Nậm Pồ phát huy giá trị nghề thêu may trang phục dân tộc Mông

09:06 - Thứ Sáu, 04/11/2022 Lượt xem: 9041 In bài viết

ĐBP - Đến xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) đi dọc theo con đường vào các bản của đồng bào dân tộc Mông, nếu không phải ngày mùa bận rộn, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mông ngồi tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ say sưa thêu thùa, may vá. Họ duy trì việc làm ấy như một thói quen và thói quen này không chỉ gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông mà còn góp phần tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

Mô hình phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông ở xã Nà Bủng.

Người Mông rất gắn bó với trang phục truyền thống. Hàng ngày mùa đông hay mùa hè, lúc lên nương hay tham gia các hoạt động cộng đồng mọi người vẫn mặc trang phục truyền thống. Trang phục là một trong những giá trị tạo nên bản sắc đặc trưng của một dân tộc. Qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông, từng mũi kim, đường chỉ tạo nên những họa tiết, hoa văn độc đáo rất đẹp mắt.

Chị Sùng Thị Chư, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nà Bủng cho biết: “Cùng với sự quan tâm của các cấp, nhất là Hội LHPN huyện Nậm Pồ, nghề may trang phục của phụ nữ Mông được Hội LHPN xã Nà Bủng tích cực tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức, duy trì, bảo tồn nét văn hóa của dân tộc. Việc thêu may các trang phục dân tộc không chỉ trong phạm vi gia đình mà đến nay xã Nà Bủng đã thành lập được 2 mô hình thêu may trang phục Mông. Gồm mô hình phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông tại bản Nà Bủng 1 và mô hình nghề thêu chân váy tại bản Pá Kha với 70 hội viên. Hội viên là những phụ nữ có kinh nghiệm thêu may trang phục truyền thống vừa tạo ra sản phẩm giúp có thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa duy trì, bảo tồn truyền thống của dân tộc. Chúng tôi phấn đấu đưa nghề may trang phục đồng bào dân tộc Mông trở thành sản phẩm du lịch của địa phương gắn với việc bảo tồn các nét đẹp văn hóa, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây”.

Phụ nữ Mông thêu trang phục bằng nhiều loại, nhiều màu vải khác nhau. Một trong những công đoạn phức tạp nhất là vẽ sáp ong lên vải, ngòi bút vẽ càng mỏng thì hoa văn càng đẹp. Một bộ trang phục áo váy dài, phải thêu, may cầu kỳ nhiều họa tiết, mất nhiều thời gian để hoàn thiện, rồi khâu hạt cườm, đính hạt vòng trang trí vào áo váy. Các công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Mông. Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại trang phục phụ nữ Mông ít nhiều cũng có những thay đổi về chất liệu và kiểu dáng nhưng vẫn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện trong từng đường nét hoa văn thổ cẩm.

Chị My Quai, bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng chia sẻ: “Hoa văn họa tiết trên chiếc áo của phụ nữ Mông là rất quan trọng, nó tạo nên nét riêng biệt của trang phục truyền thống Mông, đòi hỏi người thợ phải có trí tưởng tượng thật phong phú và sáng tạo. Tôi rất vui khi tự tay làm được những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình”.

Hiện nay sản phẩm trang phục dân tộc Mông ở Nà Bủng được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước (Mỹ, Thái Lan) thông qua nhiều kênh bán hàng. Nhờ đó, mặt hàng này đã trở thành hàng hóa và được nhiều hộ sản xuất phục vụ khách hàng. Một bộ trang phục dân tộc Mông có giá từ 1 - 4 triệu đồng, trung bình mỗi năm thu nhập của các hội viên trong mô hình dao động từ 30 - 40 triệu đồng, tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn. Một số hộ trong xã đã có kinh tế ổn định từ việc buôn bán mặt hàng này. Để bảo tồn, phát huy và lan tỏa nghề thêu may trang phục truyền thống đến với các thế hệ trẻ người Mông và quảng bá rộng rãi đến các dân tộc anh em khác trên địa bàn huyện và du khách, các sản phẩm từ thêu may của chị em hội viên Mô hình ở Nà Bủng được mang bán tại các phiên chợ vùng cao, quảng bá tại các dịp lễ hội của huyện. Gần đây nhất, tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Nậm Pồ lần thứ I năm 2022, có nhiều gian hàng trưng bày văn hóa Mông. Trong đó gian hàng độc đáo, nổi bật nhất vẫn là những bộ váy, áo truyền thống của nam, nữ dân tộc Mông. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ người dân thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mà còn được huyện Nậm Pồ khai thác, mở ra những cơ hội phát triển mới cho địa phương.

Bài, ảnh: Nhật Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top