ĐBP - Vượt qua những cung đường uốn lượn đến với cao nguyên đá Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) vào thời điểm tháng 10, tháng 11; chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh chị em người Xạ Phang đang cần mẫn may bên hiên nhà, chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống cho cả gia đình đi chơi Tết. Với đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ Xạ Phang đã làm ra những bộ quần áo, đôi giày hoa thêu thủ công với nhiều họa tiết hoa văn độc đáo, gắn với đời sống văn hóa truyền thống dân tộc.
Nhiều ngày nay, gia đình chị Hoàng Vu Siến, thôn Tả Sìn Thàng luôn rộn ràng tiếng máy may. Tỉ mẩn, chăm chú, chị Siến đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để hoàn thành một đôi giày thêu truyền thống của dân tộc mình. Với một số nguyên liệu chính như vải, mo tre, chỉ khâu, chỉ thêu, keo dán, giấy bản… quá trình làm một đôi giày thêu trải qua nhiều công đoạn khác nhau và được hoàn thiện hoàn toàn thủ công dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Xạ Phang.
Chị Hoàng Vu Siến cho biết: Cầu kỳ lắm, lúc đầu mình cắt, mình khâu xong lại thêu... để hoàn thiện phải mất gần một tháng. Đặc biệt, từng họa tiết thêu lên giày phải thật khéo léo, bởi đôi giày có đẹp, nổi bật cũng là nhờ những đường nét trang trí. Những đôi giày này mình làm để đi vào ngày tết, đám cưới cùng mấy chị em trong bản.
Giày của người Xạ Phang có nhiều loại: Giày nam, giày nữ, giày cho cô dâu, chú rể... Tuỳ loại giày, có những đặc điểm riêng, tuy nhiên, nét chung đặc sắc nhất phải kể đến đó là những hoa văn được thêu thủ công trên từng đôi giày mộc mạc. Trên nền những màu sắc sặc sỡ, hoạ tiết thêu thường là hoa lá cách điệu, sóng lượn, răng cưa… thể hiện sự tinh tế và tư duy sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang.
Cũng cầu kỳ như những đôi giày, trang phục của người Xạ Phang mới nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi quan sát kỹ từng chi tiết hoa văn, đường thêu mới thấy được sự công phu, tinh xảo. Áo của người phụ nữ được may theo kiểu cổ tròn ôm sát người, khuy áo chéo xuống nách dọc theo sườn áo xuống gấu áo được tô điểm bởi họa tiết hoa văn, hòa trộn sắc màu rực rỡ của các loại chỉ màu. Phần cổ áo và tay áo luôn là phần nổi bật nhất bởi người may thường chọn những họa tiết tinh tế, cầu kỳ để thêu. Ngoài ra, từng chi tiết hoa văn còn được người thợ khéo léo đính thêm những hạt bạc nhỏ làm tôn lên nét đẹp, quý phái của trang phục.
Với người Xạ Phang, những đôi giày, bộ quần áo không chỉ để làm đẹp mà còn mang ý nghĩa tâm linh muốn gửi gắm qua sản phẩm của dân tộc mình. Từ nhiều đời nay, nghề thêu đã được trao truyền qua các thế hệ trong gia đình, cộng đồng người Xạ Phang. Ngay từ khi còn thiếu niên, bé gái đã được các bà, các mẹ hướng dẫn, truyền dạy việc may vá, thêu thùa. Điều này tạo lập ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng cho thế hệ trẻ, góp phần gắn kết cộng đồng, bảo tồn những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Chị Thàng Thiều Hoa (thôn Tả Sìn Thàng) được bà, mẹ dạy may trang phục, thêu giày từ lúc 12 tuổi. Khi mới tập làm, chị phải vẽ ra để thêu cho chính xác. Hiện tại, dù đã thuần thục may thêu, song để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống thì trung bình chị Hoa phải mất tới gần 1 năm, phần lớn là dành cho việc thêu các họa tiết hoa văn trên tay và vạt áo, quần. Theo chị Hoa, điểm đặc biệt làm nên nét riêng dễ nhận biết trên bộ trang phục truyền thống của người Xạ Phang là thường sử dụng nhiều gam màu nổi bật (xanh, hồng, vàng, đỏ...), với điểm nhấn là những chi tiết hoa văn nằm trên cổ và tay áo.
Thôn Tả Sìn Thàng hiện có 100 hộ, hơn 500 khẩu, 100% là đồng bào Xạ Phang. Trải qua bao nhiêu thế hệ, người Xạ Phang luôn muốn lưu giữ, bảo tồn nghề thêu truyền thống, bởi với họ trang phục truyền thống và đôi giày thêu như là hồn của dân tộc mình. Vì thế hầu như tất cả phụ nữ Xạ Phang trước khi lấy chồng đều biết may áo quần và thêu giày. Để phát huy và giữ gìn giá trị văn hóa này, năm 2019, xã Tả Sìn Thàng đã quyết định thành lập tổ thêu với hơn mười thành viên. Cùng với đó, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể trong xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ, truyền dạy cho lớp trẻ sau này.
Ông Oàng Dỉn Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết: Với những giá trị tiêu biểu đặc sắc, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề làm giày thêu của người Xạ Phang. Đây là cơ sở để đồng bào Xạ Phang tiếp tục tự hào và gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên.