Vụ án sai phạm về bồi thường, GPMB tại Dự án Cảng hàng không Điện Biên:

Làm rõ việc 48 người thuộc diện thu hồi đất phải trích 30% số tiền được bồi thường ủng hộ Ban Giải phóng mặt bằng

18:58 - Thứ Năm, 03/08/2023 Lượt xem: 5136 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm bồi thường giải phóng mặt bằng tại Dự án Cảng hàng không Điện Biên, chiều nay (3/8), Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh đã dành thời gian cho kiểm sát viên, luật sư tham gia xét hỏi đối với các bị cáo và những người tham gia tố tụng.

Bị cáo Bùi Mạnh Cường tại phiên xét hỏi chiều 3/8.

Hầu hết các bị cáo đã thừa nhận sai phạm như cáo trạng đã nêu. Và cho rằng nguyên nhân dẫn đến sai phạm do chưa hiểu hết quy định và bị thúc ép tiến độ trong quá trình thực hiện việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại Dự án Cảng hàng không Điện Biên.

Riêng đối với bị cáo Nguyễn Đình Hiệp vẫn cho rằng cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh đối với mình là không đúng. Đồng thời cho rằng, tại văn bản số 927/UBND-TNMT ngày 26/5/2021 của UBND thành phố Điện Biên Phủ phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án, việc tham mưu không giao trách nhiệm chủ trì thực hiện thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho đơn vị trước khi trình UBND thành phố phê duyệt là không trái với quy định.

Cũng trong phiên xét hỏi chiều nay, các luật sư tiến hành đặt câu hỏi cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan đến vụ án. Trong đó, tập trung làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Khương và những người có liên quan trong việc 48 công nhân, cán bộ văn phòng của Công ty cổ phần Chế biến nông sản Điện Biên phải trích lại 30% số tiền được bồi thường để ủng hộ Ban Giải phóng mặt bằng thành phố.

Bị cáo Trần Thị Vân tại phiên xét hỏi chiều 3/8.

Theo đó, 48 công nhân, cán bộ văn phòng nói trên thuộc diện phải thu hồi đất (trong đó có 31 công nhân được giao khoán đất và trực tiếp sản xuất; 17 công nhân, cán bộ văn phòng công ty được giao đất nhưng không trực tiếp sản xuất) phải trích 30% số tiền được bồi thường ủng hộ Ban Giải phóng mặt bằng thành phố. Tuy nhiên, các công nhân không biết mình được hỗ trợ khoản gì, được bao nhiêu tiền; thấy được bồi thường thêm một khoản nữa cũng tốt, nên đã đồng ý trích lại 30% ủng hộ. Sau khi nhận tiền bồi thường đợt 66, các công nhân đã nộp 30% số tiền bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng; các cán bộ văn phòng đã nộp gần 600 triệu đồng, nhưng không biết số tiền này được sử dụng như thế nào.

Tại phiên tòa, 48 người có quyền và nghĩa vụ liên quan khẳng định đã nhận được các khoản tiền bồi thường tài sản trên đất và cho rằng việc đền bù là đúng người, đúng quy định. Tuy nhiên, theo các tài liệu, chứng cứ, cáo trạng cho thấy, thời điểm bị thu hồi đất (5/2021) trên diện tích đất giao khoán bị thu hồi không còn cây lúa. Cùng với đó, quá trình canh tác sản xuất lúa nước, công nhân chỉ thực hiện quy trình canh tác, gồm: cày, bừa, làm đất, phân bón, thu hoạch. Các công nhân không đầu tư chi phí mang tính chất lâu dài, như: san lấp mặt bằng, chống sụt lún, thau chua, rửa mặn.

Ngày mai (4/8), phiên tòa bước vào phần tranh luận.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top