Sôi nổi hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở

08:35 - Thứ Bảy, 07/01/2023 Lượt xem: 6266 In bài viết

ĐBP - Những ngày đầu năm 2023, không khí tại TX. Mường Lay không chỉ náo nhiệt bởi hoạt động của Lễ hội Đua thuyền đuôi én, mà còn rất rộn ràng bởi các chương trình biểu diễn nghệ thuật với những lời ca, điệu múa đặc sắc. Các buổi biểu diễn nghệ thuật với sự góp mặt của các đội văn nghệ quần chúng trên địa bàn thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến thưởng thức.

Các đội văn nghệ quần chúng huyện Tủa Chùa biểu diễn văn hóa, văn nghệ tại chợ đêm Tủa Chùa.

Nội dung các tiết mục được các đội văn nghệ thể hiện sinh động, vui tươi đã tạo được không khí sôi nổi, đoàn kết của nhân dân địa bàn. Không chỉ vào các ngày lễ lớn hay các ngày kỷ niệm, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thị xã cũng tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ gắn với những ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của địa phương, của ngành với nhiều chủ đề phong phú. Với từng chủ đề đêm diễn, các đơn vị đều có sự đầu tư kỹ về mọi mặt từ nội dung, diễn xuất đến trang phục đạo cụ… Nhiều đơn vị đã xây dựng các chương trình, tác phẩm giới thiệu nét văn hoá đặc sắc của từng dân tộc được biểu diễn dưới các hình thức ca múa nhạc, tiểu phẩm, hài kịch… tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.

Huyện Tủa Chùa cũng là một trong những địa phương chú trọng triển khai các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, đơn vị chuyên môn, đến nay, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện phát triển khá mạnh mẽ. 100% xã, thị trấn có đội văn nghệ và hoạt động thường xuyên. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 12 đội văn nghệ xã, thị trấn và 108 đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố; với tổng số 1.122 hội viên. Nhiều đội văn nghệ đang hoạt động hiệu quả, góp phần không nhỏ xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo sự đoàn kết, gắn bó và thấu hiểu lẫn nhau trong cộng đồng.

Điển hình là đội văn nghệ tổ dân phố Tân Phong, thị trấn Tủa Chùa. Đội có 30 thành viên tham gia sinh hoạt; phần lớn thành viên là dân tộc Thái và chủ yếu làm nông nghiệp. Bởi vậy, cứ đến lịch tập, các thành viên lại cùng nhau vui vẻ tập luyện múa, hát. Ngoài tập luyện, sinh hoạt văn nghệ thường xuyên tại nhà văn hóa và phục vụ nhân dân những dịp đầu xuân năm mới, các ngày lễ; đội còn tham dự liên hoan, hội diễn do huyện, thị trấn tổ chức. Những tiết mục của đội đều tự dàn dựng với nội dung phong phú, đa dạng; ca ngợi Đảng, Bác Hồ; xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới...

Chị Mào Thị Thu, đội trưởng đội văn nghệ tổ dân phố Tân Phong cho biết: Các buổi sinh hoạt của các đội văn nghệ được duy trì thường xuyên tại nhà văn hóa tổ dân phố theo định kỳ. Vào các dịp lễ, tết hay trước sự kiện quan trọng, các thành viên trong đội lại bố trí thời gian tập luyện những bài hát, điệu múa truyền thống để phục vụ người dân. Ngoài nguồn kinh phí được hỗ trợ, thành viên trong đội văn nghệ tự nguyện đóng góp kinh phí mua trang phục, đạo cụ phục vụ các buổi biểu diễn.

Không chỉ ở TX. Mường Lay, huyện Tủa Chùa mà tại các huyện, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã có sự phát triển rất sôi nổi, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các mô hình đội văn nghệ quần chúng được duy trì và nhân rộng ở nhiều địa phương; hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đã và đang khẳng định chỗ đứng quan trọng trong đời sống tinh thần nhân dân. Đến nay toàn tỉnh có hơn 1.000 đội văn nghệ quần chúng ở thôn, bản, tổ dân phố. Mỗi đội từ 20 đến 30 hạt nhân văn nghệ là các diễn viên không chuyên, cán bộ nghỉ hưu, đoàn viên, thanh niên, người lao động. Trung bình hàng năm, các đội văn nghệ quần chúng tham gia khoảng 4.000 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân và tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ từ tỉnh xuống cơ sở.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở diễn ra sôi nổi, ngày càng rộng khắp; qua đó mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Với nội dung bình dị, gần gũi, bám sát đời sống, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; vừa tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Để phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng lan tỏa sâu rộng, tỉnh Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc tham gia phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Quan tâm, duy trì, kiện toàn các đội văn nghệ quần chúng; tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động văn nghệ quần chúng, liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình văn nghệ quần chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top