"Bắt tại trận" các đối tượng lập trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo

09:00 - Thứ Sáu, 07/07/2023 Lượt xem: 4455 In bài viết

Thời gian qua, tình trạng dùng thiết bị giả lập trạm BTS để phát tán tin nhắn với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, quảng cáo các dịch vụ vi phạm pháp luật như cá độ bóng đá, mại dâm… diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Việc theo dõi, bắt quả tang đối tượng sử dụng thiết bị BTS giả gặp nhiều khó khăn do đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới; sử dụng thiết bị nhỏ gọn, cơ động, dễ dàng mang theo khi di chuyển trên các phương tiện ôtô để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, gần đây, các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công an đã tích cực phối hợp và đã có giải pháp hiệu quả để xử lý vấn đề này.

Các trạm BTS giả được đối tượng sử dụng để phát tán hàng nghìn tin nhắn rác mỗi phút. Ảnh minh hoạ.

Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT cho biết: Từ năm 2022 đến nay, đã có 24 vụ sử dụng trạm BTS giả (thiết bị giả mạo trạm gốc di động) được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, nhắn tin quảng cáo các nội dung "đen" tại một số tỉnh, thành phố, với mục đích lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng của người dân hoặc quảng cáo các nội dung "đen" như mại dâm, cờ bạc... Trong đó, Bộ TT&TT đã phát hiện và phối hợp Bộ Công an bắt 11 vụ, Bộ Công an mở rộng điều tra bắt 4 vụ.

Vụ việc gần đây nhất là vào chiều 23/6, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an TP.Hà Nội phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng sử dụng thiết bị giả lập BTS để phát tán tin nhắn rác, trong đó có kèm đường dẫn tới các trang web có nội dung không lành mạnh…  Theo thông tin ban đầu tại cơ quan điều tra, nhóm đối tượng này gồm 3 người. Trong đó, 2 đối tượng trú tại Lạng Sơn và 1 đối tượng trú tại Bắc Giang.

Cuối tháng 4, thông qua một người quen, các đối tượng này đã được một người đàn ông Trung Quốc thuê chở thiết bị BTS giả đi phát tán tin nhắn với số tiền công là 10 triệu đồng/ngày. Đối tượng người Trung Quốc đã chuyển thiết bị BTS giả đến tận nhà và chuyển 720 USD qua tài khoản cho các đối tượng. Sau khi nhận tiền, các đối tượng thuê xe ôtô với giá 400.000 đồng/ngày để thực hiện phát tán tin nhắn rác…

Cũng trong tháng 6, Cục Tần số vô tuyến điện và các đơn vị nghiệp vụ Công an đã phát hiện và bắt giữ một vụ sử dụng thiết bị BTS giả tại TP Hồ Chí Minh với cách thức hoạt động tương tự như vụ tại Hà Nội. Trước đó, trong tháng 3 và tháng 4, Cục Tần số vô tuyến điện cũng đã phối hợp với cơ quan Công an phát hiện 10 vụ sử dụng trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên; bắt giữ 11 đối tượng trực tiếp thực hiện, vận hành, phát tán tin nhắn rác, tin lừa đảo...

Cũng theo ông Trần Mạnh Tuấn, phân tích ban đầu của các chuyên gia cho thấy, các thiết bị của trạm phát sóng giả phát tán tín hiệu đè lên sóng của các nhà mạng, khi đó thuê bao di động kết nối vào trạm phát sóng giả này không qua các nhà mạng. Các thiết bị giả có thể thực hiện hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút. Đặc biệt, trong nội dung tin nhắn thường gắn kèm các link lừa đảo, game độc hại, mạo danh website ngân hàng để lừa đảo.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này do lỗ hổng bảo mật của mạng 2G. Mạng di động này chỉ yêu cầu xác thực người sử dụng điện thoại nhưng không yêu cầu người sử dụng xác thực nhà mạng. Hơn nữa, các thiết bị BTS giả mạo có đặc điểm nhỏ gọn lại được nhập lậu vào Việt Nam qua tiểu ngạch, rất khó để cơ quan chức năng đi thanh tra, kiểm tra phát hiện. Cũng do đặc điểm nhỏ gọn nên đối tượng xấu có thể dễ dàng mang theo trên ôtô, xe máy để đi phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo với số lượng và tốc độ chóng mặt.

"Bên cạnh các giải pháp đã triển khai như phối hợp tích cực với Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, trong đó có yêu cầu các sàn thương mại điện tử không bán thiết bị điện tử không có chứng nhận hợp quy và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức ngân hàng, tín dụng thực hiện xác thực thông tin, cập nhật liên tục mã định danh của khách hàng thì gần đây Bộ TT&TT cũng đã phối hợp với Bộ Công an có giải pháp hiệu quả nhằm phát hiện và bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS ngay tại trận trong quá trình đối tượng đang hoạt động. Theo đó, sau khi các nhà mạng phát hiện có dấu hiệu trạm BTS giả mạo hoạt động, sẽ báo cáo lên Cục Tần số vô tuyến điện để cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật với phương tiện hiện đại tìm chính xác vị trí phát sóng BTS giả rồi phối hợp với cơ quan Công an tiến hành bắt giữ đối tượng, khởi tố điều tra"- lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện chia sẻ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top