Quản lý chặt chẽ việc cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình xuyên biên giới

15:44 - Thứ Sáu, 06/01/2023 Lượt xem: 6313 In bài viết

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), kể từ ngày 1-1-2023, cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ căn cứ pháp lý để quản lý tốt các dịch vụ cung cấp phim và chương trình phát thanh, truyền hình theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam.

Đã có đủ căn cứ pháp lý để quản lý việc cung cấp phim và chương trình phát thanh, truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam. Nguồn ảnh Internet

Cụ thể, Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2023, theo đó, các doanh nghiệp chỉ có hoạt động phổ biến phim, được quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Điện ảnh, sẽ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Điện ảnh. Khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh.

Ngày 31-12-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Theo đó, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định chi tiết về hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Các doanh nghiệp căn cứ quy định tại Luật Điện ảnh và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP để thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam.

Ngày 30-12-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo. Nghị định 128/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-2-2023.

Căn cứ Luật Điện ảnh 2022, Nghị định số 128/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành để sửa đổi, bổ sung một số quy định xử phạt liên quan đến các hành vi vi phạm về điện ảnh, trong đó có các hành vi vi phạm quy định về phổ biến phim trên không gian mạng.

Trước đó, ngày 1-10-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18-1-2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Theo đó, các doanh nghiệp không cung cấp kênh chương trình phát thanh, truyền hình, chỉ cung cấp các chương trình phát thanh, truyền hình, chương trình tin tức, thời sự, thể thao, giải trí và phim đã được quy định tại Khoản 1 Điều 20a Nghị định số 06/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP là đối tượng phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.

Như vậy, kể từ ngày 1-1-2023, cơ quan quản lý nhà nước đã có đầy đủ căn cứ pháp lý (Luật Điện ảnh, các nghị định (71/2022/NĐ-CP, 128/2022/NĐ-CP, 131/2022/NĐ-CP) để quản lý tốt các dịch vụ cung cấp phim và chương trình phát thanh, truyền hình trên mạng internet, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tới người dùng Việt Nam, như: Netflix; Apple; Amazon; Tencent; IQIYI và Công ty Hồ Nam Happy Sunshine Interactive Entertainment Media.

Để phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ các quy định mới đã có hiệu lực thi hành, ngày 5-1-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi các doanh nghiệp nước ngoài nêu trên yêu cầu báo cáo kế hoạch thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trước ngày 15-1-2023.

Công văn cũng nêu rõ, trường hợp doanh nghiệp tiếp tục duy trì cung cấp dịch vụ như hiện nay và không tuân thủ quy định tại Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7-10-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top