Cùng hành động phòng, chống mua bán người

08:50 - Thứ Hai, 19/06/2023 Lượt xem: 4892 In bài viết

ĐBP - Công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh được các lực lượng chức năng phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, từ công tác tuyên truyền đến cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người được thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, trong những năm gần đây, nhận thức, hiểu biết của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số về phòng, chống mua bán người được nâng lên; số vụ mua bán người đã giảm rõ rệt.

Công an phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) tuyên truyền người dân về thủ đoạn tội phạm mua bán người.

Những năm trước, tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình và xã hội. Đơn cử, khoảng tháng 5/2020, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, hai chị em Quàng Thị B. và Lò Thị N., xã Na Sang (huyện Mường Chà) đã vượt biên trái phép để đi lao động nước ngoài với lời hứa công việc nhàn hạ (bán quần áo), và mức lương hậu hĩnh (15 - 20 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, sang bên kia biên giới, khi không có công ăn việc làm hai chị em B. và N. mới biết mình bị lừa và điện thoại về cho gia đình sang đón. Hay vụ việc Công an tỉnh bắt giữ được đối tượng Sùng A Vảng (SN 1979, trú tại thôn Páo Tỉnh Làng 1, xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa) về mua bán người. Tại cơ quan công an, Sùng A Vảng đã khai nhận trong thời gian đi làm thuê ở Trung Quốc, Vảng có quen một người đàn ông dân tộc Mông ở Trung Quốc. Người này thỏa thuận với Vảng về Việt Nam tìm phụ nữ mang sang bán, mỗi người phụ nữ được đưa sang, Vảng sẽ được trả 2.000 Nhân dân tệ. Tin lời, Vảng trở lại Việt Nam và dùng thủ đoạn lừa gạt bạn gái là Giàng Thị D. (SN 1990, ở xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo) bán sang Trung Quốc.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ việc lừa đảo, mua bán người diễn ra trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người chủ yếu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch hoặc làm quen, giả vờ yêu đương. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu làm quen với nạn nhân thay vì trực tiếp thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng thông qua các mạng xã hội để làm quen, sau đó nhờ các đối tượng quen biết trên địa bàn đưa nạn nhân lên khu vực biên giới. Xu hướng này được các đối tượng phạm tội sử dụng ngày càng nhiều khiến công tác phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Trước tình trạng này, các cấp, ngành, lực lượng chức năng đã cùng vào cuộc. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân có ý nghĩa quan trọng, các cơ quan chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an, Biên phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ... đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là tuyên truyền qua mạng xã hội. Từ đó, kịp thời thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân đối với loại tội phạm này. Trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn với 1.005 lượt người tham gia. Tổ chức 1.260 buổi truyền thông trực tiếp về công tác phòng, chống mua bán người với 53.672 lượt người tham gia; 857 buổi truyền thông lưu động, với các hình thức phong phú như: tổ chức quầy thông tin với nhiều hình ảnh, câu hỏi trắc nghiệm về phòng, chống mua bán người; tổ chức 5.010 cuộc phổ biến pháp luật với 282.301 lượt người, phát 80.460 tài liệu về phòng chống mua bán người…Tiếp tục duy trì, củng cố nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả của 31 mô hình, câu lạc bộ “Phòng, chống mua bán người” với 1.294 thành viên. Nổi bật như câu lạc bộ “Phòng, chống mua bán người” tại bản Pú Múa, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà); mô hình “Ban phòng, chống mua bán người cấp xã” tại huyện Mường Ảng và Tuần Giáo...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ triển khai “Dự án phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên” trên địa bàn 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo, giai đoạn 2020 - 2023. Sau 3 năm thực hiện dự án, phụ nữ, trẻ em ở các xã vùng dự án đã được trang bị kỹ năng bảo vệ mình, kỹ năng sống, cũng như các kỹ năng về phát triển sinh kế. Trong đó, phụ nữ biết về các dịch vụ và cơ chế hiện có tại cộng đồng về phòng chống bạo lực và mua bán người đã tăng từ 43,9% năm 2020 lên 82,4% năm 2023. Trẻ em gái bị bạo lực thân thể đã giảm từ 16,8% xuống 6,5%; trẻ em gái bị xâm hại giảm từ 16,5% xuống 7,2%.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tình hình tội phạm mua bán người trong những năm qua giảm rõ rệt. Trong 5 năm (2015 - 2020), Công an tỉnh đã phát hiện triệt phá 87 vụ án, chuyên án đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán người, giải cứu 48 nạn nhân, đưa trở về địa phương đoàn tụ với gia đình. Từ năm 2021 đến hết năm 2022 chưa phát hiện, bắt giữ vụ mua bán người. Tuy nhiên, trong năm 2022 tình hình xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp, đã phát hiện 177 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Lào, Trung Quốc và 374 trường hợp xuất cảnh trái phép ra nước ngoài quay về địa bàn; phát hiện, xử lý 3 vụ, 3 đối tượng về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, trốn đi nước ngoài.

Thời gian tới, dự báo tình hình mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, các đối tượng tội phạm triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận, dụ dỗ nạn nhân. Để phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em, trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân, nhất là các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số trở thành nạn nhân trong các vụ mua bán người mua bán người  qua biên giới chính là sự nghèo đói. Cùng đó, trình độ hiểu biết về pháp luật cũng như về xã hội, kiến thức về buôn bán phụ nữ trẻ em còn thiếu. Vì vậy, cùng với truyền thông nâng cao nhận thức, cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành trong cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top