Mộng núi đồi

10:31 - Thứ Năm, 20/10/2022 Lượt xem: 6611 In bài viết

Truyện ngắn của HOÀNG KHÁNH DUY

Min đưa tôi xuống dốc núi.

- Pu đi nhé! Bao giờ thong thả thì về thăm Min.

Tôi nắm lấy tay Min. Tay em ấm. Lần thứ hai trong đời tôi nắm lấy bàn tay của em, lần thứ nhất, cách đây xa xôi lắm, bên bờ suối róc rách. Mặt Min đỏ như thảo quả. Lần này mặt em cũng đỏ, nhưng là cái màu đỏ dịu dàng khiến tôi xốn xang trong lòng, không nỡ rời chân.

Tôi kéo Min về phía mình. Em tháo gùi ra để xuống đất rồi đứng cạnh tôi. Sớm se lạnh. Tôi vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán Min, táo bạo hôn lên gò má mịn màng như vừa mới dậy thì của Min.

- Pu sẽ về mà! Pu không bỏ Min và quê hương đâu.

Min mỉm cười mà nước mắt rưng rưng. Tôi biết Min đang lo lắng, sợ rằng tôi đi xa sẽ quên Min, quên núi đồi, quên nơi chôn nhau cắt rốn.

Nhưng làm sao quên được hả, Min? Khi chừng ấy năm tôi và Min đã gắn bó với nhau sâu đậm. Chúng tôi biết nhau từ thuở lọt lòng. Nhà chúng tôi ở cùng một bản, Min đầu bản, tôi cuối bản. Tuổi thơ tôi và Min đã gắn bó với nhau. Chúng tôi cùng nhau cắp sách đến trường, ngày ngày lội qua con suối nhỏ. Mỗi lần qua con suối ấy, Min thường vốc nước rửa mặt, rửa tay. Em nói: “Nước suối quê mình trong mát, rửa trôi mọi dơ bẩn bụi bặm, nó khiến em thoải mái”. Tôi cũng làm theo em. Thoải mái thật! Ở quê mình cái gì cũng trong lành, cũng đẹp. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, cánh rừng đều trở thành một phần tâm hồn của tôi để khi đi xa tôi sẽ nhớ về, nhiều lắm!

***

Min nghỉ học sớm.

Ngày Min nói với tôi em không đi học nữa, tôi bàng hoàng. Em kéo tôi ra bờ suối, chỗ chúng tôi thường hay ngồi nghỉ ngơi mỗi khi lên lấy nước hoặc đi học về. Mùa này suối cạn, luồng nước trong vắt chảy từ trên đỉnh cao, len lỏi qua lèn đá, róc rách xuống dưới chân núi tìm đường đổ ra sông. Đá cuội nhấp nhô bên dưới.

Đến con suối, em ngồi sụp xuống, bưng mặt khóc.

- Pu, từ nay Min thôi học, Pu đi học một mình, học luôn phần của Min nhé!         

Tôi sửng sốt:

- Tại sao vậy, Min? Min hứa đi học cùng tôi mà?

- Mẹ bắt Min nghỉ học.

- Để làm gì?

- Ở nhà trông em, lên nương phụ mẹ. Nhà Min nghèo, mẹ không đủ tiền để lo lắng cho mấy chị em nên Min phải nghỉ học để đỡ đần mẹ.

- Trời ơi! - Tôi xót xa cho hoàn cảnh của Min.

Nhà Min nghèo nhất trong bản. Căn nhà sàn được cất theo kiểu tạm bợ, mùa đông gió len vào lạnh buốt, mùa mưa dột không còn chỗ khô. Những đêm mưa, Min thường nằm co ro, mẹ Min thức dậy chạy tới chạy lui, quy tập tất cả xô chậu trong nhà để hứng nước, lau lau dọn dọn, vậy mà nước vẫn lênh láng.

Ba Min bỏ mẹ con Min đi từ khi mẹ Min mới sinh đứa em út. Cũng chỉ bởi quá nghèo, ông ta không chịu đựng được nên đã lạnh lùng ra đi, bỏ mấy chị em bơ vơ trong đói nghèo. Nhiều lần mẹ Min đi đánh ghen đòi chồng nhưng nhận lại là mấy cái tát tay đau đớn từ người đàn ông bội bạc. Mẹ Min uất ức ôm con về nhà. Những đau đớn trong tình yêu đã khiến người đàn bà ấy trở nên câm lặng. Với Min, bà ta lạnh nhạt, thờ ơ. Mỗi lần con đói con khóc, bà ta thường réo một cái tên xa xôi nào đó ra để chửi bới, mắng mỏ, tiếng chửi vang cả bản khiến người ta ái ngại vô cùng. Cũng có khi bà ta đánh Min, đánh mạnh đến nỗi dấu tay in trên da thịt Min.

Tôi hỏi em:

- Min có giận mẹ không?

- Sao lại giận chứ?

- Vì mẹ đánh Min.

