Dòng nước ngược

07:41 - Thứ Năm, 22/12/2022 Lượt xem: 8326 In bài viết

ĐBP - Thịnh ngồi bệt xuống đất, vớ chiếc mũ lá quạt lấy quạt để. Mồ hôi nhễ nhại chảy thành vệt trên gương mặt màu đồng hun. Món tóc xoăn trước trán bết lại thành hình dấu hỏi. Hai tháng nay trời nắng, nóng, trông mãi chả có hạt mưa nào. Mấy héc ta keo trồng hồi đầu năm thay thế cho diện tích mới khai thác đang bị khô hạn, leo heo trước gió. Cũng ngần ấy thời gian, Thịnh loay hoay tìm kiếm nguồn nước trong các thung sâu để bơm tưới, nhưng cũng chỉ thảng hoặc, chỗ có, chỗ không, phần lớn diện tích có nguy cơ chết khát.

Nhìn đống dây dẫn nước loằng ngoằng dưới chân, Thịnh cố nén tiếng thở dài. Mấy người làm công lục tục kéo nhau xuống chân đồi, lưng áo họ đẫm mồ hôi. Thịnh nằm vật xuống bãi cỏ khô, ngửa mặt nhìn lên bầu trời. Tháng tám nắng rám trái bưởi. Trời oi nồng, ngột ngạt. Đã chớm thu mà nhiệt độ ngoài trời vẫn 34, 35 độ. Nắng hanh, ran rát thật khó chịu. Thịnh đã cho đào mấy cái giếng ven các chân đồi nhưng nguồn nước cũng chẳng được bao nhiêu, vài lần bơm là cạn. Đến nước sinh hoạt ở nhà cũng còn phải tiết kiệm nữa là. Bao nhiêu vốn liếng của đợt khai thác vừa rồi đem đầu tư vào máy móc bơm tưới mà đồi keo vẫn u ám, xót hết cả ruột.  Phen này chắc phá sản.

Tối đó, sau khi cơm nước xong, Thịnh dong xe sang nhà Chủ tịch xã Đinh Công Đốc nhờ ông xác nhận và báo cáo ủy ban cho Thịnh đào một đường mương dẫn nước từ hồ Ly qua xóm Gò Thiều vòng ngược vào đồi keo của mình. Phà hơi thuốc lào khét lẹt lên trời, ông Đốc cho Thịnh biết nguồn nước hồ Ly lâu nay cũng phải dành để tưới cho mấy chục hecta lúa ven chân đèo Sấu và toàn bộ diện tích ruộng lúa, hoa màu của các thôn 3, 4, 5... Nếu dẫn nước vào đồi keo thì e những chân ruộng ấy rơi vào tình trạng khan hạn, bà con các thôn sẽ đấu tố Chủ tịch xã tham bát bỏ mâm. Với lại nếu đồng ý cho Thịnh đào mương thì xã cũng không có kinh phí để hỗ trợ... Tóm lại là khó khăn, mình ông không quyết được mà phải bàn bạc với lãnh đạo xã và tổ chức họp dân. Thịnh tha thiết:

- Chỉ cần bác đồng ý thì em tin các bác ấy cũng đồng ý. Kinh phí thì em tự hạch toán, tiền bán keo đận vừa rồi em chưa dùng hết, còn để lo cho cái vụ nước nôi này. Thiếu đâu, bác lại ký cho em cái chữ, cộp cho em con dấu, em ra ngân hàng. Nếu không vợ con em nó chết đói mất.

Phải mất đến bốn, năm cuộc họp bàn của lãnh đạo xã mới đi đến thống nhất quan điểm cho Thịnh mở một đường mương dẫn nước qua Gò Thiều vào đồi keo ven chân đèo Sấu bằng cách tận dụng đường mương dẫn nước hiện có, mở rộng, khơi thông dòng chảy, đến đoạn vào đồi cây thì mở mới. Chủ trương thì như thế, nhưng khi xuống đến các hộ dân thì bị khựng lại. Lời qua, tiếng lại, hầu hết không đồng ý cho Thịnh đi nhờ mương - mặc dù đó là hệ thống tưới tiêu của xã do thủy nông địa phương quản lý. Có người ác miệng còn tuyên truyền:

- Cho ai làm không cho lại đi cho cái thằng tù tha về làm. Cái mặt nó lấy đâu ra tiền, có mấy hát (hecta) keo của thằng anh nhượng cho mà cũng vênh vang. Không cẩn thận hở ra cái gì là nó lại xoáy mất chứ chả chơi...

***

Người thì bảo: - Ai đời cho nước chảy ngược thế bao giờ, xưa nay chỉ có nước từ trên cao đổ xuống chứ làm gì có nước từ dưới thấp chạy lên mà đào với chả bới. Đúng là hoang tưởng!

