Lại liên tiếp “sập bẫy” lừa qua mạng

09:51 - Thứ Ba, 04/07/2023 Lượt xem: 4965 In bài viết

Thời gian qua, cơ quan Công an trên cả nước đã tuyên truyền mạnh mẽ nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua mạng. Thế nhưng hàng giờ, hàng ngày không ít nạn nhân vẫn “sập bẫy”, bị kẻ xấu chiếm đoạt số tiền lớn từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Điều đáng nói, có thủ đoạn lừa đảo đã quá cũ, xảy ra nhiều năm nhưng nay vẫn có người “sập bẫy”.

Chiều 3/7, chị V.T.P.D (SN 1994, trú huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cho biết, dù không hề quen biết nhưng Facebook cá nhân “Kiều Vân” (giới thiệu làm việc tại Lazada) vừa chủ động nhắn tin và gọi điện bằng hình ảnh cho chị D nói về nhu cầu tuyển cộng tác viên bán hàng qua mạng. Mỗi đơn hàng bán được sẽ được hưởng từ 7-15% tùy vào các mặt hàng.

Khi nghe “Nguyễn Thị Kiều Vân” nhắn tin, gọi điện tư vấn một cách nhiệt tình, thuyết phục và đang trong giai đoạn “bỉm sữa” nên chị D đồng ý làm cộng tác viên bán hàng cho người này. Ban đầu, chị D bán 1 đồng hồ với giá 5 triệu đồng và chị D phải nộp tạm ứng vào số tiền thì sau đó được chuyển lại 5,4 triệu đồng. Tiếp đó, chị D có bán vài mặt hàng trị giá dưới 5 triệu đồng đều được chuyển lại tiền chị nộp tạm ứng cùng tiền hoa hồng bán hàng về tài khoản mình.

Cuối tháng 6/2023, TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế xử phạt Lê Thanh Phụng (trái) 14 năm tù và Hồ Xuân Quốc Việt 6 năm tù liên quan đến lừa đảo qua mạng.

Tuy nhiên, sau khi bán một đồng hồ hàng thương hiệu có giá trị 15 triệu đồng, chị D cũng nộp tạm ứng như những lần trước thì phía bên “công ty” không chuyển lại tiền và đưa ra nhiều lý do khác nhau buộc chị D tiếp tục nộp thêm tiền vào thì mới được hoàn trả lại. Chị D tiếp tục nộp thêm tiền, với số tiền hơn 60 triệu đồng nhưng vẫn không được chuyển lại. Lúc này, nhân viên tư vấn yêu chị D chỉ nộp thêm 1 lần 48 triệu đồng thì sẽ nhận đủ số tiền tạm ứng lẫn tiền phần trăm bán hàng.

Tưởng lời nói này là thật, chị D đã vay mượn người thân thêm 48 triệu đồng và tiếp tục chuyển vào số tài khoản 0976705483, ngân hàng VPBank mang tên Nguyen Doan Duc Anh. Thế nhưng, chị D chờ hoài vẫn không được trả lại tiền thì nhân viên tư vấn tiếp tục gọi điện, báo do lỗi đơn hàng nên yêu cầu chị D nộp thêm 50 triệu đồng thì mới nhận được lại tiền. Lúc này, tiền trong tài khoản không có, chị D tiếp tục cầu cứu, vay mượn của người thân thì người thân chị D cho rằng đây là chiêu thức lừa đảo và có rất nhiều người bị sập bẫy…

Lúc này, chị D nhắn tin cho Facebook “Kiều Vân” và năn nỉ, xin được lấy tiền lại thì Facebook này đã nhắn lại hàng trăm tin nhắn thuyết phục chị D phải nộp thêm tiền để được giải ngân. Chị D cho biết, người này còn gọi điện cho chị D bằng hình ảnh và quay bàn, văn phòng làm việc để mục đích cho chị yên tâm chuyển thêm tiền nhưng không quay hình ảnh người…

Theo cơ quan Công an, thủ đoạn lừa đảo giả danh nhân viên các công ty lớn, uy tín tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà với mức lương cao, sau đó đề nghị nộp tiền tạm ứng để làm nhiệm vụ và bị chiếm đoạt đã xảy ra lâu nay nhưng thời gian gần đây vẫn không ít người sập bẫy, trong đó nhiều nhất là giáo viên, công nhân, mẹ “bỉm sữa”…

Không chỉ chị D, mà thời gian gần đây, rất nhiều bị hại ở tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng sập bẫy lừa đảo qua mạng. Theo nguồn tin từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Thừa Thiên-Huế, chỉ trong tháng 6/2023, đã có 6 khách hàng của ngân hàng này phản ánh về việc bị kẻ xấu lừa đảo qua mạng, chiếm đoạt số tiền lớn trong tài khoản. Trong đó, có một nữ khách hàng (trú tại TP Huế, Thừa Thiên-Huế) sau khi bị các đối tượng giả mạo cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án gọi điện đe dọa liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm rửa tiền nên yêu cầu người phụ nữ này chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản đến các tài khoản mà các đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra.

