Tản văn

Tiếng thì thầm của những đồ vật cũ

09:28 - Thứ Năm, 03/11/2022 Lượt xem: 4635 In bài viết

ĐBP - Lúc còn sống bà tôi có một nhà kho. Đó là căn nhà cũ bà nhất định không chịu đập đi mà để làm nhà kho đựng đồ đạc. Thỉnh thoảng trong nhà lại vang lên vài câu càu nhàu: trời ơi! Chổi cùn rế rách bà cũng giữ lại làm gì cho chật nhà; mai dọn bớt bán đồng nát đi, có những thứ con chẳng hiểu mẹ giữ lại làm gì? Nói là nói vậy chứ chẳng ai bán của bà bất cứ thứ gì.

Nhà kho của bà chứa những đồ vật cũ trong nhà. Từ cái cuốc, con dao cùn lưỡi, chiếc đồng hồ tự nhiên không chịu chạy, rá rổ hỏng cạp đến cây kim cuộn chỉ chẳng thiếu thứ gì. Bề bộn nhất có lẽ là những chiếc thùng carton đựng sữa, bánh kẹo, ti vi, tủ lạnh trong nhà bà đều giữ lại. Cứ thùng nhỏ lồng vào thùng to, chất cả đống trong kho. Bà thường bảo: “Cứ để đó nhất định sẽ có lúc cần dùng đến”. Mà đúng thế thật, thỉnh thoảng nhà cần gửi hàng đi đâu đó thật may sẵn mấy cái thùng giấy của bà. Cần ít đoạn dây thép buộc rào, dây chun bằng săm xe đạp buộc chỗ dây bơm thủng… may quá tìm được trong kho đỡ phải đi mua. Mà nếu có thứ gì chẳng ai trong nhà cần dùng đến thì bà sẽ có cách làm cho chúng được “hồi sinh”. Cạp lại cái rá đãi gạo, mài lại cái cuốc để xới vườn, đóng cho con dao cái chuôi thế là lại mang đi thái rau cho lợn. Mỗi khi bị ai đó trong nhà càu nhàu chuyện nhà kho như vựa đồng nát bà chỉ cười. Nhưng cũng có lần tủi thân bà khóc bảo: “Thời của bà cái gì hỏng thì sửa chứ không mang vứt đi như thời bây giờ”. Tôi biết là bà không chỉ nói về chuyện của đồ vật vô tri…

Một hôm bà vào nhà kho tìm chiếc đồng hồ để bàn cũ, cứ nài nỉ tôi mang đi sửa. Nhưng chiếc đồng hồ đã quá cũ, tôi chắc chẳng ai sửa cả. Đồng hồ để bàn giờ rẻ bèo, đủ loại mẫu mã bán đầy ngoài thị trường. Hỏng thì mua cái mới, mấy ai mang đi sửa. Thị trấn nhỏ, đâu phải dịch vụ gì cũng có. Mà kể có sửa thì cũng quá tội tiền mua cái mới. Nhưng bà tôi không quan tâm đến những điều như thế. Khi đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm bà bỗng dừng lại nghe ngóng: “Hình như có tiếng đồng hồ chạy”. Lật đật vào trong kho, chiếc đồng hồ vẫn nằm đấy không có chiếc kim nào nhúc nhích. Ấy thế mà cứ năm giờ sáng là bà dậy, mười giờ trưa là đi nấu cơm, tối sáu giờ là lùa gà vào chuồng chẳng cần ai nhắc nhở. Tôi hỏi làm sao bà lại có thói quen giờ giấc chính xác đến vậy? Bà cười bảo: “Tại lúc nào bà cũng nghe thấy tiếng đồng hồ chạy tích tắc trong đầu”.

Chiều nay nhớ bà, mở cửa nhà kho thăm những đồ vật cũ. Những ngày cuối đời bà hay ngồi trò chuyện với con chó, con mèo, cây quất trước nhà, cây cau sau bếp. Có hôm bà ngồi cả buổi dưới nhà kho nói chuyện với cây kim sợi chỉ và chiếc đồng hồ cũ. Khi bà mất nhiều người nói nên đốt đi những đồ vật của bà. Nhưng chẳng hiểu sao nhà kho vẫn còn nguyên, dù lúc bà còn sống bố tôi nhiều lần tính mang đống đồ cũ bán cho cô đồng nát.

Thời của bà cái dép hỏng thì mang đi hàn. Cái áo rách thì mang đi khâu. Sách bong gáy thì mang đóng lại. Đất cằn cỗi thì khai hoang cải tạo. Vợ chồng có lúc như chồng bát đũa xô nhưng sau đó phải cùng nhau sửa chữa. Bà nói đúng, thời bây giờ người ta dễ dàng vứt bỏ nhiều thứ trong đó có cả tình nghĩa vợ chồng, anh em, làng xóm. Đến con dao cùn thời nay người ta cũng lười mài cho sắc. Hồi còn ở dưới phố thỉnh thoảng tôi bắt gặp những cửa hiệu bán mua sách cũ, sửa chữa giày dép, sửa đài cassette… Lúc đó tôi hay hỏi bán mua, sửa chữa những cái đó thì lấy đâu ra khách, lấy đâu lợi nhuận. Giờ thì tôi hiểu rằng những cửa hiệu ấy mở ra là nhờ những con người biết trân trọng giá trị của đồ vật như bà. Khi tôi viết những dòng chữ này thì hoa hồng đang tỏa hương trong chiếc chum sành nhỏ sứt miệng mà tôi lôi từ nhà kho của bà ra. Tôi nghe thấy tiếng thì thầm của hoa hay là của chiếc chum sành cũ...

Vũ Thị Huyền Trang
Bình luận
Back To Top