Cho vay trái quy định gần 100 tỷ đồng, cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng bị truy tố

09:47 - Thứ Hai, 07/08/2023 Lượt xem: 5322 In bài viết

Bị can Đặng Tiến Dũng (SN 1972, trú tại Khu đô thị Vinhome Time City Park Hill, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là cựu Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội bị cáo buộc, có sai phạm khi duyệt cho ba doanh nghiệp nhiều khoản vay trái quy định tổng trị giá gần 100 tỷ đồng. Vụ án có 19 bị can, bị truy tố về 4 nhóm tội danh khác nhau.

Viện KSND Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố 6 bị can là cựu cán bộ Ngân hàng Chi nhánh Nam Hà Nội về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Trong đó, bị can Đặng Tiến Dũng giữ vai trò chính.

Liên quan đến vụ án này, nhiều bị can khác là giám đốc, phó giám đốc, kế toán một số công ty tư nhân bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hai bị can Phạm Minh Hải (SN 1985, trú tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Duy (SN 1986, trú tại xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) là lao động tự do bị truy tố về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng, bị can Đỗ Minh Thu (SN 1970, trú tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Phó Giám đốc Công ty Khánh An và là người sở hữu công ty này, nhưng cho em trai là bị can Đỗ Toàn Thắng (SN 1984, trú tại phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội, cựu cán bộ một cơ quan Nhà nước) đứng tên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Khánh An.

Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, Thu chỉ đạo Thắng vay từ ngân hàng 15 khoản tiền, tổng cộng hơn 54 tỷ đồng và 2,1 triệu USD để mua hàng hóa theo các hợp đồng kinh tế.

Trong 15 khoản vay, có 3 khoản không tài sản đảm bảo, 11 khoản được đảm bảo bằng 11 mảnh đất và 1 khoản vay 838.000 USD (hơn 19 tỷ đồng) để mua tôn mạ màu từ nước ngoài được đảm bảo bằng chính số hàng này.

Công ty Khánh An mua số tôn mạ màu trên từ một doanh nghiệp ở Hồng Kông bằng tiền vay của ngân hàng. Theo quy định, nếu Công ty Khánh An muốn bán số tôn mạ màu trên thì phải được ngân hàng đồng ý.

Tuy nhiên, Công ty Khánh An đã bán số tôn mạ màu nhưng không thông báo việc này với ngân hàng, cũng không dùng tiền thu về để thanh toán khoản vay 838.000 USD khiến ngân hàng bị thiệt hại.

Trong sự việc này, nhóm cán bộ ngân hàng, đứng đầu là bị can Đặng Tiến Dũng (SN 1972, trú tại Khu đô thị Vinhome Time City Park Hill, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội), cựu Giám đốc Ngân hàng Chi nhánh Nam Hà Nội được xác định không kiểm soát, kiểm tra, để tài sản đảm bảo bị bán mà không biết.

Ngoài ra, bị can Đỗ Minh Thu còn dùng một giấy chứng  nhận quyền sử dụng đất giả để thế chấp khoản vay tại ngân hàng có hạn mức hơn 5,4 tỷ đồng. Các thửa đất khác được bị can Thu mang đi thế chấp tại ngân hàng hiện tại có tranh chấp, không thể phát mại để thu hồi nợ.

Viện kiểm sát xác đinh, tổng thiệt hại Công ty Khánh An gây ra cho ngân hàng đến nay là hơn 19 tỷ đồng, chưa tính một số hành vi liên quan được tách ra điều tra sau do hết thời hiệu.

Tại Công ty Hiếu Thảo do bị can Nguyễn Tường Anh (SN 1979, trú tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm Giám đốc, Viện kiểm sát xác định, bị can Anh cùng một số bị can liên quan đến Công ty Hiếu Thảo đã dùng tài sản đảm bảo có tranh chấp hoặc không phải của mình để thế chấp, vay ngân hàng 20 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng mới thu hồi được hơn 5 tỷ đồng, còn hơn 14 tỷ đồng nợ gốc chưa được thanh toán.

Nhóm cán bộ ngân hàng khai nhận, trong khoản vay của Công ty Hiếu Thảo, họ không thực hiện đầy đủ quy định, đề xuất giải ngân và giải ngân quá hạn mức… dẫn tới ngân hàng vướng nợ xấu.

Tại Công ty Thái Dương do bị can Vũ Việt Long (SN 1976, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm Giám đốc, Viện kiểm sát xác định, bị can Bùi Hồng Khanh (SN 1961,trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Giám đốc Công ty Nam Việt, là cổ đông chính của Công ty Thái Dương cùng với một số bị can khác đã chỉ đạo cấp dưới ký 6 hợp đồng tín dụng với ngân hàng trong năm 2017 để thanh toán tiền mua hàng hóa.

Tổng giá trị các khoản vay của Công ty Thái Dương lên tới 72,6 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo. Đến khi ngân hàng đơn tố giác tội phạm, Công ty Thái Dương mới trả được hơn 6,7 tỷ, còn dư nợ xấu gần 66 tỷ đồng.

Liên quan đến sự việc này, bị can Đặng Tiến Dũng bị cáo buộc, biết Công ty Thái Dương không đủ điều kiện vay tín chấp nhưng vẫn phê duyệt vượt thẩm quyền với 6 khoản vay, sau đó không kiểm tra, giám sát quá trình doanh nghiệp sử dụng vốn vay.

Liên quan đến cả ba công ty gồm: Công ty Khánh An, Công ty Hiếu Thảo và Công ty Thái Dương, Viện kiểm sát xác định, bị can Đặng Tiến Dũng cho vay sai quy định hơn 98,1 tỷ đồng, hiện còn thiệt hại 94,6 tỷ đồng. Đến nay, bị can Đặng Tiến Dũng tự nguyện nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top