Mặc dù người phụ nữ này đã khẳng định không hề kinh doanh, không làm ăn gì liên quan đến đường dây mà những “cán bộ” thông báo thế nhưng sau những lời “khủng bố”, tinh thần của người phụ nữ bị lung lay và làm theo yêu cầu của các đối tượng. Người phụ nữ kể, trước khi chuyển tiền theo các tài khoản mà những người gọi điện cung cấp, họ bảo với chị nếu chứng minh không có tội thì hôm sau, tiền sẽ được trả lại tài khoản. Tuy nhiên, sau nhiều ngày mỏi mòn chờ đợi, số tiền 350 triệu vẫn không được trả lại nên người phụ nữ này mới tỉnh nhận ra rằng, đây là chiêu thức của kẻ lừa đảo.

Gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp nhận nhiều thông tin về các vụ việc người dân bị lừa chuyển tiền cho những đối tượng lừa đảo trên không gian mạng với phương thức ngày càng tinh vi. Mới đây, bà H (SN 1961, trú TP Huế) nhận được một cuộc gọi điện thoại từ số máy lạ giới thiệu là cán bộ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế có quen biết cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, các đối tượng hướng dẫn bà H kết bạn qua Zalo và gọi điện qua video để nói chuyện trong trang phục giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân. Những đối tượng trên biết rõ một số thông tin cơ bản của nạn nhân và cho biết đang thụ lý một vụ án liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền. Các đối tượng dò hỏi và được bà H cho biết, có con đang định cư ở nước ngoài. Từ đó, các đối tượng tiếp tục uy hiếp bà H, yêu cầu chuyển vài chục triệu đồng vào số tài khoản mà chúng cung cấp và không được nói cho người thân biết.

Vì quá sợ hãi, bà H đã tới ngân hàng để rút tiền nhưng may mắn người thân trong nhà kịp thời phát hiện, ngăn chặn giao dịch chuyển tiền. Tuy nhiên, các đối tượng tiếp tục gọi điện uy hiếp, gửi lệnh khởi tố vụ án giả qua Zalo cho nạn nhân, yêu cầu nếu chuyển tiền ngay sẽ hoãn thực hiện lệnh bắt giữ…

Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị ghi nhận nhiều vụ việc người dân bị lừa đảo bằng các thủ đoạn khác nhau trên không gian mạng với tổng số tiền khoảng 23 tỷ đồng, trong đó có bị hại bị lừa số tiền đến gần 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện vụ án này đang trong quá trình điều tra nên cơ quan Công an chưa thể cung cấp thông tin ban đầu.

Trung tá Phan Khắc Hiệp, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, phương thức thủ đoạn của tội phạm sử dụng ngày càng tinh vi, nhằm vào những người dân lộ, lọt thông tin cá nhân để tiếp cận theo hướng chính là lợi dụng lòng tốt, sự cả tin và lòng tham.

Đáng nói, có nhiều trường hợp, người bị lừa vốn là người rất cẩn thận, thường xuyên nhắc nhở người khác về những tình huống bị lừa trên mạng để phòng tránh. Tuy nhiên sau đó, chính họ lại nhẹ dạ chuyển hàng trăm triệu đồng theo số tài khoản từ tin nhắn messenger giả mạo người thân mà không xác thực gọi điện trực tiếp cho người nhận. Có người bị lừa nhiều lần chuyển tiền cho các đối tượng theo hình thức đầu tư trực tuyến với lợi nhuận cao, được người nhà cảnh báo nhưng vẫn không nghe, đến khi sập bẫy lừa đảo mới tỉnh ngộ...

Nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân như trên nền tảng Hue-S, phát tờ rơi ở khu dân cư, đăng tải thông tin trên trang mạng xã hội…

Công an tỉnh khuyến cáo người dân phải chủ động bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân, chỉ cung cấp cho cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức uy tín; kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến các giao dịch tiền bạc trực tuyến.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top