Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp

15:59 - Thứ Tư, 30/11/2022 Lượt xem: 3616 In bài viết

Vào hồi 16h12 ngày 29-11-2022 giờ địa phương (tức 22h12 ngày 29-11-2022 giờ Việt Nam), tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Maroc, di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một trong 56 hồ sơ được xem xét trong kỳ họp này.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO.

Nghề làm gốm được xem là biểu hiện của sự sáng tạo cá nhân do người phụ nữ Chăm làm ra trên nền tảng tri thức được lưu truyền trong cộng đồng, giúp tăng thu nhập của gia đình và bảo lưu thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa người Chăm ở Việt Nam. Di sản gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, trong đó có các nghi lễ liên quan đến ông tổ nghề làm gốm của người Chăm. Nghề làm gốm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực bảo vệ, nghề gốm của người Chăm vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một, vì sự tác động của quá trình đô thị hóa đến khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu thô, sự chậm thích ứng với kinh tế thị trường và thế hệ trẻ ít quan tâm đến nghề. 

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được ghi danh vào các danh sách của UNESCO. Thay mặt quốc gia thành viên có di sản được ghi danh, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thu Hiền đã cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ các giá trị của nghề làm gốm của người Chăm.

Cụ thể, hồ sơ trình bày chi tiết kế hoạch bảo vệ di sản được triển khai thực hiện trong 4 năm (từ năm 2023 đến năm 2026), với các mục tiêu của mỗi năm, các hoạt động cụ thể và kết quả dự kiến... Các hoạt động bảo vệ được đề xuất gồm: Đào tạo, tư liệu hóa, giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nguyên liệu và tạo sinh kế bền vững cho những người hành nghề…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top