Sản phẩm thời trang từ trang phục truyền thống dân tộc

07:50 - Thứ Ba, 22/11/2022 Lượt xem: 6427 In bài viết

Những ngày này, cùng với Liên hoan trình diễn trang các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I, năm 2022 được tổ chức tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam, câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc cũng là vấn đề được nhiều nhà quản lý, nghệ nhân, nhà nghiên cứu quan tâm.

Mặc dù khẳng định các dân tộc thiểu số nước ta đã tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng qua trang phục nhưng từ người trong cuộc cho đến các nhà nghiên cứu cũng không thể không thừa nhận, nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống. Về vấn đề này, Vụ Văn hóa dân tộc cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Qua đó, đồng bào ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ. Trang phục các dân tộc đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở thế hệ trẻ ngày càng ít dần... Vì thế, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số và làm thế nào để các dân tộc thiểu số - chủ thể văn hóa, thế hệ trẻ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mình đang gặp nhiều thách thức.

Trang phục của các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng, Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc – Đinh Xuân Thắng cũng chỉ ra rằng: Việc không sử dụng trang phục truyền thống dân tộc mình, hiện nay trở thành phổ biến ở một số dân tộc, nhất là nhóm dân tộc có dân số ít. Nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. Có nơi, trang phục truyền thống đã biến mất ở nhiều cộng đồng. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của mình trước đám đông, đặc biệt là thế hệ thanh niên học tập ở các đô thị. Nhiều bạn trẻ, kể cả trong các lễ hội của dân tộc mình cũng không chịu sử dụng trang phục truyền thống. Từ đó dẫn tới việc nghề làm trang phục truyền thống ngày một mai một, thậm chí biến mất trong nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Đồng quan điểm nói trên, TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cũng cho biết, bộ trang phục của đồng bào các dân tộc trước kia được tạo nên từ một quá trình lâu dài, tỉ mỉ, không đảm bảo được tiết kiệm thời gian, nguyên vật liệu và kinh phí. Nguyên nhân thứ hai là sự thay đổi của kỹ thuật canh tác.

Ở vùng người Mông Sa Pa, diện tích dành để trồng lanh hiện nay giảm gấp 15 lần so với đầu thế kỷ 21. Nhiều khu rừng già không còn nên cũng rất khó khăn khi lấy sáp ong. Vì vậy, việc duy trì trang phục truyền thống các dân tộc trở nên khó khăn hơn trước.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác đã tác động đến sự biến đổi trang phục như tâm lý khi xuống các đô thị thì thanh niên muốn hòa đồng chứ không muốn trở thành “dị biệt”; làn sóng toàn cầu hóa tác động mạnh mẽ đến thời trang; sự giao lưu văn hóa xuyên biên giới, xuyên tộc người…

Cũng theo TS Trần Hữu Sơn, biến đổi của trang phục là tất yếu, và đang diễn ra mạnh mẽ ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Trước làn sóng của toàn cầu hóa, trước sự tác động của truyền thông, vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống cần có những mục tiêu cụ thể, có tính khả thi như mỗi người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, ngày khai giảng, khai mạc các tổ chức đoàn thể, ngày hội… Nên khuyến khích vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch cần mặc trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản nhưng quan trọng hơn là tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch. Từ đó, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù. Cần đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia...

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top