Góp tiếng hát, điệu múa phục vụ bản làng

08:45 - Thứ Năm, 10/11/2022 Lượt xem: 6560 In bài viết

ĐBP - Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, tổ dân phố (TDP). Trung bình mỗi năm các đội văn nghệ quần chúng tham gia khoảng 4.000 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ từ tỉnh xuống cơ sở. Thành viên các đội đều là người dân tại địa bàn, tham gia bằng niềm say mê, yêu thích văn hóa, văn nghệ; nhưng phải tự bỏ tiền đầu tư, duy trì hoạt động. Bởi vậy các đội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, không đủ điều kiện để hoạt động thường xuyên.

Đội văn nghệ bản Chiềng Khoang tập luyện chuẩn bị cho các sự kiện, ngày hội của địa phương.

Bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo có Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc hoạt động với 40 thành viên, chia làm 2 đội văn nghệ (đội người cao tuổi và người trẻ), trong đó có hơn 20 thành viên tham gia đồng thời cả đội văn nghệ của bản. Các đội thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ trong và ngoài địa bàn, biểu diễn phục vụ các hoạt động, sự kiện, dịp lễ tết, kỷ niệm của bản, thị trấn. Các đội có thuận lợi là bản đồng bào dân tộc Thái, biểu diễn hầu hết các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc nên trang phục biểu diễn là đồ dùng cá nhân, không phải đi thuê. Hơn nữa, cách đây không lâu, đội văn nghệ bản được bản quan tâm, trích quỹ hỗ trợ mỗi thành viên 1 áo cóm khoảng 300 nghìn đồng. Tuy nhiên để đáp ứng phục vụ văn hóa, văn nghệ cho bà con thì đội vẫn còn nhiều khoản phải chi.

Bà Bạc Thị Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc bản, đội trưởng đội văn nghệ cho biết: “Mỗi tiết mục có thể cần đạo cụ hỗ trợ khác nhau. Mà đội thì chưa đầu tư được để phục vụ lâu dài, mỗi khi có dịp biểu diễn thì phải đi thuê ở bên ngoài. Một số đồ thường xuyên phải thuê như: Quạt, nón cổ truyền, khăn voan màu (múa quạt, múa nón, múa khăn...). Dù đã được ưu đãi với giá rẻ nhưng đội vẫn tốn không ít tiền, mọi người góp hoặc cá nhân tôi tự bỏ tiền túi ra chi giúp chị em. Dù thiếu thốn, ai nấy trong các đội văn nghệ vẫn hăng say tập luyện, nhiệt tình tham gia khi được huy động, mời biểu diễn, nhưng cũng mong muốn có một chế độ hỗ trợ để hoạt động thuận lợi”.

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện có 1 câu lạc bộ thành lập theo quyết định của UBND thị trấn, hoạt động thường xuyên; và 177 đội văn nghệ của 177 khối, bản, chỉ khi có các sự kiện của cơ sở hoặc của huyện mới tập hợp để tập luyện, biểu diễn. Bà Lò Hồng Nhung, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Các đội văn nghệ trên địa bàn huyện chủ yếu là tự phát, bám vào các sự kiện của đất nước, của tỉnh, của huyện và cơ sở để tổ chức hoạt động. Kinh phí do các cá nhân hoặc khối, bản đóng góp. Công tác tổ chức thực hiện chưa nề nếp, các thành viên chủ yếu tham gia với tinh thần nhiệt tình, đa số chưa được tập huấn để tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ. Nội dung biểu diễn chủ yếu học tập qua truyền miệng hoặc học hỏi trên mạng internet. Vì vậy chúng tôi đã tham mưu UBND huyện kiến nghị với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch tăng cường công tác tập huấn cho các câu lạc bộ, đội văn nghệ ở cơ sở; tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để các câu lạc bộ, đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, liên tục hơn nữa trong thời gian tới.

Đây cũng là thực tế và nguyện vọng chung của các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh ta. Dù các đội văn nghệ quần chúng đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nhưng vẫn hoạt động cầm chừng, theo mùa vụ, khi có chương trình, hội thi, hội diễn mới tập hợp thành viên luyện tập. Khó khăn của nhiều đội văn nghệ quần chúng là địa điểm sinh hoạt, tập luyện, biểu diễn. Nhiều nơi chưa có nhà văn hóa thì phải tổ chức tại nhà riêng của các thành viên trong đội. Điều kiện hoạt động cũng thiếu thốn, đạo cụ, thiết bị phục vụ chủ yếu là cá nhân tự túc. Tiết mục văn nghệ do tự dàn dựng, học từ internet. Nhiều bản còn chưa có điện lưới, sóng điện thoại, chưa có thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động của đội văn nghệ. Riêng các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có điều kiện hoạt động tốt hơn cả, tăng âm loa đài, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng đã được trang bị và xây dựng đảm bảo cho sinh hoạt văn hóa và hoạt động văn nghệ. Về kinh phí hoạt động, hiện các đội văn nghệ quần chúng không được cấp kinh phí để hoạt động mà do cá nhân tự đóng góp và huy động sự đóng góp của các tập thể, cá nhân trên địa bàn để hoạt động...

Theo báo cáo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vượt lên những khó khăn ấy, các đội văn nghệ quần chúng đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc đa dạng về thể loại, được đầu tư dàn dựng chất lượng, phục vụ bà con địa phương. Nhiều đội văn nghệ đã khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa truyền thống của dân tộc mình như: Hòa tấu nhạc cụ dân tộc, múa khèn Mông, múa xòe của dân tộc Thái...

Từ hoạt động văn nghệ quần chúng đã phát hiện nhiều nhân tố tiêu biểu, tạo nguồn cho phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh ngày càng phát triển cao. Đồng thời tạo sân sân chơi lành mạnh cho cộng đồng và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, tạo sự đoàn kết trong khu dân cư, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Bên cạnh đó còn tạo nên nét riêng có, hấp dẫn, khai thác lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Bởi vậy, các đội văn nghệ quần chúng cần được quan tâm hỗ trợ hơn nữa để các thành viên thêm động lực cống hiến, gắn bó, phát huy tối đa năng lực, mang tiếng hát, điệu múa góp vui bản làng.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top