Phim về đề tài chiến tranh, cách mạng: Cần thêm cơ hội tiếp cận với công chúng

15:11 - Thứ Hai, 26/12/2022 Lượt xem: 6468 In bài viết

Nhiều bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng hấp dẫn của điện ảnh Việt Nam được sản xuất trong hơn một thập niên qua vừa tái ra mắt khán giả Thủ đô trong Tuần phim kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022). Việc tổ chức sự kiện này giúp những bộ phim do Nhà nước đặt hàng đến với công chúng một cách rộng rãi hơn.

Cảnh phim “Những người viết huyền thoại”.

Nhắc nhớ truyền thống

Từ ngày 18 đến ngày 21-12 vừa qua, Điện ảnh Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Điện ảnh tổ chức Tuần phim Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022) và 33 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2022). Các phim được chọn trình chiếu bao gồm: “Người trở về” - đạo diễn Đặng Thái Huyền; “Bình minh đỏ” - đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân; “Đừng đốt” - đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh; “Truyền thuyết về Quán Tiên” - đạo diễn Đinh Tuấn Vũ; “Những người viết huyền thoại” - đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng; “Mùi cỏ cháy” - đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hữu Mười; “Lính chiến” - đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà.

Cùng thời gian này, Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với một số công ty điện ảnh và các đơn vị liên quan cũng tổ chức Tuần phim kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam trong phạm vi cả nước (từ ngày 18 đến ngày 25-12). Các phim được chọn chiếu gồm phim truyện "Thạch Thảo", phim tài liệu "Cha tôi và đồng đội" và "Kẻ thù của tôi, bạn của tôi", phim hoạt hình "Chiến binh mèo mũi đỏ".

Các tác phẩm điện ảnh được chọn đều hướng tới đề tài trung tâm là chiến tranh, cách mạng và hậu chiến. Qua đó, hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được khắc họa rõ nét, đẹp và sống động. Trong các cuộc kháng chiến, họ đã dành cả tuổi thanh xuân để chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi hòa bình, họ lại cùng chung tay xây dựng đất nước, xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Việc chiếu lại các bộ phim nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Lịch sử của người Việt gần như là lịch sử về những cuộc chiến tranh. Những năm gần đây, hầu như không có phim lịch sử hoặc chiến tranh mới nào được làm. Việc chiếu lại những phim cũ về đề tài này là cần thiết, giúp nhiều người Việt thực sự hiểu ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta sẽ đi về đâu? - điều mà nhiều người có vẻ đang quên”.

Cần có nhiều cơ hội hơn

Từ lâu, các tuần phim đã trở thành hoạt động văn hóa nghệ thuật không thể thiếu trong các dịp kỷ niệm. Theo đại diện Điện ảnh Quân đội nhân dân: Trong bối cảnh Điện ảnh Việt Nam gần đây thiếu vắng những tác phẩm về đề tài chiến tranh, cách mạng, hậu chiến, thông qua tuần phim, Điện ảnh Quân đội nhân dân mong muốn tôn vinh lịch sử vẻ vang, truyền thống trung với Đảng, hiếu với dân, vì nhân dân quên mình của Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc tổ chức sự kiện này góp phần khẳng định sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý văn hóa trong việc đầu tư, phát triển dòng phim này trong giai đoạn đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước.

Tuy nhiên, nếu chỉ chờ vào những tuần phim thì cơ hội đến với khán giả của những bộ phim về đề tài chiến tranh, cách mạng, nhất là những bộ phim được Nhà nước đầu tư sản xuất sẽ rất ít ỏi. Khán giả khó tiếp cận những bộ phim này bởi nhiều phim không được phát hành trên hệ thống chiếu phim thương mại, không được khai thác trực tuyến.

Hiện nay, Cục Điện ảnh đang xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”. Theo báo cáo của Cục: “Đây sẽ là trung tâm chính thống của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam, gồm các thể loại phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình..., trở thành nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim do Nhà nước đầu tư đặt hàng sản xuất; là địa chỉ giới thiệu các tác phẩm điện ảnh Việt Nam một cách chính thống đến kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam...”.

Đánh giá về Đề án này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng: “Chúng ta cần sớm có một trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến để vừa đáp ứng nhu cầu, vừa tạo cơ hội cho công chúng yêu điện ảnh Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong từng giai đoạn lịch sử. Cùng với những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh, cách mạng, những tác phẩm điện ảnh sống mãi với thời gian thì cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh cũng cần đề cao vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, trong xu thế xã hội hóa mạnh mẽ của điện ảnh...”.

Nhìn lại những bộ phim được trình chiếu ở các tuần lễ phim, có thể thấy đó là những phim có chất lượng tốt, được giới phê bình đánh giá cao. Chính vì vậy, khán giả mong muốn có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận những bộ phim có giá trị này, chứ không phải chỉ chờ dịp “đến hẹn lại lên”.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top