Mai một nghề thêu giày dân tộc Xạ Phang

08:01 - Thứ Năm, 15/12/2022 Lượt xem: 6823 In bài viết

ĐBP - Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang trên địa bàn tỉnh Điện Biên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2021, thuộc loại hình tri thức dân gian. Tuy nhiên bên cạnh niềm tự hào này là nỗi lo mai một khi hiện nay không còn mấy người mặn mà với nghề làm giày thêu thủ công truyền thống. Đặc biệt, trong dòng chảy hội nhập, nghề làm giày thêu của dân tộc Xạ Phang ngày càng có sự giao thoa mạnh mẽ và bị tác động không nhỏ bởi những sản phẩm công nghiệp.

Người Xạ Phang ở xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) thêu giày.

Dân tộc Xạ Phang trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 người, sinh sống tập trung tại các xã Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà); Mường Toong (huyện Mường Nhé); Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) và Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa). Do dân số ít, sống đan xen với các dân tộc khác nên một số nét văn hóa đã giao thoa, song nét văn hóa truyền thống vẫn được người phụ nữ Xạ Phang gìn giữ, lưu truyền là tự may, tự thêu trang phục, đặc biệt là giày dép với hoa văn tinh xảo, độc đáo.

Mỗi đôi giày hoàn thiện trở thành một tác phẩm nghệ thuật, trong đó ẩn chứa tình cảm, tâm tư và những ước mơ, hi vọng của người tạo ra nó. Giày được thêu hoa văn sặc sỡ, độc đáo, thể hiện sự tinh tế, khéo léo và tư duy sáng tạo của người phụ nữ Xạ Phang, gửi gắm trong từng họa tiết hoa văn, từng đường kim mũi chỉ trên đôi giày. Với mỗi đôi giày không chỉ đơn thuần là vật dụng bảo vệ chân, giúp con người di chuyển, mà với những nét độc đáo, đặc trưng, giày thêu thủ công thực sự đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo được tạo nên từ đôi bàn tay của người phụ nữ Xạ Phang. Với giá trị tiêu biểu, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 9/3/2021.

Phải khẳng định, người Xạ Phang có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, song những năm gần đây trước sự giao thoa của các nền văn hóa, phong tục tập quán; đặc biệt, bị cạnh tranh bởi giày thêu công nghiệp, đã lấn át và khiến cho nghề làm giày thêu truyền thống của người Xạ Phang đứng trước nguy cơ bị mai một. Hoặc vẫn duy trì nhưng bị suy thoái, mất dần những nét truyền thống, mất đi cái hồn từ ngàn xưa trong nền kinh tế thị trường. Ngay cả ở bản Thèn Pả (xã Sa Lông), thôn Tả Sìn Thàng (xã Tả Sìn Thàng)... vốn rất nổi tiếng trong quá khứ về nghề làm giày thêu, giờ chỉ còn một vài nghệ nhân làm nghề, sản phẩm vẫn còn nhưng giá trị không được như trước. Hiện nay các sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ, chủ yếu phục vụ gia đình.

Thôn Tả Sìn Thàng là nơi tập trung sinh sống của người Xạ Phang trên địa bàn xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa), với hơn 100 hộ và hơn 500 nhân khẩu. Ông Oàng Dỉn Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng cho biết: Trước đây, các hộ dân tộc Xạ Phang trên địa bàn xã đều biết làm nghề thêu giày, vừa để sử dụng trong sinh hoạt, đời sống, vừa để bán tạo thêm thu nhập. Đặc biệt, hầu hết phụ nữ Xạ Phang trước khi lấy chồng đều biết may áo quần và thêu giày. Tuy nhiên, thời gian qua do nhu cầu người tiêu dùng ít, trong khi giá thành cao (trung bình từ 800.000 đồng - 1.600.000 đồng/đôi tùy loại) nên loại giày thêu khó tiêu thụ. Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm chưa được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, hiện nay sự giao thoa giữa các nền văn hóa cũng đã làm phong tục, tập quán sử dụng giày thêu của người Xạ Phang bị tác động. Hiện nay, người dân, nhất là nam giới ít sử dụng trang phục, giày thêu truyền thống, vì vậy nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ nghề, hoặc chỉ làm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình và trong các lễ nghi theo phong tục tập quán dân tộc.

Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang tại bản Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) cũng gặp nhiều khó khăn. Trải qua bao thế hệ, nghề làm giày thêu của người Xạ Phang vẫn được lưu truyền, nhưng hiện nay nguy cơ mai một ngày càng hiện hữu. Lý do là những năm gần đây nhiều chị em phụ nữ trong bản, nhất là thế hệ trẻ không còn chú ý nhiều đến mặc trang phục dân tộc. Các bạn thanh niên không thích mặc trang phục của dân tộc mình mà chủ yếu mặc trang phục hiện đại, đi giày âu. Hiện nay tỷ lệ người phụ nữ trong bản biết làm giày thêu rất ít. Với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội như hiện nay, nhiều nét văn hóa khác nhau du nhập vào những thôn vùng cao như Thèn Pả, đã làm cho bản sắc văn hóa của người dân nơi đây dần mai một theo thời gian, nhất là việc thêu thùa trang phục, giày dép.

Trước đây bản Thèn Pả ai cũng theo nghề và chọn nghề thêu trang phục, giày để phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay có nguy cơ mai một. Lớp trẻ ngày nay không còn mặn mà với nghề. Nguyên nhân là do hiện nay việc bán sản phẩm thêu rất khó khăn, vì thế thu nhập hàng tháng của người thợ thêu thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, nhiều người, nhất là thanh niên đã bỏ nghề để đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Để truyền nghề cho lớp trẻ và phát triển nghề truyền thống, chính quyền xã đã tạo mọi điều kiện cho người dân kinh doanh phát triển nghề, quảng bá sản phẩm. Hàng năm, xã phối hợp mở các lớp dạy nghề, truyền nghề cho người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ người theo học nghề thêu giày truyền thống rất thấp.

Hiện nay, giày thêu của người dân tộc Xạ Phang vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao, yêu thích bởi chứa đựng những nét văn hóa, sự khéo léo của những người thợ. Nhiều người cho rằng một đôi giày của người Xạ Phang được bán với giá hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng là quá cao. Nhưng nếu tận mắt chứng kiến bàn tay lao động của thợ thêu, những gì họ đã dụng công trong từng đường kim mũi chỉ thì sẽ thấy số tiền kiếm được chưa xứng với công sức bỏ ra. Bởi để hoàn thiện một đôi giày thêu, người phụ nữ Xạ Phang phải mất thời gian từ 10 - 15 ngày, thậm chí cả vài tháng, với tất cả công đoạn từ chọn nguyên liệu, làm đế, thêu hoa văn, khâu vá, hoàn thiện.

Thực tế không phải bản thân người dân Xạ Phang muốn bỏ nghề, mà họ “lực bất tòng tâm”. Nỗ lực của riêng họ không đủ vực dậy cả hệ thống làng nghề đang dần bị mai một. Đặc biệt là ý thức của lớp trẻ - những chủ thể kế cận của di sản đã không còn mặn mà. Để nghề làm giày thêu Xạ Phang không bị quên lãng giữa dòng chảy cuộc sống đương đại, nhất là đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, thì trách nhiệm không chỉ của người dân Xạ Phang, mà cần có sự tham gia, quan tâm của chính quyền cũng như các ngành liên quan, với những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top