Xây dựng đời sống văn hóa gắn với gìn giữ truyền thống dân tộc

07:29 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 6939 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Bằng nhiều giải pháp khác nhau, các cấp, ngành từng bước làm cho nếp sống văn hóa thực sự thấm sâu vào mỗi người dân, từng hộ gia đình, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nghệ nhân dân tộc Thái biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Xác định vai trò quan trọng của việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hoá dân tộc trong đời sống tinh thần của người dân, ngành Văn hóa, Thể  thao và  Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn văn hóa văn nghệ cơ sở nhằm khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2022. Thông qua các lớp tập huấn tạo điều kiện cho các hạt nhân văn nghệ được tiếp cận, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ để phát triển đội văn nghệ thôn, bản với nhiều hình thức; đồng thời, giới thiệu một số trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thể thao của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Anh Lò Văn Quang, chuyên viên Phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Học viên nắm được kỹ năng, phương pháp xây dựng và thực hành được chương trình văn nghệ tổng hợp, một số trò chơi văn hóa dân gian gắn với hoạt động cộng đồng, tổ chức trải nghiệm cùng du khách, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào văn hóa văn nghệ. Đặc biệt khi kết thúc khóa tập huấn các học viên phải thực hành được chương trình biểu diễn văn nghệ ngay tại cộng đồng. Vừa qua, các lớp ở xã Nà Hỳ, xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ), xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé đã được tổ chức thành công. Ở mỗi xã lại lựa chọn một nội dung tập huấn khác nhau, sao cho phù hợp với địa phương. Như tại xã Nà Hỳ lựa chọn các làn điệu, trò chơi dân tộc Thái, Dao; xã Si Pa Phìn các làn điệu, trò chơi dân tộc Thái, Mông... Thông qua lớp tập huấn đã cung cấp kiến thức bổ ích, kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa cho các học viên tích cực và chủ động trong việc đẩy mạnh các hoạt động phong trào tại địa phương, đưa hoạt động đi vào nền nếp...”.

Cùng chung mục đích đó, từ ngày 14/11 - 18/11, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, UBND xã Sính Phình tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, văn nghệ tại xã Sính Phình. 30 học viên là những hạt nhân văn nghệ của xã Sính Phình được hướng dẫn các động tác múa cơ bản của dân tộc Mông và dàn dựng tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc. Lớp tập huấn đã tạo điều kiện cho các hạt nhân văn nghệ được tiếp cận, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở. Đây còn là tiền đề để nhân rộng mô hình văn hoá văn nghệ tại các thôn, bản, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Xa hơn, có thể phục vụ cho việc phát triển du lịch trên địa bàn...

Với 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng. Để bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc ở Điện Biên không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, các nhà quản lý mà còn phải có ý thức của mỗi dân tộc trong việc phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình. Tại huyện Mường Nhé, thời gian qua đã phát huy vai trò của người dân, nhất là người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ ở khu dân cư thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Hàng năm, các đơn vị trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ với các tiết mục ca, múa, nhạc và biểu diễn nhạc cụ dân tộc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi cuộc sống mới tươi đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình góp phần vào sự thành công của ngày hội văn hóa các dân tộc do huyện tổ chức. Ở một số xã, phát huy tốt vai trò của các vị nghệ nhân có uy tín trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ các tiết mục ca, múa, nhạc và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trong đó nổi bật là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tri thức dân gian, các lễ hội... mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ vừa góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư, vừa góp phần gìn giữ và bảo tồn các nét đẹp truyền thống...

Có thể thấy rằng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí của phong trào trong đời sống xã hội, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa được nâng lên. Cùng với đó, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nền nếp; việc cưới, việc tang có những chuyển biến tích cực; nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được lan tỏa và nhân rộng. Nhờ đó, các phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và nhận được sự ủng hộ, tham gia của đông đảo nhân dân trong việc xây dựng các danh hiệu văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc...

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top