- Không! Sao Min giận mẹ được. Cũng chỉ vì bị dồn đẩy vào bước đường cùng nên mẹ mới trở thành người như vậy. Chứ thực ra mẹ thương mấy chị em Min lắm!

- Sao Min biết? - Tôi hỏi tiếp.

- Đêm nào mẹ cũng thức muộn, mẹ làm hết việc này đến việc nọ, có khi trời còn sương mờ mẹ đã lên nương tỉa bắp, thương mẹ lắm, Pu à!

Nghe Min nói vậy, nước mắt tôi tự dưng ứa ra. Tôi thường lén mẹ tôi để đem cho Min, khi ít xôi, khi món này, món nọ mà mẹ tôi mua được từ chợ phiên. Ban đầu Min ái ngại nhận lấy vì sợ tôi buồn. Nhưng sau đó, Min nói: “Pu để dùng đi, đừng cho Min nữa. Mẹ biết, mẹ mắng, tội Pu. Pu đi học cùng Min, dạy Min làm toán, đọc thơ là Min vui lắm rồi!”.

Min học chậm hơn tôi, đọc chữ cũng không chạy bằng tôi. Ngày ngày tôi dạy Min đọc, khi bên triền đồi, khi bên bờ suối. Min gọi tôi một cách trêu ghẹo: “Thầy Pu”. Tôi ngại lắm, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ mình rất oai trong mắt của Min.

Giờ thì Min quyết định nghỉ học. Tôi thấy buồn, con đường đến trường như mất đi một điều gì quan trọng. Tôi cố khuyên Min:

- Cố gắng đi học, sau này nuôi thân, đừng nghỉ học mà Min!

Min lắc đầu. Em đã quyết định rồi. Nếu em còn đi học thì mẹ càng khổ hơn. Em cũng cần phải nghĩ cho mẹ em, cho đàn em thơ dại chứ đâu thể sống vì mình em được?

Tôi thông cảm cho Min. Trong thanh âm của núi đồi, trong tiếng suối róc rách, bất giác tôi nghe được tiếng nấc nghẹn của Min...

***

Tôi học hết trường bản, đến trường huyện. Min lên nương, tôi đến lớp mỗi ngày. Thoảng tôi dạy Min học, cũng chỉ là những bài thơ tôi yêu thích, những vần thơ ngợi ca núi rừng tôi chép ra giấy, dạy Min đọc rồi tặng Min cả bài thơ đó, dần dần Min ghép lại thành quyển, giữ rất kỹ.

Một ngày tôi chạy lên nương, gọi Min thật to. Min đang tỉa bắp. Nắng chiều nghiêng ngả lưng đồi.

- Min, Min ơi! Nghỉ tay, Pu có tin này, hay lắm nè!

Min hí hửng:

- Tin gì vậy Pu, nói Min nghe với.

Tôi chìa tờ giấy báo tin mình đỗ vào trường ở thành phố, cách bản làng một quãng đường xa xôi.

 Min mừng rơi nước mắt, nhưng rồi em lại buồn, đôi mắt em sóng sánh những giọt nước.

- Sao vậy, Min? Min không vui khi Pu đỗ à?

- Không, Min vui lắm! Chỉ vì Min sợ... Sợ Pu sẽ quên Min. Ở thành phố xa hoa không giống như cái bản nghèo nàn của tụi mình, rồi Pu sẽ hòa nhập với cuộc sống ở đó. Bản làng, và Min... sẽ trở thành xa lạ với Pu.

Tôi nhìn Min. Tự dưng tôi thương em vô cùng. Tôi kéo Min ngồi xuống mỏm đá. Chiều mát rượi. Hoàng hôn buông đỏ rực phía xa kia.

- Min nhớ rằng, dù đi đâu, làm gì, thì trong Pu cũng chỉ có Min và bản làng thôi! Min đừng lo nhé, Pu hứa! Hứa!... - Tôi nhấn mạnh chữ “hứa” mấy lần để Min tin. Em cười mếu máo. Min vẫn hiền lành và thơ ngây như hồi em còn bé xíu...

***

Bây giờ thì tôi đi. Thành phố đón chờ tôi, và những ước mơ đang hiện dần trong tiềm thức. Nhưng đi là để trở về. Tôi yêu bản làng mình đến say đắm. Tôi yêu Min, cô sơn nữ dịu dàng, hiền lành, mộc mạc và trong veo như nước suối. Tôi biết rằng hôm nay mình sẽ xa, nhưng ngày mai, ngày kia mình sẽ về. Vì quê hương nguồn cội là thiêng thiêng trong tâm khảm của tôi. Ở đây có bố mẹ tôi, có bản làng mà tôi đã gắn bó từ thuở lọt lòng, có núi đồi hùng vĩ sớm sương chiều nắng, có Min và những ký ức đẹp thuở thiếu thời. Những điều đó, chắc chắn rằng không bao giờ phai nhạt...

Bình luận

Tin khác

Back To Top