiều người mất tiền vì chiêu trò lừa đảo cũ

09:40 - Thứ Năm, 18/05/2023 Lượt xem: 5961 In bài viết

Vẫn với các chiêu trò thuê bao không chính chủ, thuê bao thường xuyên liên lạc giao dịch mua bán hàng cấm, rửa tiền để hù dọa nạn nhân, thậm chí thông qua mạng xã hội, chúng giả vờ yêu đương, sau đó giả vờ gửi quà, tiền để tìm cách lừa tiền của những người nhẹ dạ.

Nạn nhân Minh, một chủ tiệm sửa xe ở quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, đang sửa nốt chiếc xe môtô giao cho khách để kịp đi phượt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, anh nhận cuộc gọi từ điện thoại lạ. Chưa kịp nói gì thì một người đàn ông ở đầu dây bên kia giới thiệu tên là Bách, điều tra viên Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Hà Nội lập tức đọc vanh vách: “Anh là Minh, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú…số điện thoại 090….. mà anh đang dùng do người khác đứng tên (chưa được sang tên chính chủ) nên nếu không sang tên ngay cho anh thì 3 giờ chiều mai sẽ bị khóa toàn bộ hai chiều gọi đi và đến.

Ảnh minh hoạ.

Tuy nhiên số máy điện thoại anh đang dùng mấy tháng qua cứ liên tục gọi liên lạc mua bán ma túy với số lượng lớn và rửa tiền, đặc biệt vào ngày 10/12/2022 đã liên lạc chuyển trái phép 50 triệu USD ra nước ngoài nên anh phải tức tốc ra ngay địa chỉ 75A Đinh  Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, nhưng chỉ đi một mình để bảo đảm bí mật của chuyên án. Ra đến nơi thì gọi điện thoại cho tôi theo số: 0853285336…”.

Mặc dù từ trước đến nay làm ăn lương thiện, nhưng bản thân ngại va chạm đến vấn đề pháp lý, anh Minh đặt mua vé máy bay ra Hà Nội rồi gọi điện thông báo sáng hôm sau mới ra được thì đối tượng yêu cầu chuyển trước 100 triệu vào tài khoản của hắn để kiểm tra trước cho kịp.

Đang chuẩn bị hành lý để ra sân bay thì một anh Cảnh sát giao thông gõ cửa nhờ sửa giúp xe môtô bị hỏng. Là khách quen nên anh Minh không thể từ chối, nhưng tâm trí xao lãng, đôi tay cứ lóng ngóng không biết lấy dụng cụ nào cho vừa để mở bugi, ốc máy. Thấy lạ, anh Cảnh sát giao thông gặng hỏi và như muốn trút gánh nặng trong lòng, anh Minh đã kể hết mọi chuyện. Nghi ngờ đây là cái bẫy của bọn lừa đảo, anh Cảnh sát giao thông khuyên anh Minh không nên đi Hà Nội và thông báo với ngân hàng chặn ngay giao dịch chuyển tiền mà anh thực hiện trước đó ít phút.

Ngay sau đó, người đàn ông tên Bách gọi cho anh Minh hối lên đường gấp. Thấy vậy, anh Cảnh sát giao thông giật lấy điện thoại hỏi Bách làm ở đơn vị nào, phiên hiệu ra sao, tại sao không gửi giấy triệu tập theo quy định mà lại gọi điện thoại hẹn gặp theo kiểu cá nhân thì tên Bách lập tức cúp máy, sau đó tắt luôn nguồn. Nhờ đơn vị chức năng kiểm tra thì được trả lời số điện thoại này là sim rác nên không thể xác định được danh tính người dùng.

Thoát được cú lừa, anh Minh về nhà định thông báo cho mọi người cùng biết để cảnh giác thì người con trai của anh tiết lộ, cũng với chiêu trò này, trước đó 1 ngày, cũng người đàn ông xưng tên Bách và là điều tra viên Công an  Hà Nội đã lừa lấy đi 30 triệu đồng.

Đau đớn nhất có lẽ là trường hợp chị Hồng ở tỉnh Tây Ninh. Đầu năm 2023, chị kết bạn với một Việt kiều Mỹ tên Phong trên mạng xã hội. Sau nhiều lần trò chuyện qua lại, thấy hợp nhãn nên khi Phong ngỏ ý muốn cưới làm vợ, chị Hồng đã đồng ý ngay. Hai tháng sau đó, tháng nào Phong cũng gửi cho chị Hồng 100USD rồi bảo là hỗ trợ tiền tiêu vặt và đến đầu tháng 4/2023, Phong gọi điện cho chị Hồng thông báo gửi trước 200 ngàn USD nhờ chị Hồng mua nhà, nhưng thủ tục nhiêu khê nên phải gửi theo đường hàng hóa về sân bay Tân Sơn Nhất. Khi nào về tới, sẽ có nhân viên công ty vận chuyển liên hệ, hướng dẫn em đi nhận. Nói xong, Phong còn chụp hình thùng hàng gửi cho chị Hồng.

Giữa tháng 4/2023, chị Hồng nhận điện thoại của một người giới thiệu là nhân viên giao nhận thông báo thùng hàng của một Việt kiều Mỹ tên Phong gửi cho chị đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng do bên trong có nhiều USD nên Hải quan không cho qua, muốn nhận được phải chi 200 triệu.

Ôm tiền xuống, chị Hồng được người ngày dắt chị vào sảnh văn phòng nơi Hải quan làm việc bảo chị đưa tiền rồi ngồi chờ để hắn vào phòng sếp lo lót giúp. Nói xong, hắn còn móc điện thoại đưa hình thùng hàng cho chị Hồng xem để làm tin. Chờ mãi không thấy người giao hàng quay lại, chị Hồng sinh nghi chạy vào hỏi một nhân viên Hải quan thì đươc giải thích đường vận chuyển chỉ dành cho hàng hóa các loại, riêng tiền thì phải chuyển qua tài khoản để ngân hàng kiểm soát, thu phí chứ theo quy định thì không gửi theo đường vận chuyển được. Gọi điện thì cả người giao nhận lẫn “người yêu” trên mạng đều tắt máy, chị Hồng chỉ còn biết tự trách mình già đầu mà sao quá nhẹ dạ cả tin…

Một cán bộ trinh sát Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Qua thực tế đấu tranh với loại hình tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy các đối tượng thường dùng sim rác hoặc tạo số điện thoại trên internet rồi mạo danh là Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát, Cảnh sát quốc tế gọi điện hù dọa rằng ông A, bà B có liên quan đến buôn lậu, rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy…

Để không bị mắc bẫy, trước hết người dân cần hiểu rõ nếu cần phải làm việc với một người nào đó, Cơ quan điều tra sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập có ký tên đóng dấu của thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng rồi gửi về địa chỉ chứ không gọi điện thoại trực tiếp cho người được triệu tập. Vì vậy đề nghị người dân cần nêu cao cảnh giác, tích cực tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm mà có biện pháp đối phó.

Người dân nào nhận được cuộc gọi nghi của bọn lừa đảo thì thông báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp xử lý chứ không nên âm thầm hành động theo sự dẫn dụ của bọn tội phạm mà mất tiền không đáng.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top