Mất trắng tài sản khi đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử

10:36 - Thứ Ba, 25/07/2023 Lượt xem: 4632 In bài viết

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế liên tiếp nhận được trình báo của người dân về việc bị chiếm đoạt tài sản khi được mời gọi đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử. Hiện cơ quan Công an đang tích cực xác minh, điều tra làm rõ các đối tượng lừa đảo và tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để người dân cảnh giác.

Ngày 24/7, Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đơn vị đang tích cực điều tra làm rõ vụ án bà L.T.T. trú trên địa bàn tỉnh bị một đối tượng quen qua mạng xã hội mời đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử, sau đó chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Trong đơn trình báo gửi đến cơ quan Công an, bà T. cho biết, thông qua mạng xã hội Facebook, bà có kết bạn với tài khoản mang tên “Trần Thùy Dung”. Sau một thời gian trò chuyện thì đối tượng giới thiệu cho bà T. sàn giao dịch tiền điện tử “Nasdaqiii” để đầu tư thu lợi nhuận. Do tin tưởng nên bà T. đăng kí tài khoản và tham gia đầu tư trên sàn này.

Các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt giữ.

Bằng các thủ đoạn kêu gọi đầu tư, nâng cấp tài khoản để hưởng phí giao dịch thấp, đối tượng sử dụng tài khoản “Trần Thùy Dung” nhiều lần yêu cầu bà T. chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp. Tin tưởng nên bà T. nhiều lần chuyển với tổng số tiền hơn 853 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng này. “Sau nhiều ngày chuyển tiền, thấy đối tượng không hồi âm, không thông báo về việc giao dịch tiền điện tử, đồng thời cắt đứt liên lạc thì tôi mới biết mình bị lừa nên làm đơn trình báo gửi đến cơ quan Công an”, bà T. cho hay.

Cũng với hình thức tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử, chị Nguyễn T.N.Th. (SN 1997, trú ở đường Nguyễn Trãi, TP Huế) cũng đã bị lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Theo thông tin mà chị Th. cung cấp cho cơ quan Công an, thông qua mạng xã hội, chị Th. quen một người có tên là “Jack”. “Jack” giới thiệu mình hiện đang sinh sống tại Singapore và mời chị Th. tham gia vào sàn giao dịch tiền điện tử có tên là “HKD Bitexchang.com”. Được sự hướng dẫn của “Jack”, chị Th tạo tài khoản có tên là Pynguyennn@gmail.com. Sau khi lập tài khoản, chị Th. được cấp 1 ví tiền ảo USDT dùng để giao dịch mua bán các loại tiền ảo như Bitcoin, WICC, EOS.

Để đầu tư vào sàn giao dịch tiền ảo này, chị Th. chat trên hệ thống với nhân viên của sàn giao dịch và được hướng dẫn chuyển 5 triệu đồng vào số tài khoản 19038275080010. Với số tiền này, tài khoản tiền ảo của chị Th. nhận được 200 USDT và chị Th. mua đuợc 2898,55 WICC tiền ảo với giá 0,07 USDT/1 WICC. Sau đó chị Th. đặt lệnh bán tự động trên sàn giao dịch khi giá WICC đạt 0,08 USDT/1 WICC. Sau khi bán hết tiền ảo, chị Th. yêu cầu chuyển từ ví điện tử vào tài khoản ngân hàng của mình số tiền 5.524.000 đồng, lần này chị Th. lãi 524.000 đồng.

Do tin tưởng vào những lời của đối tượng “Jack” dụ dỗ và thấy đầu tư vào sàn giao dịch tiền điện tử có lãi nên sau đó chị Th. tiếp tục có nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để mua tiền ảo đầu tư. Qua điều tra, cơ quan Công an làm rõ, lần thứ 2 chị Th. chuyển 25 triệu đồng và nhận về trong ví điện tử 1.000 USDT, sau đó chị Th. mua 763 EOS tiền ảo với giá 1,31 USDT/1 EOS. Bán hết số tiền ảo này, chị Th. rút về tài khoản số tiền 27.259.000 đồng, lãi 2.259.000 đồng.

Lần 3 chị Th. chuyển 70 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng và được chuyển vào ví điện tử số tiền 2.800 USDT, mua được 7341 XRP tiền ảo với giá 0,38 USDT/1 XRP rồi đặt lệnh bán tự động trên sàn khi giá XRP đạt 0,41 USDT/1 XRP thì bán hết. Sau đó chị Th. rút về tài khoản số tiền 75.259.750 đồng, lãi 5.259.750 đồng.

Lần 4, theo yêu cầu của nhân viên sàn giao dịch điện tử, chị Thủy chuyển 1,25 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp để tiếp tục mua bán các loại tiền ảo. Lần 5, đối tượng “Jack” tư vấn chị Th. nâng cấp lên tài khoản VIP1 và cần có thêm trong ví 300.000 USDT.

Ngoài số tiền đang có trong ví, “Jack” đồng ý cho chị Th. mượn 100.000 USDT chuyển vào ví. Chị Th. nhiều lần chuyển tiền vào các số tài khoản khác nhau do đối tượng cung cấp với tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng, tương đương với 206.000 USDT. Lúc này ví của chị Th. có 393.147 USDT nhưng sàn giao dịch điện tử không chấp nhận việc nâng cấp. Lúc này chị Th. đặt lệnh yêu cầu rút tiền về tài khoản ngân hàng thì được thông báo là do đang nâng cấp nên không rút được. Liên lạc với “Jack” nhưng đối tượng này đã “cao chạy xa bay” nên chị Th. mới trình báo đến cơ quan Công an.

Một cán bộ Đội Hướng dẫn, điều tra án xâm phạm trật tự ATXH, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là nếu có yêu cầu, thì người giao dịch tiền ảo chỉ được liên hệ trên hệ thống chát với nhân viên của sàn giao dịch tiền điện tử. Các đối tượng yêu cầu người đầu tư chuyển tiền Việt Nam đồng vào các tài khoản cá nhân do nhân viên chỉ định, sau đó đổi thành USDT chuyển vào ví điện tử để mua tiền ảo.

Sau khi bán hết tiền ảo, khi cần rút tiền từ ví điện tử về tài khoản ngân hàng thì người đầu tư phải liên hệ với nhân viên sàn giao dịch để đổi thành tiền Việt Nam đồng để chuyển về tài khản ngân hàng. Người đầu tư không thể tự chuyển tiền vào ví được và cũng không tự mình rút tiền từ ví về được. “Với thủ đoạn này, các đối tượng dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tiền của người đầu tư trên sàn giao dịch tiền điện tử”, cán bộ này khẳng định.

Ngoài hình thức mời gọi đầu tư trên sàn giao dịch tiền điện tử, các đối tượng còn sử dụng những thủ đoạn như chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội hoặc tạo tài khoản giả để nhắn tin mượn tiền từ những người có trong danh sách bạn bè. Giả danh giáo viên, bảo vệ nhà trường hoặc nhân viên bệnh viện gọi điện cho phụ huynh báo tin học sinh hoặc người nhà bị tai nạn đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền nhanh để đóng viện phí, sau đó chiếm đoạt; mạo danh các ngân hàng thương mại gửi tin nhắn yêu cầu xác thực tài khoản, hủy dịch vụ bằng cách truy cập vào đường link dẫn nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.

Hiện Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã và đang chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức cảnh giác, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, cơ quan Công an khuyến cáo người dân chủ động bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân, chỉ cung cấp cho cơ quan Nhà nước, đơn vị, tổ chức khi có yêu cầu. Cần kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến các giao dịch tiền bạc trực tuyến; không tin tưởng đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo để tránh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top