Tản văn

Những sợi rơm vàng

08:56 - Thứ Năm, 27/10/2022 Lượt xem: 4195 In bài viết

ĐBP - Những ngày tháng Mười, con đường làng quê tôi trải đầy rơm vàng vấn vít hương lúa mới. Rơm theo chân người và có mặt trong mọi công việc thường nhật. Rơm thơm thảo, bền bỉ như người dân quê chân chất, thật thà.

Vào mùa gặt, những hàng lúa được gặt xếp hàng thẳng tắp. Rạ được phơi tại ruộng cho mau khô rồi bó lại mang về nhà để lợp mái nhà. Rơm thì được cắt ngang vừa thân cây lúa, bó lại thành từng nắm nhỏ phẳng phiu. Sau khi những nắm lúa gồng mình bứt những hạt thóc mẩy căng khỏi thân theo vòng quay của máy tuốt, rơm được rũ lại một lần nữa cho rơi lá lúa còn sót lại rồi bó lại cẩn thận đem phơi thành hàng, cất giữ cẩn thận để làm chổi rơm.

Ngày nay, mặc dù có máy gặt thay thế giải phóng sức lao động nhưng nhiều hộ dân quê tôi vẫn giữ thói quen cắt lúa bằng tay để rơm không bị nát. So với rơm tẻ thì rơm lúa nếp có vị thơm đặc trưng, qua máy tuốt, rơm vẫn giữ được màu vàng óng. Sau khi được phơi khô, rơm được người dân cẩn thận cất lên chỗ cao ráo, thường là gác chuồng trâu, chuồng lợn, tránh mưa dột vào. Làng quê tôi trước đây, hầu như nhà nào cũng đánh một cây rơm to chủ yếu làm thức ăn cho trâu bò và chất đốt khi cần. Tôi còn nhớ lúc nhỏ luôn được lên đỉnh ngọn rơm để dẫm đi dẫm lại cho lèn chắc cây rơm. Mỗi cây rơm sau khi “đánh” xong được be đậy kín ở chóp cây rồi đội lên một chiếc nón mê. Khâu này rất quan trọng vì nếu để mưa lọt vào chóp cây rơm thì rơm sẽ nhanh bị hỏng.

Cây rơm gắn liền với tuổi thơ chúng tôi, đó là nơi khởi nguồn của rất nhiều kỷ niệm. Chiều tối đi chăn bò về tôi lại ra cây rơm rút một bó thật to cho bò nhai trong đêm. Theo thời gian, cây rơm gầy dần và được thay thế khi vào vụ mới. Cây rơm cũng là nơi ưa thích của mấy chị gà mái gửi những ổ trứng vàng vào đấy. Có đợt không tìm thấy con gà mái hoa mơ đâu, tôi trèo lên đỉnh ngọn rơm thì vớ được ổ trứng hơn chục quả nằm lăn lóc, gọn gàng trong chiếc ổ kín đáo, êm ấm. Dưới gốc rơm mùa nồm ẩm, chỉ cần đi vòng quanh gốc cũng đủ kiếm được một bữa nấm rơm ngon ngọt đến giờ nghĩ lại vẫn thấy thòm thèm.

Buổi tối, dưới ánh trăng, bọn trẻ rủ nhau chơi trốn tìm bên những ụ rơm xếp ven đường, hay đơn giản ngồi tụm năm tụm ba tán phét, cắn chắt những hạt thóc nếp được rang thơm lựng. Khi gió mùa Đông Bắc tràn về, bà tôi thường chọn những nắm rơm thật sạch sẽ, cất giữ cẩn thận rồi lót xuống dưới chiếu, nằm nghe xột xoạt mà ấm áp vô cùng. Hồi còn bé, anh chị em tôi thường tranh nhau ngủ với bà nội chỉ vì bà có chiếc giường đặc biệt ấy. Mùi trầu bà nhai, mùi rơm mới thơm nồng ấm áp ru chúng tôi vào giấc ngủ một cách ngon lành.

Rơm có trong đời sống thường ngày của người dân quê tôi như một thứ không thể thiếu. Dây rơm được dùng để gói mớ rau, mớ bí, dùng thay lạt gói bánh tẻ, bánh khoai, bánh rợm. Một nắm rơm nhỏ vo lại để cọ kì các vật dụng trong nhà. Rơm dùng để tết thành những con vật ngộ nghĩnh làm trò chơi cho lũ trẻ quê. Rơm nếp còn được người dân quê tôi lựa chọn vào những việc linh thiêng như dịp cuối năm, nhiều nhà thay tro trong bát hương thờ tự thường lựa chọn những nắm rơm vàng khô nhất đốt cẩn thận lấy tro để cho vào bát hương. Trong nồi bánh chưng cuối năm bao giờ cũng có nắm rơm để mồi lửa. Những nồi cơm được đun bằng rơm, vằn trong bếp tro bao giờ cũng thơm ngon đến tận cháy. Rơm còn được người dân quê tôi đem đậy mưa đậy nắng cho rau mới trồng.

Đặc biệt, rơm tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng những khi nhàn rỗi. Trẻ con như chúng tôi thì ngồi tuốt rơm. Những lõi rơm vàng óng được tuốt ra rồi các bà, các mẹ sẽ cẩn thận, tỉ mỉ tết thành những chiếc chổi rơm, quét nhà, quét sân. Con gái làng tôi hầu như ai cũng biết tết chổi rơm. Nhìn chiếc chổi rơm là có thể biết ai khéo léo, ai vụng về, bà tôi vẫn thường bảo như thế mỗi khi dạy các chị tôi tết chổi. Bây giờ, có nhiều loại chổi tiện lợi hơn nhiều nhưng ở làng tôi vẫn còn một vài gia đình giữ được nghề làm chổi rơm.

Rơm quê tôi gắn bó với người dân bao đời như thế. Ẩn sâu trong mỗi sợi rơm vàng là mùi vị của sự no ấm, chân chất, bình dị, quê mùa. Chẳng những thế mà bao nhiêu năm rồi, căn bếp của bà, của mẹ vẫn ấm nồng ngọn lửa trong những ngày rét mướt… Và trong những chập chờn thương nhớ của những đứa con xa quê, một bếp lửa ấm nồng mùi rơm rạ vẫn luôn hiện lên cùng bao kỷ niệm thân thương về một thời xưa cũ…!

Dương Văn Mưu
Bình luận

Tin khác

Back To Top