Hiện thực hóa pháp luật trong đời sống

15:43 - Thứ Tư, 28/06/2023 Lượt xem: 5947 In bài viết

ĐBP - Chia sẻ về vai trò của pháp luật trong đời sống, ông Đỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật được đặt ra như một tất yếu khách quan. Điều này không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó có ý thức đạo đức. Pháp luật càng chặt chẽ, càng đầy đủ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao. Do đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là điều vô cùng quan trọng, trực tiếp chuyển tải tới các tầng lớp Nhân dân những kiến thức pháp luật, giúp họ nâng cao nhận thức, niềm tin, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật.

Phiên tòa xét xử lưu động án ma túy, kết hợp PBGDPL tại xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông.

Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau hơn 10 năm Luật PBGDPL có hiệu lực thi hành, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tới các cấp, ngành. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương chủ động triển khai công tác PBGDPL với nhiều hình thức, nội dung phong phú, sát với thực tế của từng địa bàn, đối tượng. Sở Tư pháp đã tổ chức gần 70 nghìn cuộc, đợt PBGDPL trực tiếp cho gần 3,8 triệu lượt người tham dự; tổ chức 312 cuộc thi tìm hiểu về pháp luật với 218 nghìn lượt người tham dự; thực hiện phát sóng hơn 5.000 lượt chương trình PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh cấp xã, đăng tải hơn 8,5 nghìn tin bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ sở giáo dục đưa nội dung tuyên truyền, PBGDPL trong trường học; tổ chức hỏi - đáp kiến thức pháp luật theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người; Ban Dân tộc tỉnh tập huấn cho người có uy tín trên toàn tỉnh những quy định của pháp luật, chính sách về dân tộc. Các cơ quan, địa phương phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, như: Thi báo cáo viên pháp luật giỏi; thi hòa giải viên giỏi; thi tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; thi tìm hiểu về cải cách hành chính thông qua hoạt động hòa giải, các phiên tòa xét xử lưu động... Qua đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước được chuyển tải sinh động tới người dân, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng; tỷ lệ vi phạm pháp luật giảm theo từng năm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Đến nay toàn tỉnh có 109/129 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Mới đây, Tòa án Nhân dân huyện Điện Biên Đông đã đưa 5 vụ án ma túy ra xét xử lưu động tại xã Chiềng Sơ. Đây là một trong những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự. Các bị cáo đều có địa chỉ thường trú trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, trong số đó có 2 bị cáo trú tại xã Chiềng Sơ. Tại phiên xét xử, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội với sự chứng kiến của đông đảo của người dân trên địa bàn xã Chiềng Sơ và các xã lân cận. Các bị cáo đã phải nhận những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật về tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy.

Trong số các kênh tuyên truyền, PBGDPL thì xét xử lưu động là một trong những biện pháp tuyên truyền thiết thực, mang tính giáo dục cao, răn đe không chỉ đối với kẻ phạm tội mà cả đối với những người chưa phạm tội, có ý định bất chấp pháp luật. Là người dự buổi xét xử lưu động tại xã Chiềng Sơ, chị Lò Thị Lanh, ở bản Kéo Đứa (xã Chiềng Sơ) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được dự phiên tòa xét xử trực tiếp như thế này, nghe tòa tuyên án tôi cũng xót cho người phạm tội và người thân của họ. Nhưng ai phạm tội thì phải trả giá thôi. Đây là bài học để mọi người tránh xa ma túy.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top