Tránh bẫy của tội phạm mua bán người

16:38 - Thứ Tư, 02/08/2023 Lượt xem: 3745 In bài viết

Theo số liệu của Bộ Công an, tình hình tội phạm mua bán người trong nước và ra nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng so cùng kỳ năm 2022. Các thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, với sự phát triển của internet và mạng xã hội; có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới.

Công an tỉnh Lai Châu tuyên truyền các biện pháp phòng chống tội phạm mua bán người trong học sinh, sinh viên. Ảnh: Hoàng Phong

Ngoài ra, hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài để lao động, làm việc bất hợp pháp tiếp tục diễn biến phức tạp, bất chấp cảnh báo của các cơ quan chức năng. Nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như: Triệt để lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả, kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage. Các đối tượng trong nước cấu kết người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành đường dây khép kín nhằm dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân đưa ra nước ngoài, với nhiều mục đích khác nhau: Bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật...

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Tội phạm lợi dụng công nghệ để phạm tội thì cũng chính nhờ việc sử dụng công nghệ đã giúp các cơ quan chức năng điều tra, làm sáng tỏ các phương thức hoạt động của các mạng lưới mua bán người, tăng cường truy tố thông qua bằng chứng kỹ thuật số và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân. Tại Lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ “quyền con người”, bảo vệ “an ninh con người”.

Nổi bật, Ban Chỉ đạo 138/CP đã ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2022 và 2023; chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 14 địa phương… Công tác phòng ngừa xã hội, nhất là tuyên truyền về phòng chống mua bán người được triển khai tích cực, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân bị mua bán. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, điều tra, truy tố, xét xử các vụ mua bán người được triển khai chủ động, quyết liệt. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố và tiếp tục điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội mua bán người; đưa ra xét xử 43 vụ/107 bị cáo…

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga khẳng định: Bảo vệ quyền cho nạn nhân là một trong những trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm mua bán người, với sự chung tay góp sức của hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Chủ đề “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm nay là “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau” có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối giữa các đơn vị, các cơ quan chức năng làm công tác phòng chống mua bán người và là điểm tựa giúp cho những nạn nhân bị mua bán trở về có thể tìm kiếm cơ hội xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng cần tiếp tục hành động, quyết tâm triển khai thực hiện. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Tập trung làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư. Chú trọng đổi mới nội dung, đa đạng hình thức giáo dục pháp luật và tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, bảo đảm phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán, nhất là đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, tổ chức thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người.

Các đơn vị liên quan phối hợp triển khai cao điểm tuyên truyền, truyền thông và tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, từ ngày 1/7-30/9/2023. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm” và “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cần có các biện pháp hỗ trợ thiết yếu ban đầu cho nạn nhân, bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân của họ theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm mua bán người.

“Nghĩ trước, bước sau” là thông điệp ý nghĩa mà Bộ Công an khuyến cáo để người dân không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận biết được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top