ĐBP - Sáng nay (22/12), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp tổng kết công tác VHTTDL năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.
Năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn do lạm phát tăng mạnh ở nhiều quốc gia, việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn, thị trường khách du lịch quốc tế bị thu hẹp, thiếu hụt cục bộ nguồn nhân lực lao động trong lĩnh vực du lịch, các hoạt động giao lưu, hợp tác phát triển văn hóa còn hạn chế… đã ảnh hưởng tới công tác triển khai nhiệm vụ của ngành. Song với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, toàn ngành VHTTDL triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chủ đề công tác năm 2022: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Điểm nhấn là trong năm Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3; thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4; phối hợp trình dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 03 nghị định, Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền 11 thông tư. Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh để lại nhiều dấu ấn về công tác tổ chức, chuyên môn. Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, khách nội địa ước đạt 101 triệu lượt (vượt xa chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu đã tham gia ý kiến nhằm làm rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ trong năm; từ đó đề xuất giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể như, việc tham mưu chính sách, giải pháp quản lý Nhà nước trong một số trường hợp còn bị động, tổ chức triển khai thiếu quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc có nơi chưa nghiêm, có tình trạng cán bộ vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương, ghi nhận nỗ lực và kết quả của toàn ngành VHTTDL trong năm 2022; đồng thời nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các loại dịch bệnh; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, Ngành VHTTDL cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”, tiếp tục triển khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã đề ra…