Góp vốn đầu tư:

Lợi nhuận tức thời hay hệ lụy rủi ro

06:51 - Thứ Bảy, 08/07/2023 Lượt xem: 6765 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng xuất hiện nhiều lời mời góp vốn với mức lãi suất được hưởng rất hấp dẫn từ nhiều công ty kinh doanh bất động sản, tổ chức sự kiện, du lịch, dịch vụ… Những lời mời góp vốn này đã được nhiều người quan tâm và xuống tiền đầu tư. Nhưng hình thức góp vốn này có an toàn? Việc huy động vốn này có đảm bảo đúng pháp luật? Chúng ta cần thận trọng và tìm hiểu cụ thể hơn về các hoạt động của những công ty này.

Sử dụng diễn giả tổ chức hội nghị khách hàng để huy động vốn.

Góp vốn cao hưởng lãi “khủng”

Các công ty này hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: Bất động sản, tổ chức sự kiện, du lịch, dịch vụ, thời trang và đầu tư... Tại Điện Biên, hiện có nhiều công ty tổ chức các hội nghị, hội thảo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm do công ty mình kinh doanh. Những thông tin được các công ty công bố trong chương trình hợp tác kinh doanh đều có mức lợi nhuận cao. Mức lợi nhuận có thể được phân chia theo ngày, tháng hoặc tuần. Với mức cam kết lợi nhuận hấp dẫn từ 3 - 5%/tháng, cùng với hình thức góp càng nhiều, lợi nhuận càng cao. Mức vốn đầu tư tối thiểu ban đầu có thể chỉ là 5 triệu đồng, sau một thời gian nhất định từ 12 - 15 tháng, người đầu tư có thể nhận cả gốc và lãi từ 7 - 8 triệu đồng. Vốn đầu tư ban đầu càng cao, thì các nhà đầu tư ngay lập tức sẽ nhận thưởng lợi tức từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, và sau 12 - 15 tháng, số tiền lãi, gốc và tiền thưởng thêm mà nhà đầu tư được hưởng có thể lên tới vài trăm đến hàng tỉ đồng. Ngoài ra, khi mời được khách hàng mới tham gia góp vốn đầu tư, thì người giới thiệu cũng được tặng thưởng từ 3 - 8% giá trị hợp đồng. Theo ông Phạm Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên: “Quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng là không quá 5%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là từ 5,5 - 8,6%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng thì tối đa không quá 8,6%/năm”. Như vậy, có thể thấy, so với mức trần lãi suất tiền gửi do Nhà nước quy định, thì mức lãi mà các công ty trên đưa ra là rất cao (từ 3 - 5%/tháng, tương đương trên 35%/năm), nên có thể dễ dàng đánh vào tâm lý của người dân.

Đa cấp biến tướng

Chương trình hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo ngày với lãi suất khủng của các công ty này đến nay đã thu hút hàng nghìn nhà đầu tư trên toàn quốc với số tiền lớn. Thực chất, hoạt động huy động vốn này có tính chất đa cấp trá hình; đối tượng tham gia chủ yếu lại là người già, phụ nữ; khi ký kết hợp đồng, nhà đầu tư phải ký kết hợp đồng góp vốn kinh doanh trên tinh thần tự nguyện. Với cách thức sử dụng các “diễn giả”, “doanh nhân” để đứng ra giảng dạy, phân tích về kinh doanh, đầu tư các lĩnh vực, thông qua việc “gây nhiễu” thông tin, diễn giả sử dụng nguồn tiền của người tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh và có cam kết lợi nhuận cực khủng. Bằng những chiêu trò đó, nhà đầu tư dần dần bị dẫn dắt vào “tròng” thông qua các hình thức đầu tư nhóm hay ký “hợp đồng ủy thác đầu tư” với các gói cam kết lợi nhuận hàng tháng cao ngất ngưởng, thực chất, họ cũng chỉ lấy tiền người trước trả lãi cho người sau theo mô hình đa cấp.

Khi nhà đầu tư đặt niềm tin vào những “diễn giả”, “doanh nhân” này thì họ sẽ tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư tham gia gọi vốn để được hưởng %/giá trị vốn gọi và số cổ đông. Với những lợi nhuận trước mắt, nhiều người còn kêu gọi người thân, gia đình cùng tham gia góp vốn và cứ thế số vốn huy động được ngày càng lớn. Trong khi các thông tin về vốn điều lệ, lãi suất kinh doanh, hoạt động của Công ty thì các nhà đầu tư đều nhận thức rất mờ mịt. Thực tế, theo quy định, lãi suất được chi trả cho các nhà đầu tư phải dựa theo số cổ phần, lãi suất kinh doanh của Công ty chứ không thể có con số cụ thể cho từng số vốn góp vào. Vậy những con số lợi nhuận, thưởng lợi tức, thưởng thêm hay tổng lãi và gốc nhận về sau 12 - 15 tháng được lấy từ đâu? Theo quy định nào?Và thực tế là đến khi nhà đầu tư có nhu cầu rút vốn, thì công ty đưa ra nhiều lý do để giữ vốn. Khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện thì số tiền lãi khách hàng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ được xác định theo quy định, phần tiền lãi vượt quá sẽ không được giải quyết, thậm chí có thể bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi.

Cảnh giác với hoạt động huy động vốn

Việc huy động vốn của các Công ty với hình thức đa cấp đã xuất hiện tại rất nhiều địa bàn trên cả nước, tại Điện Biên, các công ty này cũng đã tổ chức một số sự kiện, hội thảo để tham gia huy động vốn. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình, lực lượng liên ngành gồm Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và chính quyền địa phương đã tiến hành làm việc với người đại diện của các công ty để kiểm tra thủ tục pháp lý và các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh của các công ty này. Đối với các công ty không đủ điều kiện theo quy định thì yêu cầu chấm dứt hoặc tạm dừng các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Điều 217a, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội “Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”, các hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, trá hình dưới mọi hình thức thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. “Ván bài đa cấp” thực ra rất đơn giản nhưng hiệu quả vì đánh trúng tâm lý và nhu cầu của đối tượng có nhu cầu về thu nhập. Điều quan trọng nhất của loại hình lừa đảo này là nó biến nạn nhân trở thành người tiếp tay. Người tham gia không chỉ bỏ tiền túi của bản thân mình mà họ phải tiếp tục đi tìm những khách hàng khác làm vật thế thân cho mình. Khi đã trở thành một mắt xích của tổ chức lừa đảo, việc dừng lại và tố cáo nó bao giờ cũng khó hơn việc tiếp tục đâm lao phải theo lao.

Thiết nghĩ, hoạt động đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận là nhu cầu của mỗi cá nhân. Tuy nhiên để hạn chế rủi ro thì mỗi người cần tìm hiểu kỹ thông tin về các dự án đầu tư, các tổ chức huy động vốn, các giấy tờ pháp lý như giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh... trước khi tham gia, góp vốn đầu tư. Đặc biệt, cần nhận diện và nắm rõ các thủ đoạn một số đối tượng lừa đảo thường sử dụng để có thể tránh sập bẫy lừa đảo. Nếu có dấu hiệu bất thường, lừa đảo cần mạnh dạn lên tiếng, phản ánh với các cơ quan chức năng để chặn đứng mọi hành vi lừa đảo.

Thu Trang (Công an tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top