Nhân ngày di sản văn hóa Việt Nam (23-11)

Nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa Việt

15:19 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 5470 In bài viết

Công tác bảo tồn di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bảo tàng, di tích, đang là nhu cầu cấp bách của xã hội trước sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người.

Trong những năm vừa qua, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực đầu tư cho công tác bảo tồn di tích, hiện vật bảo tàng và di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn nhân lực, kinh phí, cùng với sự nhận thức chưa đầy đủ nên hoạt động của công tác bảo tồn di sản văn hóa còn có những khoảng trống trong hệ thống bảo tàng, di tích ở Việt Nam.

Sự có mặt của Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ (AFCP) trong suốt 20 năm qua ở Việt Nam đã tạo điều kiện để nhiều di tích, di sản văn hóa được phục hồi; đã có 16 bảo tàng, di tích, cơ quan văn hóa được thụ hưởng sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ AFCP. Theo đó 5 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể, cùng hàng trăm hiện vật, tác phẩm nghệ thuật được bảo tồn và phát huy giá trị, đó là những minh chứng sinh động nhất về tính hiệu quả và thiết thực của Quỹ AFCP.

Bức ảnh về Dự án bảo tồn Di sản hát Then của dân tộc Tày trưng bày tại hội thảo.

Chữa lành "vết thương" cho những di sản

Hội thảo “Việt Nam và Hoa Kỳ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam” được tổ chức vào đúng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23-11) với mục đích nhận diện các thực hành hiệu quả trong bảo tồn di sản văn hóa mà các dự án của Quỹ AFCP tài trợ rất có ý nghĩa đối với giới bảo tàng, di tích ở Việt Nam nói chung và với những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa nói riêng.

Là một người hoạt động trong lĩnh vực quản lý và xây dựng chính sách bảo vệ di sản, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia may mắn được tham gia quá trình hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ trong một số dự án.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý cho rằng, quá trình hợp tác là sự hỗ trợ chuyên môn vô cùng hữu ích không chỉ đối với di sản mà cả với những người làm nghề về di sản. 16 dự án là 16 trường hợp nghiên cứu cụ thể, là đa dạng loại hình di sản khác nhau, đa dạng các giải pháp liên ngành về bảo tồn và là 16 bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Quỹ AFCP đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội tuyệt vời để di sản được “cứu nguy”, được “trị liệu” để chữa lành những vết thương do thời gian do những rủi ro gây ra bởi khí hậu, thời tiết và cả chính con người. Những di sản của tổ tiên, cha ông đã trở nên có sắc thái tinh thần hơn, có hồn hơn và có sức sống hơn bởi kỹ thuật tu sửa từ các nghệ nhân tài hoa được mời đến từ cộng đồng. Họ thực hành tu bổ, bảo quản với sự tham vấn của hội đồng khoa học, của các nhà chuyên môn.

 

Ô Quan Chưởng, di tích nằm trong dự án của Quỹ AFCP.

Năm 2002, trong khi UNESCO và các quốc gia thành viên đang thảo luận khái niệm, những thuật ngữ cho dự thảo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thì dự án bảo tồn âm nhạc Then của người Tày ở Cao Bằng được Quỹ AFCP lựa chọn để hỗ trợ bảo tồn. Dự án này là một ví dụ rất cụ thể để nâng cao nhận thức của Việt Nam nói riêng và quốc tế chung về tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - một loại hình di sản sống, tạo nên bản sắc của cộng đồng. Dự án này đã góp phần giữ gìn đa dạng văn hóa và sự bình đẳng của các dân tộc thiểu số. Sau đó, với các chương trình mục tiêu và nhiều dự án khác của chính phủ Việt Nam dành cho nghiên cứu bảo vệ loại hình di sản này mà Then đã có một sức sống mạnh mẽ, lan tỏa trong đời sống đương đại. Năm 2019, Then của các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam đã được UNESCO ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ra đời năm 1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu, sưu tầm được gần hai vạn tác phẩm, hiện vật, tài liệu của lịch sử mỹ thuật Việt Nam, trong đó có 9 bảo vật quốc gia và rất nhiều tác phẩm có giá trị. Thời gian, cùng với những tác động của khí hậu, môi trường, và của con người khiến cho nhiều tác phẩm, hiện vật đã và đang bị ảnh hưởng và có nguy cơ xuống cấp.

