ĐBP - Điện Biên Phủ những ngày cuối năm, từng đợt gió lạnh tràn về len lỏi trên từng ngõ phố. Trong khi nhiều người tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón tết... thì đâu đó trên các nẻo đường, vẫn có những người đang cần mẫn bên gánh, xe hàng rong. Họ tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya trên các ngả đường, ngõ phố. Dường như càng gần tết, những gánh hàng lại thêm phần trĩu nặng, bởi cõng thêm những nỗi ưu tư.
Người bán hàng rong đa phần là dân tứ xứ, vì nhiều lý do nên họ chọn lề đường, hè phố làm nơi kiếm kế sinh nhai. Họ có thể khác quê, khác gia cảnh, nhưng đều nỗi lo cơm áo gạo tiền. Có người đã gắn bó với nghề 5 năm, cũng có người 10 năm, thậm chí là 20 năm. Những thứ hàng hóa của họ cũng rất bình dân như rau, hoa quả, quà vặt, đồ khô...
Từ tỉnh Hưng Yên lên Điện Biên mưu sinh bằng nghề bán bánh mì hơn 10 năm nay, anh Nguyễn Văn Hải vẫn luôn canh cánh nỗi nhớ quê. Anh Hải tâm sự: “Lúc mới đến Điện Biên, tôi làm đủ nghề để kiếm sống, sau đó được giới thiệu cho công việc bán bánh mì. Đến nay tôi đã bán bánh mì được gần 7 năm. Hàng ngày phải dậy từ sáng sớm tinh mơ chuẩn bị đồ, hàng cho một ngày mưu sinh mới. Và khi thành phố vào giấc ngủ đêm thì mới được trở về nhà. Thế nhưng thu nhập không cao, mỗi ngày trừ hết chi phí, tôi kiếm được 150.000 - 200.000 đồng. Ăn uống tiết kiệm, hàng tháng tôi dành dụm được ít tiền gửi về quê, đỡ phần vất vả cho vợ con. Đã từng có tết tôi không được về sum họp cùng gia đình. Buồn lắm, nhưng nghĩ đến tương lai của các con, lại cố gắng hơn thôi!”.
Năm cũ sắp qua nhưng dường như đối với những người còn vất vả mưu sinh với hàng rong thì bộn bề, lo toan của cuộc sống vẫn chưa khép lại. Chị Nguyễn Thị Tình, quê ở Vĩnh Phúc, ngày nào cũng đẩy xe hàng lỉnh kỉnh cóc, ổi, xoài, nước giải khát bán tại khu vực Nghĩa trang liệt sĩ A1. Ở tuổi 47 nhưng tóc chị đã bạc gần hết, gương mặt đen sạm và hai mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Tôi được nghe chị kể về cuộc đời mình: Hai vợ chồng lấy nhau được gần 20 năm, có với nhau 2 người con, con gái đầu học lớp 12, cháu thứ 2 là con trai cũng chuẩn bị thi vào cấp ba. Mọi việc trong nhà lớn nhỏ đều mình tay chị lo liệu. Cuộc sống gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Có ngày kiếm được vài chục hoặc hơn trăm nghìn, nhưng cũng có ngày không bán được gì. Khi được hỏi có hay về quê thăm gia đình không thì chị lắc đầu với vẻ mặt nặng trĩu ưu tư: “Vợ chồng tôi sống ở Điện Biên đã hơn 10 năm nhưng mới về quê ăn tết 2 - 3 lần. Vì mỗi lần về quê rất tốn kém, làm quần quật cả năm chỉ một chuyến về quê coi như hết vốn. Ai cũng mong được đoàn tụ gia đình nhưng thu nhập còn thấp nên đành chấp nhận. Tôi chỉ mong muốn bán được nhiều hàng hơn, để có tiền lo cho con ăn học!”.
Chưa có con số thống kê bao nhiêu người bán hàng rong ở TP. Điện Biên Phủ nhưng chắc chắn không hề ít. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, những người như anh Hải, chị Tình cùng nhiều người khác chỉ mong mỏi duy nhất là đi làm nuôi gia đình. Với họ, chuyện nghỉ tết là điều xa xỉ, dù rất khao khát một ngày nghỉ, nhưng vì cuộc sống họ vẫn ngày ngày bươn chải, càng dịp lễ tết lại càng nỗ lực để mong có thêm thu nhập từ việc bán hàng cho khách đi chơi.
Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi lo riêng. Bao nhiêu gánh hàng rong là bấy nhiêu mơ ước, khát vọng được đổi đời hay đơn giản hơn chỉ để có chút tiền lời sống tiếp cho ngày mai, trả tiền thuê nhà trọ hay dành dụm chút ít phòng khi đau ốm. Những con người nhỏ bé gánh cả gia đình trên đôi vai. Thậm chí, ở cái tuổi mà nhiều người được sum vầy bên con cháu, vui thú điền viên, hưởng cuộc sống an yên, thì đâu đó vẫn còn những mảnh đời tất bật với công cuộc mưu sinh. Với họ, xuân đến hay đông về thì cũng vẫn là sự vất vả bên gánh hàng rong.