...Triệu Tài Thịnh là con thứ 5 trong một gia đình đông con người Dao sống dựa vào măng rừng, mộc nhĩ, củi đóm trên rừng. Lớn lên từng người, từng người lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, bám vào khu rừng đèo Sấu mà sống. Hai vợ chồng Thịnh được cha mẹ dắt ra bãi đất ven suối, dựng cho túp lều, bảo ở đó mà làm ăn. Không vốn liếng, không kiến thức, chỉ có đôi bàn tay, vợ chồng Thịnh trồng được ít lúa nương, vài vạt sắn, thời gian chủ yếu vẫn là leo rừng kiếm gánh củi hoặc bóc măng đi bán lấy tiền tiêu hàng ngày. Ngày vợ Thịnh sinh con, cái thai ngôi ngược phải mổ cấp cứu, Thịnh loay hoay móc các loại túi vẻn vẹn mấy chục bạc nhàu nhĩ. Vò đầu bứt tai không cách nào xoay xở được số tiền lớn tạm ứng cho bệnh viện, Thịnh như người mộng du ngược dốc đèo Sấu về nhà nấu cơm mang xuống viện cho vợ. Gần đến nhà, thấy đàn trâu đang gặm cỏ trong lũng sâu, trong đầu Thịnh loáng lên ý nghĩ bắt trộm một con giấu đi, đợi trời tối dắt ra phố huyện bán cho mấy ông đồ tể. Tối muộn không thấy trâu về chuồng, chủ trâu đốt đuốc huy động người đi tìm. Thịnh đang mò mẫm dắt trâu đi thì bị phát hiện, anh lùa trâu vào góc khuất của hẻm núi đợi đoàn người qua hết rồi mới dắt trâu ra. Ngờ đâu, vừa thò đầu ra khỏi góc núi, Thịnh chồm ngay phải người thanh niên cuối đoàn. Hai bên xô đẩy, giằng co, Thịnh khỏe hơn, lấy hết sức đẩy người thanh niên rồi vùng chạy, chẳng may, người thanh niên trượt chân, đập đầu vào tảng đá dưới chân, máu chảy lênh láng, hòa cả vào nước suối. Đoàn người nghe tiếng xô đẩy, la hét bèn quay trở lại, Thịnh đã mất hút vào bóng đêm. Họ kịp đưa người thanh niên xuống bệnh viện huyện. Thoát chết nhưng do mất máu nhiều, lại chấn thương sọ não nên tinh thần của người thanh niên rất hoảng loạn. Hai ngày sau, Thịnh bị bắt và bị xử án ngồi tù 5 năm do tội trộm cắp và đánh người gây thương tật nặng nề.

Những năm tháng trong trại giam, nhớ vợ, thương con, Thịnh ra sức cải tạo, mong được về gặp đứa con mà mình chưa kịp bế nó một lần. Do cải tạo tốt, Thịnh được phạm nhân bình xét và được ban giám thị nhất trí đề nghị lên cấp trên ân giảm. Thịnh ra tù trước thời hạn 6 tháng. Thời gian thụ án, Thịnh được cán bộ quản giáo truyền đạt kiến thức phổ thông, được học nghề, được lao động chân tay… đủ cho anh ngẫm nghĩ về cuộc đời và có cái nhìn mới về cuộc sống. Về bản, bà con vẫn e ngại, chưa chấp nhận Thịnh, những ngày đầu Thịnh nằm lỳ ở nhà, không chịu đi đâu vì sợ những ánh mắt mai mỉa sắc như dao mài đá cùng những lời nói cay hơn ớt của người lớn, trẻ con trong vùng. Sợ thằng em mặc cảm tội lỗi, người anh cả gọi Thịnh đến giao cho 2 hecta keo mà anh mới nhận hợp đồng chăm sóc với huyện cho em quản lý. Hàng ngày Thịnh lầm lũi trên nương, phạt cây, cuốc góc mở rộng diện tích trồng quế và keo lá chàm. Căn nhà ven suối cũng được dỡ đi mang lên đồi dựng làm nơi ở cho cả nhà. Thỉnh thoảng cán bộ xã ghé qua, chỉ cho Thịnh cách thức chăm sóc, bảo vệ rừng. Họ còn cho Thịnh tạm ứng phân và giống cây để anh đầu tư cho rừng cây của mình. Dần dần, anh bớt mặc cảm, đã ra huyện, xuống phố mỗi khi cần. Thấy Thịnh chăm chỉ làm ăn, lại biết ăn năn hối cải, năm trước, năm sau, cán bộ xã đề nghị với huyện cho Thịnh hợp đồng chăm sóc thêm một số diện tích mới để anh có công ăn việc làm ổn định. Có nương bãi rộng, Thịnh thả gà, vịt, nuôi hàng đàn chó… vợ anh không đi hái măng, hái củi nữa mà đã biết chăm đàn gia cầm ngày một đông đàn. Mỗi chuyến đi chợ của vợ Thịnh không còn là gánh củi, bao măng nữa mà đã là gà, chó cung cấp cho dân phố. Thu nhập được tích lũy dần, đồi cây phát triển, đến kỳ thu hoạch, vợ chồng Thịnh đã có bát ăn, bát để. Đến vụ trồng cây mới, Thịnh vào bản thuê thanh niên đến làm công cho mình. Nhiều lần thu gom lá, cành quế trên rừng mang sang Gò Thiều bán cho mấy ông chủ lò sản xuất tinh dầu quế, Thịnh lân la học cách chế biến tinh dầu và mơ ước sau này anh cũng có thể mở được một cái lò nho nhỏ. Những ông chủ lò quế thấy Thịnh hay lam hay làm, lại xởi lởi nên cũng tận tình giảng giải. Bao nhiêu sản phẩm phụ từ quế của Thịnh mang qua đều được họ thu mua hết và thanh toán sòng phẳng.

