Tăng cường quản lý, xử phạt nghiêm nội dung ''bẩn'' trên mạng

09:15 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 5732 In bài viết

Mới đây, một TikToker đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng các video có nội dung miệt thị người khác, vi phạm thuần phong mỹ tục. Trước đó, tài khoản có hơn 600.000 lượt theo dõi này đã bị khóa sau khi bị người dùng báo cáo.

Cụ thể, TikToker này đã thực hiện và đăng các video với những từ ngữ mang tính miệt thị, rất phản cảm. Trên các diễn đàn, hàng loạt người dùng mạng xã hội thể hiện sự phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay kênh có đăng các video phản cảm nói trên và đã report (báo cáo) tài khoản này.

Không chỉ có chủ tài khoản mạng xã hội nói trên, nhiều người làm nội dung trên YouTube, TikTok, Facebook cũng bị phạt về hành vi tương tự. Cuối tháng 8, TikToker Hoàng Minh bị phạt 10 triệu đồng vì đã đăng tải nội dung nói xấu người miền Trung. Năm 2020, Hưng Vlog phải nộp tổng số tiền 17,5 triệu đồng vì đăng video nấu cháo gà nguyên lông và lấy cắp tiền trong heo đất...

Tuy nhiên, nhìn chung, các trường hợp đã bị xử phạt chưa thấm vào đâu so với số lượng kênh có nội dung “bẩn” đang nhan nhản trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok - mạng xã hội đang có sự phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người tham gia, đặc biệt là người trẻ.

Theo Báo cáo Kỹ thuật số 2022 của Tổ chức We Are Social, Việt Nam hiện có hơn 39,9 triệu người trên 18 tuổi dùng TikTok, tức hơn 55% số người dùng internet tại Việt Nam. Kết quả khảo sát được công bố qua các báo cáo của Decision Lab (2022) hay The Connected Consumer (quý 4-2021) cũng cho thấy TikTok đã chính thức vượt mặt Instagram, trở thành một trong 4 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.

Chỉ trong năm qua, TikTok có sự tăng trưởng khủng khiếp về số người dùng thuộc mọi thế hệ. Đặc biệt, các bạn trẻ "thuộc Gen Z" (chỉ những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng TikTok với con số tăng trưởng tới gần 40%. Chính vì vậy, người dùng rất lo ngại rằng, các nội dung “bẩn” trên mạng xã hội này sẽ tác động xấu tới giới trẻ.

Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội mang đến cơ hội kiếm tiền cho nhiều người, nhưng đó cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho các loại tội phạm mạng cũng như người xấu lan truyền những nội dung độc hại... Ngoài việc tăng cường quản lý, xử phạt thích đáng của cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm, người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ cần nâng cao cảnh giác, biết tẩy chay, báo cáo những nội dung xấu để tự bảo vệ mình.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top