Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

08:59 - Thứ Tư, 02/11/2022 Lượt xem: 6151 In bài viết

ĐBP - Đưa sách đến với mọi người, mọi địa bàn là việc mà Thư viện tỉnh tích cực thực hiện thường xuyên và liên tục. Những năm qua, bằng nhiều hoạt động, Thư viện tỉnh đã góp phần quan trọng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, lan tỏa tình yêu sách, qua đó nâng cao tri thức, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người qua những trang sách hay.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Rạng Đông, huyện Tuần Giáo đọc sách tại thư viện lưu động “Chuyến xe tri thức”.

Những “Chuyến xe tri thức” - thư viện lưu động đa phương tiện không còn lạ lẫm với người dân, đặc biệt là học sinh trên địa bàn tỉnh ta. Chuyến xe lăn bánh, đưa hàng nghìn cuốn sách hay và những thiết bị truy cập internet tiện lợi đến trường học từ thành thị, đến nông thôn, vùng sâu vùng xa khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, đã mang đến nhiều niềm vui, lan tỏa tinh thần ham học, ham đọc cho thanh, thiếu niên, nhi đồng. Mỗi chuyến đi mang theo trên 3.000 đầu sách đa dạng gồm: Truyện tranh, truyện thiếu nhi, sách tham khảo, kỹ năng sống... Kho sách ấy đã thỏa niềm mong ước đọc sách với những chân trời mới cho học sinh vùng cao còn nhiều khó khăn.

Ngay đầu năm học 2022 - 2023, Thư viện tỉnh đã tổ chức phục vụ thư viện lưu động tại 13 điểm là trường học trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Mới đây nhất, từ ngày 24 - 29/10, các cán bộ Thư viện lại tiếp tục hành trình mang tri thức đến 10 trường tiểu học, THCS vùng khó của huyện Tuần Giáo (Mường Khong, Phình Sáng, Rạng Đông, Ta Ma) và Tủa Chùa (thị trấn Tủa Chùa, Mường Đun, Sính Phình, Trung Thu). Tại Trường PTDTBT THCS Phình Sáng,

“Chuyến xe tri thức” như một món quà, hiếm có đối với 541 học sinh nhà trường, làm thỏa “cơn khát” sách của trẻ em xã vùng cao này. Thầy Trần Thế Nghĩa, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Số lượng đầu sách hiện có trong thư viện của trường hạn chế, chủ yếu là sách phục vụ việc học cho các em. Sách, truyện giải trí cho lứa tuổi học sinh rất ít ỏi, nếu có thì đều đã cũ, ngoài ra chỉ có một số báo, tạp chí thiếu nhi đặt mua hoặc được hỗ trợ hàng tháng. Vì thế, lần đầu tiên “Chuyến xe tri thức” của Thư viện tỉnh đến với trường khiến các em rất hào hứng, thích thú. Tại đây có nhiều loại sách khác nhau, các đầu sách, truyện mới mà các em mong đợi, chưa bao giờ được đọc nên em nào cũng nâng niu, tranh thủ đọc được nhiều quyển. Do thời gian và diện tích có hạn nên trường bố trí mỗi lớp đọc 1 tiết, có vẻ vẫn chưa thỏa mãn mong mỏi của các em”.

Cùng với đưa sách về các trường học, Thư viện tỉnh còn luân chuyển sách, báo cho các thư viện cơ sở, đơn vị lực lượng vũ trang... Tổ chức các hoạt động thu hút bạn đọc như: Ngày hội sách, trưng bày giới thiệu sách nhân các sự kiện đặc biệt... Trong thời đại 4.0, song hành các chương trình trực tiếp tại cơ sở ấy, Thư viện tỉnh còn đẩy mạnh giới thiệu sách, lan tỏa văn hóa đọc trên không gian mạng, tập trung vào fanpage facebook “Thư viện tỉnh Điện Biên”, website của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang thông tin điện tử của đơn vị.

Ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Thư viện tỉnh) cho biết: “Mỗi tháng, anh em viên chức đơn vị tự nghiên cứu, xây dựng 2 video giới thiệu sách; review, giới thiệu bằng hình ảnh 50 - 100 cuốn sách mới đăng trên fanpage và các trang thông tin điện tử. Chúng tôi ưu tiên lựa chọn những cuốn sách được bạn đọc quan tâm nhiều, chủ đề văn học nghệ thuật, kỹ năng sống, tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi... Thường xuyên cập nhật, đẩy mạnh giới thiệu trên các kênh ấy để nhiều người biết đến, tìm đọc”. Trên không gian mạng, nhiều cuốn sách hay do Thư viện tỉnh giới thiệu đã được bạn đọc quan tâm, tương tác như: Sống một đời tựa biển khơi, Trường Sa - Nơi ta đến, tuyển tập truyện dài Nguyễn Nhật Ánh, Có một ngày bố mẹ sẽ già đi, Tuổi trẻ những điều nên làm... Bằng hình thức này, nhiều người đã biết và đến Thư viện mượn sách hoặc tìm mua, đọc sách trên các nền tảng khác nhau. Tại Thư viện tỉnh hiện cũng quản lý hơn 3.000 thẻ mượn phòng đọc thiếu nhi và người lớn.

Các hoạt động giới thiệu, phục vụ sách do Thư viện tỉnh triển khai đã góp phần tích cực khơi gợi niềm yêu thích và đam mê đọc sách trong cộng đồng, phát triển, lan tỏa văn hóa đọc. Đồng thời cũng phần nào đáp ứng nhu cầu đọc, học của người dân cũng như học sinh ở các địa bàn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về nguồn sách.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top