Hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

06:54 - Chủ Nhật, 09/07/2023 Lượt xem: 6136 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (ANTQ) trên địa bàn tỉnh đã phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công an phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) phối hợp tuyên truyền đến hộ kinh doanh tại chợ Trung tâm 1 tham gia bảo vệ ANTQ.

Để phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” phát huy hiệu quả, lực lượng công an đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho người dân chủ động trước âm mưu của các thế lực thù địch, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình, người tốt việc tốt, qua đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh với các loại tội phạm.

Các lực lượng chức năng phối hợp đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả phong trào, củng cố thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc; vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến. Đến nay toàn tỉnh đã nhân rộng 30 mô hình điển hình và tiếp tục củng cố, duy trì có hiệu quả gần 4.400 tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với 44 loại mô hình, như: “Tổ công nhân vì môi trường xanh - tự quản về ANTT”; “Hệ thống camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự”; “Dòng họ bình yên”; “Cụm liên kết về ANTT”; “Câu lạc bộ quản lý, giáo dục con em không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; “An toàn trường học”…

Mô hình “Hệ thống camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự” là cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” tại địa bàn TP. Điện Biên Phủ, huyện Mường Nhé. Trên địa bàn thành phố, bên cạnh camera an ninh của lực lượng công an, TP. Điện Biên Phủ khuyến khích người dân lắp camera để quan sát, đảm bảo ANTT cho gia đình và góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”. Theo thống kê của lực lượng chức năng, người dân trên địa bàn thành phố lắp gần 5.000 hệ thống camera an ninh giám sát. Mô hình đã giúp lực lượng công an theo dõi, giám sát 24/24h, hỗ trợ tích cực công tác truy vết, truy xét, khoanh vùng, bắt giữ đối tượng phạm tội nhanh chóng; phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, xử lý chính xác các vụ việc về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, góp phần cảnh báo, hạn chế các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” được đẩy mạnh gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, “Dân vận khéo”, “Xóa đói, giảm nghèo”… Nhờ thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, hàng năm trên 80% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” và được đánh giá, phân loại đạt khá trở lên. Thông qua phong trào này, từ năm 2020 đến nay, quần chúng Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an hàng nghìn nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra khám phá, làm rõ 405 vụ phạm tội về trật tự xã hội, trong đó điều tra làm rõ 40 vụ tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm trật tự xã hội năm sau giảm so với năm trước (năm 2021 giảm 22,5% so với năm 2020; năm 2022 giảm 24,5% so với năm 2021; quý I/2023 giảm 37,2% so với cùng kỳ 2022). Đặc biệt, đã phát hiện, bắt giữ 3.122 vụ với 3.526 đối tượng phạm tội về ma túy.

Có thể nói, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ về cả chiều rộng lẫn chiều sâu; nhiều mô hình tiên tiến được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể đã có nhiều cải tiến về nội dung, hình thức tổ chức, phù hợp với thực tế từng địa bàn. Mỗi người dân đã trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Qua đó góp phần kiềm chế và làm giảm hoạt động của các đối tượng phạm tội, không để xảy ra các điểm nóng về ANTT trên địa bàn.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top