Mỗi năm, Việt Nam có khoảng gần 30 bộ phim hoạt hình phát hành, đem lại 10-15% doanh thu cho ngành điện ảnh. Tuy nhiên, để hoạt hình Việt Nam có thể thu hút đông đảo khán giả ở mọi lứa tuổi, đem lại doanh thu lớn thì còn thiếu nhiều yếu tố.
Thiếu vắng những bộ phim lớn
Phim hoạt hình Việt Nam có lịch sử 63 năm, từ ngày thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam ngày 9-11-1959 (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam), đến tháng 6-1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên ra đời là “Đáng đời thằng cáo”. Trong nhiều năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất 25-30 phim/năm.
Nhiều phim hoạt hình Việt Nam được ghi nhận tại Liên hoan phim quốc gia, cũng có phim đoạt giải quốc tế. Trong những năm gần đây, bên cạnh Hãng phim hoạt hình Việt Nam còn có nhiều hãng tư nhân phát triển lớn mạnh tham gia sản xuất phim hoạt hình. Nhưng các hãng tư nhân không mặn mà với liên hoan phim trong nước.
Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA), để lôi kéo các công ty phim hoạt hình cùng vào guồng quay, cùng tham gia vào công nghiệp hoạt hình, công nghiệp điện ảnh, công nghiệp văn hóa là rất cần thiết. TS Ngô Phương Lan cho biết: “Theo đánh giá của thế giới, nếu điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy thì phim hoạt hình được công nhận là nghệ thuật thứ tám. Nhiều quốc gia có những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng như “Anime”, “Doraemon”, “Bánh mì đám mây”... có số lượng hàng tỷ người xem. Làm sao để chúng ta đạt được đỉnh cao như vậy?”.
Theo bà Lan, khó khăn của phim hoạt hình Việt Nam là thiếu vắng những bộ phim lớn, có thời lượng dài, đủ sức để chiếm lĩnh được rạp chiếu. Để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường, có dấu ấn, có tên tuổi trên thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam. Hiện nay, chúng ta thiếu những tên tuổi như thế.
Trong khoảng 10 năm gần đây sự tăng trưởng của phim hoạt hình đem lại 10-15% doanh thu của điện ảnh. Nhìn ra thế giới, như Nhật Bản, đóng góp của phim hoạt hình và sản phẩm liên quan chiếm 5-6% GDP, điều đó cho thấy tương lai của ngành hoạt hình.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, để phát triển phim hoạt hình điều quan trọng là xây dựng những con người sáng tạo. Từ đó xây dựng hệ sinh thái sáng tạo trong cả nước.
Đến nay, hoạt hình Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn, 10-15 phút, rất ít những bộ phim 30 phút. “Điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp. Để làm được phim dài cần nhiều yếu tố như: Kịch bản, trang thiết bị, nhân lực... đó là một sự kết hợp nhiều nguồn lực”, bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay.
Cần sự hỗ trợ cho các nhà làm phim tư nhân
Thực tế trên thị trường có nhiều đơn vị tư nhân sản xuất phim hoạt hình, điều đó khiến hoạt hình đổi mới, đa dạng nội dung, nhiều đề tài trong cuộc sống. Công nghệ phát triển đã thúc đẩy, đổi mới tư duy trong sáng tạo, cách nhìn, cách triển khai của đội ngũ trẻ hoàn toàn mới. Tuy nhiên, theo ông Phan Quân Dũng (Trường Đại học Văn Lang) cho rằng, dù phát triển nhưng hoạt hình vẫn cục bộ. Đơn vị nào làm được thì làm, không có đầu tàu, không có dẫn dắt. Để phát triển hoạt hình Việt Nam, cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc. “Muốn thể hiện đầy đủ những bản sắc văn hóa riêng biệt của Việt Nam trong phim hoạt hình ra toàn thế giới, chúng ta cần phải làm sao để mọi người chấp nhận, tiếp cận với nó. Đặc biệt, chúng ta cần phải cân bằng những giá trị nghệ thuật, nhu cầu của khán giả và xu hướng phát triển, cần có những bước đi cụ thể trong xây dựng thương hiệu văn hóa”, ông Phan Quân Dũng cho biết thêm.
Cho rằng trong lĩnh vực làm phim hoạt hình tại Việt Nam chưa có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc Công ty Sconnect chia sẻ, Việt Nam có nhiều khó khăn trong sự phát triển phim hoạt hình vì chưa có sự hỗ trợ nhất định từ phía Nhà nước. Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh của họ rất phát triển vì có sự kết nối giữa các doanh nghiệp và được Chính phủ Hàn Quốc tạo điều kiện, hỗ trợ tổ chức những sự kiện đưa các doanh nghiệp ra toàn thế giới. “Với tư cách là một người làm nghề, là một người làm kinh doanh thì chúng tôi rất cần thị trường nhưng ở Việt Nam thì đầu ra chưa có, những người làm truyền thông cũng không có. Như những quốc gia khác, khi tổ chức sự kiện sẽ có người làm việc trong chính phủ trực tiếp tham gia. Từ đó, tạo được sự uy tín và quan hệ gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. Vì vậy, để làm ra được một bộ phim hoạt hình chiếu rạp dài 90 phút chúng tôi phải bỏ công sức rất nhiều không khác các bộ phim điện ảnh khác, do đó, chúng tôi rất cần Nhà nước đưa ra một thị trường rõ ràng hơn cho phim hoạt hình”, ông Mạnh Hoàng đề xuất.
Nhiều đơn vị sản xuất phim hoạt hình cũng đồng quan điểm, cho rằng, nếu có những hoạt động xúc tiến, hỗ trợ từ Nhà nước và sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thì sẽ đi nhanh hơn, sẽ mang lại được doanh thu cho Nhà nước cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam vươn tầm thế giới. Ngoài ra, mong muốn Nhà nước hỗ trợ không chỉ về sự kết nối, hợp tác, tạo thị trường mà còn hỗ trợ về chính sách thuế, đào tạo nguồn nhân lực.