Nhìn lại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc

07:41 - Thứ Sáu, 13/01/2023 Lượt xem: 6093 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng...

Ban Tổ chức trao giải cho các thí sinh xuất sắc trong cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” năm 2022.

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước” được triển khai tới học sinh từ bậc tiểu học đến THPT, sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi nhằm lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ; tích cực trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong nhà trường, cộng đồng; dần hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm nay là lần thứ 2 tổ chức tại tỉnh với hình thức thi viết hoặc dựng video clip. Thí sinh dự thi bằng cách gửi bài thi theo đơn vị đăng ký dự thi hoặc gửi bài dự thi độc lập. Thời gian triển khai cuộc thi tại các trường và cơ sở giáo dục, kể từ ngày 1/5 - 1/6. Trong vòng 1 tháng đã có tổng số 34 trường trên địa bàn tỉnh tham gia với 3.086 bài dự thi (2 bài dự thi được dựng thành video clip)...

Đánh giá về chất lượng bài dự thi năm nay, bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Các thí sinh tham gia dự thi đã tích cực nghiên cứu thể lệ, gửi bài dự thi độc lập, sử dụng các hình thức: Viết và dựng clip hoặc dự thi bằng tác phẩm hội họa. Đa số các bài dự thi đầy đủ 2 câu hỏi được đặt ra trong đề thi, có nội dung lành mạnh, trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam; đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan. Các thí sinh lựa chọn nội dung phù hợp với trình độ, năng khiếu của các em, bài dự thi bám sát câu hỏi, nhiều thí sinh có những chia sẻ rất ấn tượng về cuốn sách yêu thích hay cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống, như em Nguyễn Thành Công, lớp 11B5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hay bài dự thi viết tay công phu, chữ viết đẹp, văn phong trong sáng của em Trần Tuệ Lâm, lớp 5A1, Trường Tiểu học thị trấn Mường Ảng; bài dự thi có kế hoạch phát triển văn hóa đọc có tính khả thi, sát với độ tuổi của em Trần Lâm Anh, lớp 11B5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn; em Lò Nguyễn Uyên Nhi - lớp 9P, Trường THPT Lương Thế Vinh... Kết thúc vòng sơ loại tại tỉnh, Ban Tổ chức trao 2 giải tập thể; 48 giải cá nhân và chuyên đề (3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba, 24 giải khuyến khích và 6 giải chuyên đề...); chọn 10 bài xuất sắc gửi về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham gia vòng chung kết Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc tại Hà Nội và có 2 tác giả đoạt giải.

Bên cạnh mặt đạt được, các bài dự thi vòng sơ khảo cũng không tránh khỏi những mặt hạn chế. Cụ thể như vẫn còn nhiều bài dự thi chất lượng không cao, thiếu sự đầu tư, làm bài sơ sài, văn phong lủng củng, thiếu logic. Một số đơn vị chưa nhiệt tình tham gia, hoặc tham gia nhưng chưa đầu tư đúng mức cho nội dung bài dự thi. Một số bài dự thi vi phạm thể lệ cuộc thi như: Sao chép của nhau, sao chép trên mạng internet, trình bày cẩu thả, không trả lời đủ 2 câu hỏi trong đề thi... Không chỉ vậy, bài dự thi bằng hình thức dựng clip còn ít, chỉ có 2 video clip/tổng số 3.086 bài dự thi. Các bài dự thi bằng hình thức hội họa chất lượng chưa cao, nhiều thí sinh vẽ tranh trên giấy khổ nhỏ, không đảm bảo quy định về kích thước, không có phần thuyết minh ý tưởng... Số lượng bài dự thi sáng tác khuyến đọc còn ít, không có bài dự thi sáng tác khuyến đọc bằng song ngữ. Chất lượng bài dự thi của thí sinh có sự chênh lệch giữa thành phố và các huyện. Chưa thu hút được đối tượng sinh viên các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia.

“Nguyên nhân được Ban Tổ chức xác định là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát động cuộc thi. Việc thông tin rộng rãi nội dung cuộc thi tới học sinh ở một số trường chưa hiệu quả, chưa chủ động khuyến khích học sinh tham gia, nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh không có bài dự thi. Hơn nữa, thời điểm phát động cuộc thi trùng với thời gian ôn thi cuối học kỳ của học sinh, sinh viên nên đã ảnh hưởng tới việc tham gia cuộc thi. Dẫu vậy, vẫn phải nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế một phần nguyên nhân là do mặt bằng trình độ và mức độ cảm thụ các nội dung thông qua việc đọc sách của học sinh ở khu vực miền núi còn có những hạn chế nhất định...” - Bà Lê Thị Hồng Ngọc cho biết thêm.

Có thể thấy rằng, dù còn không ít những khó khăn nhưng cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” năm 2022 đã cơ bản thành công, đạt được những mục đích đề ra ban đầu. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm đam mê đọc sách với lứa tuổi thanh, thiếu niên, nhi đồng, dần hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top