Xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở

07:55 - Thứ Năm, 12/01/2023 Lượt xem: 6057 In bài viết

ĐBP - Hệ thống thiết chế văn hóa (TCVH) cơ sở còn thiếu và chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Những năm qua, tỉnh ta đã linh hoạt các giải pháp, nguồn vốn để đầu tư, hoàn thiện hệ thống TCVH ở cơ sở, góp phần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của Nhân dân.

Công an huyện Điện Biên Đông là đơn vị tài trợ chính xây dựng nhà văn hóa bản Pá Nậm, xã Chiềng Sơ. Trong ảnh: Cán bộ Công an huyện Điện Biên Đông gắn biển khánh thành nhà văn hóa bản Pá Nậm.

Đến nay, toàn tỉnh có 1 Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh (nay đã sáp nhập và thành lập, đổi tên thành Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh); 10/10 huyện, thị xã, thành phố có TCVH, thể thao cấp huyện; 98/129 xã, phường, thị trấn có nhà Văn hóa, khu thể thao; 717/1.441 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao.

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: Trong những năm qua, tỉnh ta đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển hệ thống TCVH, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe của Nhân dân. Về cơ bản việc thực hiện tiêu chí về TCVH, thể thao các cấp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã được quan tâm; nhiều TCVH, thể thao cơ sở được đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, hoạt động có hiệu quả, phát huy tốt công năng sử dụng. Nội dung hoạt động từng bước có sự phong phú, đa dạng, gắn bó thiết thực với cộng đồng dân cư. Đây vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt chi bộ Đảng, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể Nhân dân ở địa bàn, vừa là nơi quán triệt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội; phổ biến thời sự, khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền giáo dục lối sống, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; triển khai các vấn đề về bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng gia đình, thôn bản văn hóa, tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan; tập luyện giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp linh hoạt để hoàn thiện hệ thống TCVH ở cơ sở như: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương; rà soát quy hoạch, nguồn lực và tổ chức bộ máy của hệ thống TCVH từ tỉnh đến cơ sở; đổi mới phương thức tổ chức, quản lý; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và toàn thể người dân về vị trí, vai trò của TCVH... Đặc biệt, chính quyền các cấp đã tăng cường lồng ghép nguồn vốn và tích cực huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống TCVH, thể thao, nhất là ở cơ sở. Trong đó tăng cường vận động các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức phi chính phủ và Nhân dân đóng góp cùng sự hỗ trợ của ngân sách xây dựng Nhà văn hóa, Khu thể thao và điểm vui chơi trẻ em tại thôn, bản, tổ dân phố.

Do thiếu nhà văn hóa, nhiều năm qua, mọi hoạt động hội họp và sinh hoạt văn hóa của thôn Tân Phong (xã Mường Báng nay là thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) đều được tổ chức tại nhà trưởng thôn. Không gian chật hẹp, trang thiết bị không được đầu tư đã hạn chế số lượng người dân tham gia sinh hoạt, đồng thời khiến chất lượng các hoạt động không cao. Chính vì vậy, xây dựng nhà văn hóa thôn là mong muốn của người dân thôn Tân Phong. Tuy nhiên, do thôn thiếu quỹ đất và nguồn kinh phí nên việc xây dựng nhà văn hóa chưa thể thực hiện. Năm 2020, bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Nhà văn hóa xã Mường Báng được đầu tư xây dựng trên địa phận thôn Tân Phong. Để giải quyết vấn để thiếu nhà văn hóa của thôn Tân Phong, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo UBND thị trấn Tủa Chùa và xã Mường Báng phối hợp, bàn bạc và thống nhất để người dân thôn Tân Phong sử dụng nhà văn hóa xã Mường Báng là địa điểm tổ chức các buổi sinh hoạt thôn và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Ông Lò Văn Dón, Trưởng thôn Tân Phong cho biết: Hiện nay người dân thôn Tân Phong đã có địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt, họp chi bộ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ với cơ sở vật chất khang trang, thiết bị được đầu tư hiện đại.

Huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, bản là một nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện thiết chế văn hóa đã và đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Điện Biên Đông là huyện đi đầu và thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa thôn, bản. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông, năm 2022 toàn huyện đã có 21 nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát, thống kê các bản chưa có nhà văn hóa, đồng thời đánh giá tiềm năng, khả năng huy động xã hội hóa của từng bản để xây dựng kế hoạch xây dựng nhà văn hóa bản. Trên cơ sở đó, UBND huyện đặt mục tiêu xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa bản cho từng năm. Các phòng, ban của huyện có trách nhiệm hỗ trợ các xã, thôn bản trong việc kết nối, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa. UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền vận động người dân các bản đồng thuận với chủ trương xây dựng nhà văn hóa bản bằng nguồn xã hội hóa, nhất là vận động người dân hiến đất; trích nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng của bản và đóng góp tiền, công lao động để xây dựng nhà văn hóa.

Năm 2022, xã Luân Giói có 5/21 nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Tổng nguồn kinh phí huy động khoảng trên 1 tỷ đồng, bao gồm: Nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài huyện; người dân hiến đất xây dựng nhà văn hóa và góp công lao động.

Bà Lò Thị Quyên, Chủ tịch UBND xã Luân Giói cho biết: Xây dựng nhà văn hóa thôn bản là chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện tiêu chí số 6 trong xây dựng nông thôn mới. UBND xã đã tiến hành rà soát, phân loại các bản có khả năng huy động sức dân để xây dựng nhà văn hóa, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện. Một mặt, các tổ công tác của xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa. Mặt khác, UBND xã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban của huyện để kêu gọi, huy động kinh phí để đầu tư xây dựng nhà văn hóa. Sau 1 năm nỗ lực, xã Luân Giói đã hoàn thành và đưa vào sửa dựng 5 nhà văn hóa thôn bản với 100% kinh phí xã hội hóa, nâng tổng số nhà văn hóa thôn bản toàn xã lên 12/14 nhà văn hóa. Năm 2023, xã Luân Giói tiếp tục phấn đấu hoàn thành nốt 2 nhà văn hóa thôn bản còn lại, qua đó đạt chuẩn tiêu chí số 6 về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top