Tôn vinh các nghệ nhân tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

17:16 - Thứ Sáu, 18/11/2022 Lượt xem: 7147 In bài viết

Tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân, già làng, trưởng bản tích cực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, chiều 18/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với các Ban, Bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức tổ chức hội nghị gặp mặt những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc năm 2022.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc Việt Nam lần thứ I năm 2022. Liên hoan diễn ra từ ngày 18-20/11 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đông đảo các nghệ nhân, các nhà khoa học, quản lý đến từ 17 tỉnh phía Bắc.

Các nghệ nhân đóng góp nhiều ý kiến thiết thực tại Hội nghị.

Phát biểu đề dẫn hội nghị, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc Nguyễn Thị Hải Nhung nhận định: Hiện nay, các dân tộc  thiểu số ở vùng miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn. Dân cư  sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, đời sống kinh tế còn khó khăn nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào còn nhiều hạn chế và đang đứng trước nguy cơ bị phai nhạt, mất dần bản sắc văn hóa truyền thống...

Trong khi đó, sự tiếp thu văn hóa, tri thức mới của lớp trẻ bên cạnh sự tích cực vẫn còn có nhiều hiện tượng, trường hợp do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành đã làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một, nhất là ở các cộng đồng có số dân rất ít người. Mặt khác, do tác động của của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới về kinh tế-văn hóa cũng làm cho các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đối diện với nhiều thách thức.  

Nhiều năm qua, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, Bộ VHTTDL luôn coi trọng và phát huy vai trò của người dân, các nghệ nhân - chủ thể của hoạt động văn hóa trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc ở các làng, bản dân tộc thiểu số ở các địa phương, từ đó góp phần nâng cao thực hành và hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc. Hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên chính là dịp để cổ vũ, khích lệ những cá nhân tiêu biểu có nhiều thành tích rất đáng tự hào về công tác lưu giữ, trao truyền các giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống.

Hội nghị lần này là dịp để các nghệ nhân, đại biểu đề xuất, góp ý các giải pháp thiết thực, phù hợp thực tế với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, Bộ VHTTDL xây dựng nội dung, đề xuất các giải pháp bảo tồn cụ thể, thiết thực, từng bước có cơ chế chính sách đặc thù để bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhằm giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa dân tộc, tránh nguy cơ bị mai một, mất bản sắc. 

Đồng bào tự hào trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, thảo luận về thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Cù Văn Chiến đến từ Quỳnh Nhai, Sơn La đề nghị hỗ trợ xây dựng sách giáo khoa bằng chữ của người Thái và phát huy giá trị Xòe Thái. Nghệ nhân Vì Văn Thoan của tỉnh Điện Biên bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL quan tâm hỗ trợ các nghệ nhân trong trao truyền văn hóa cho các thế hệ sau. Nghệ nhân Lưu Văn Sơn đến từ tỉnh Cao Bằng đề nghị được hỗ trợ kinh phí trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông và cam kết phát huy uy tín của mình trong cộng đồng để lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Mông trong giai đoạn hiện nay….

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến, sáng kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị của các nghệ nhân. Ông Ngô Sách Thực cũng bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các nghệ nhân, các dân tộc sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản tích cực tiếp tục vun bồi, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top