Năm 2005, được sự hỗ trợ tài chính của Quỹ AFCP, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã bảo quản, tu sửa thành công hai tác phẩm sơn mài bị hư hại nghiêm trọng, đó là tác phẩm “Hội chùa” của họa sĩ Lê Quốc Lộc và Nguyễn Văn Quế, sáng tác năm 1939, và tác phẩm “Nam Bắc một nhà” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, sáng tác năm 1961.

TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Quỹ AFCP đã góp phần bảo tồn hai tác phẩm quý giá này. Hai tác phẩm hiện nay đang được giới thiệu, phát huy hiệu quả tại phòng trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tại Hội thảo, PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam ghi nhận những thành tựu từ những sáng kiến, nỗ lực chung của hai nước trong hợp tác về bảo tồn di sản văn hóa.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ cho biết: Là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng như các đơn vị chuyên môn trực thuộc Hội như Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (CCII) và các công ty, đơn vị khác, nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đồng thời, việc mở rộng mạng lưới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ di sản văn hóa cũng là một bài học hết sức quý báu và cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ khẳng định: Quỹ AFCP với 16 dự án hỗ trợ bảo tồn đa dạng các loại hình di sản văn hóa tại Việt Nam là thí dụ rất điển hình cho chúng ta thấy lợi ích cụ thể và rõ ràng nhất trong việc tận dụng các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ bổ sung trong bảo tồn và quản lý di sản văn hóa tại Việt Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa cấp thiết và thực tiễn đối với các trường hợp di sản trong tình trạng nguy cấp, cần hành động khẩn cấp.

Mở rộng mạng lưới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ di sản văn hóa

Giám đốc chương trình Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Washington, DC Martin Perschler cho rằng: Chúng tôi mong đợi được hợp tác cùng Việt Nam trong tương lai ở lĩnh vực bảo tồn văn hóa thông qua Quỹ AFCP cũng như các chương trình và hoạt động khác của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Chúng tôi đang thực hiện điều này trên tinh thần của Quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, xuất phát từ nền tảng của các mối quan hệ và kết nối độc đáo với nhau thông qua lợi ích chung của chúng ta trong việc bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bức ảnh chùa Dâu-Dự án bảo tồn 96 pho tượng và các hiện vật tôn giáo khác tại chùa Dâu trưng bày tại hội thảo.  

TS Frank Proschan, cựu chuyên gia UNESCO và Viện Smithsonian, Hoa Kỳ cho biết: Một trong những điều khiến tôi ấn tượng từ lâu về các thiết chế văn hóa của Việt Nam là nhiều nơi có một phòng truyền thống để tổ chức trưng bày các di sản của riêng mình. Là những người cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa, chúng ta phải trân trọng những di sản.

Phát biểu tại hội thảo, bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định: Sau 2 thập kỷ và 1.000 dự án thì Quỹ AFCP đã tiếp tục thể hiện một diện mạo khác của Hoa Kỳ với các quốc gia, đáp ứng được những mục tiêu về bảo tồn văn hóa. Việc sát cánh cùng Việt Nam, đã góp phần bảo tồn các loại hình văn hóa cả vật thể và phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa rất phong phú của Việt Nam.

Những tham luận tại hội thảo đã đánh giá và phân tích sâu sắc cả những thành công và bài học kinh nghiệm, những thực hành tốt và chưa tốt từ các dự án do AFCP tài trợ. Từ đó nêu bật các cơ hội và cách tiếp cận phù hợp trong xã hội hóa và mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện bảo tồn di sản văn hóa trong tương lai.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top