Gìn giữ văn hóa truyền thống các dân tộc

07:44 - Thứ Năm, 08/12/2022 Lượt xem: 7789 In bài viết

ĐBP - Điện Biên là mảnh đất giàu bản sắc với nhiều nét văn hóa truyền thống các dân tộc như trang phục, diễn xướng dân gian, lối sống, phong tục tập quán... Để góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp đó, nhiều giải pháp được cấp, ngành, địa phương và cả chủ thể văn hóa triển khai. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cộng đồng dân cư thêm tự hào và trân trọng bản sắc văn hóa truyền thống, gắn liền với bài trừ hủ tục, văn hóa ngoại lai, xấu độc xâm nhập...

Thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa, Văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên trình diễn trang phục truyền thống.

Là một trong số ít người trẻ tuổi có năng khiếu và đam mê với các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, em Cà Hồng Linh, ở bản Bông, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên là người khởi xướng thành lập nhóm nhạc mang tên “Giai điệu dân tộc”. Nhóm nhạc này đã và đang góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống để các loại nhạc cụ dân tộc không bị mai một. Ngay từ nhỏ, Cà Hồng Linh đã thích nghe và chơi một số loại nhạc cụ của dân tộc mình. Từ niềm đam mê đó, năm 2020 khi đang học lớp 8, Trường THCS Noong Hẹt, Linh đã đứng lên thành lập nhóm nhạc với 6 thành viên. Từ khi đi vào hoạt động, mỗi thành viên trong nhóm đều có mong muốn góp sức gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc qua các loại nhạc cụ. Nhóm đã sáng tạo trong cách thể hiện những nhạc phẩm hiện đại trên nền nhạc cụ dân tộc bằng sáo trúc, sáo bầu, sáo mông và đàn bầu... Với vai trò là trưởng nhóm, tại mỗi buổi tập, Linh đều tỉ mỉ chia sẻ những kiến thức mà mình tiếp thu được truyền đạt lại cho các thành viên để làm mới từng lời, từng tiếng nhạc trong những ca khúc hiện đại, nhưng xen vào đó vẫn có nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.

“Chúng em muốn kết hợp nhạc cụ hiện đại và nhạc cụ truyền thống để mang màu sắc mới mẻ. Chúng em sẽ phổ lại hoặc phối lại bản nhạc truyền thống mang màu sắc mới hơn, hiện đại hơn hợp với tuổi trẻ năng động, nhiệt huyết. Em cũng mong muốn rằng lớp trẻ như chúng em sẽ hiểu biết về bản sắc dân tộc của mình để gìn giữ, lưu truyền đến thế hệ sau, để không bao giờ bị mai một, mãi mãi là truyền thống quý báu của dân tộc” - em Cà Hồng Linh chia sẻ.

Còn ở nơi rẻo cao Tủa Chùa, nghệ nhân ưu tú Phàn Quang Châu, thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só đã dành cả đời để nuôi dưỡng tình yêu với những câu hát, nét văn hóa và nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Lưu giữ cả một kho tàng văn hóa người Dao, nghệ nhân Phàn Quang Châu luôn lo lắng ngày nào đó, khi ông không còn, những nét văn hóa này vì không có ai gìn giữ mà dần mất đi. Lý do là bởi nhiều thanh niên bây giờ không biết nói tiếng Dao, không biết chữ Dao nên không đọc được sách, không biết được những tinh hoa của dân tộc mình, không hiểu ý nghĩa của những lời răn dạy, những nghi lễ truyền thống. Vì thế, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn đang cố gắng truyền dạy lại những gì mình biết về văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. “Sau khi được Nhà nước công nhận văn hóa phi vật thể dân tộc Dao, tôi xin phép mở lớp để truyền thụ; trước thì không học tập trung, thanh niên nào thích thì học riêng. Vừa qua được Nhà nước công nhận, tôi báo cáo lên xã, được xã, huyện nhất trí tôi mới mở lớp. Được sở hữu những cuốn sách cổ Nôm Dao của dân tộc mình, không chỉ có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ kho sách cổ đó, mà tôi cố gắng đọc, tìm hiểu, rồi lan tỏa những kiến thức quý giá đó ra cộng đồng. Tôi đã truyền lại các nghi lễ của dân tộc, lễ hội, tập quán phong tục của dân tộc. Đến nay, nhiều người đã làm thầy, không chỉ biết đọc mà còn viết được, đã có thể lưu giữ được những nét văn hóa đó” - Nghệ nhân ưu tú Phàn Quang Châu chia sẻ.

Các câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tăng mạnh về số lượng và ngày càng đi sâu vào chất lượng. Có thể kể tới Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái; Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa, Văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên... Nội dung, hình thức hoạt động của các câu lạc bộ hướng tới cái đích là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa đậm đà bản sắc của mỗi dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Câu lạc bộ cũng là hình thức phù hợp để chính người dân - với vai trò là chủ thể tham gia giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc mình một cách tốt nhất, thiết thực nhất.

Song song với đó, các cấp, ngành cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn di sản văn hóa. Thời gian gần đây, công tác mở lớp, truyền dạy các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Mới đây, tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Học viên được hướng dẫn cách thức, kỹ năng cơ bản về xây dựng các chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian, truyền thống để phục vụ nhiệm vụ chính trị và du lịch cộng đồng tại địa phương; nắm được quy trình thành lập, hoạt động đội văn nghệ, câu lạc bộ; xây dựng chương trình biểu diễn theo chủ đề tham gia hội thi, hội diễn, một số mô hình tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở...

Hiện nay, Điện Biên có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa; trong đó 11 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy, nhất là dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kháng, Cống... Cùng với đó, tỉnh hiện có 2 di sản nghệ thuật then Thái và nghệ thuật xòe Thái được UNESCO đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 14 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Năm 2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là Đề án quan trọng nhằm tiếp tục định hướng, đẩy mạnh việc bảo tồn, phát huy những giá trị, loại hình di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng có để thu hút du khách, thúc đẩy loại hình du lịch văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top