***

...Thời gian trôi nhanh. Mới ngày nào ra trại, hai bàn tay trắng, con nhỏ, vợ dại, Thịnh chỉ biết thầm trách mình để vợ con nheo nhóc. Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ xã mà anh đã vượt qua mọi rào cản, mạnh dạn bước ra ngoài xã hội.

...Tưởng mọi thứ đã đâu vào đấy, nào ngờ ông trời còn thử thách lòng kiên nhẫn của con người. Mấy hecta keo ven chân đèo Sấu đang rủ lá khiến lòng Thịnh như có lửa đốt. Chưa được sự đồng ý của nông dân trong vùng cho dẫn nước từ hồ Ly vào đồi nên Thịnh ngơ ngẩn. Ngày nào anh cũng lang thang trên đồi, mò mẫm đến khắp các hang cùng, ngách hiểm của vùng đèo Sấu này, hy vọng kiếm được nguồn nước suối dẫn về đồi. Một chiều trời đã nhá nhem, Thịnh mới xuống núi. Đang dò dẫm chống gậy dò đường, Thịnh nghe có tiếng rên rỉ và tiếng thở dốc nặng nề đâu đó. Thịnh bật chiếc đèn pin gắn trước mũ, hướng về phía có tiếng động lạ, bước tới. Một thân người nằm co quắp, hai tay ôm chặt một bên chân. Thịnh lao vội tới, dọi đèn, phát hiện ra  đứa con gái chừng 11 tuổi đạp phải bẫy thú của người dân trong vùng, chiếc lù cở đổ nghiêng bên cạnh cùng với ít rau, củ rừng vương vãi xung quanh. Thịnh vung dao chặt đứt dây bẫy và gỡ chân cô bé ra khỏi bẫy, cô bé thở khò khè, nói không ra hơi:

- Cứu... cứu... đau...

Rồi lịm đi. Máu đã sánh đen nơi cổ chân cô bé. Chắc là do kêu cứu quá nhiều nên nó kiệt sức. Thịnh xốc nó lên vai, lần đường xuống núi đến trạm xá xã. Ga rô cầm máu và cho đứa bé uống hộp sữa tươi xong Thịnh lại cùng y tá xã đưa nó về bệnh viện huyện. Được cấp cứu tích cực, cô bé đã hồi tỉnh nhanh chóng và cho biết mình là con gái trưởng bản Ngọt trên Trung Sơn. Thịnh lại một mình ngược núi đến nhà báo tin cho gia đình đứa bé bị nạn. Về đến nhà đã nửa đêm. Buồng trong vang tiếng thở dài và tiếng trở mình nặng trĩu của vợ Thịnh. Chùi chân vào chiếc chổi chít, anh lẳng lặng leo lên giường mặc cho cái bụng sôi réo ùng ục.

Hai ngày sau, Chủ tịch xã Đinh Công Đốc và trưởng bản Gò Thiều gọi Thịnh tới, cho biết bà con đã đồng ý cho anh đi nhờ đường mương để dẫn nước vào đồi, bà con giúp công nạo vét kênh còn khoảng hai ki lô mét đào mới thì Thịnh phải đầu tư toàn bộ. Ông Lý A Thắng - chủ lò tinh dầu quế hứa cho Thịnh vay toàn bộ tiền công làm mới tuyến mương này. Hoàn thiện toàn tuyến, mỗi tuần xã sẽ cho phép Thịnh được mở nước hai lần.

Thịnh mang dự án làm mương ra ngân hàng vay vốn. Ngày khởi công công trình, cả bản Gò Thiều kéo đến xem. Cánh thanh niên vừa làm việc vừa chòng ghẹo nhau ồn ào không dứt. Mấy mế già nhai trầu bỏm bẻm, mang nước uống đặt dưới bóng cây. Trời vẫn nắng chang chang nhưng dường như không mấy ai để ý tới. Họ vẫn vừa làm, vừa trò chuyện, hò hát đối đáp vui vẻ, vang xa cả vùng báo hiệu sự hồi sinh đang trở lại trên những cánh rừng.

Dòng nước ngược đã được mở. Chuyện trước giờ ở bản Dao này chưa từng thấy xuất hiện, bây giờ đã thành hiện thực.

Truyện ngắn của Vũ Kim Liên
Bình luận
Back To Top