Mùa may áo mới

09:17 - Chủ Nhật, 15/01/2023 Lượt xem: 4884 In bài viết

ĐBP - Về các bản vùng cao Điện Biên Đông mùa này, đâu đâu cũng rộn tiếng máy may. Chị em người Mông đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng trên bộ trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình mặc đi chơi tết. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 12, tháng 1 dương lịch, ở các bản vùng cao Điện Biên Đông lại rộn ràng vào mùa may áo mới.

Chị Mùa Thị Da, bản Háng Pu Xi, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) hoàn thiện chiếc áo mới cho con gái diện trong ngày tết.

Không giống như miền xuôi, những ngày giáp tết họ thường đến những cửa hàng, hiệu may để sắm cho mình bộ trang phục ưng ý đi chơi tết, phụ nữ dân tộc vùng cao Điện Biên Đông thường tự tay làm những bộ trang phục truyền thống cho cả gia đình. Đó cũng là một phong tục truyền thống lâu đời. Sau mỗi vụ mùa, khi gió heo may tràn về cũng là lúc phụ nữ Mông tụm năm, tụm ba bên hiên nhà để thêu thùa, may vá. Những đôi chân nhịp nhàng đạp máy và đôi tay thoăn thoắt nhịp thêu đã trở thành quen thuộc.

Nhiều ngày nay, gia đình chị Mùa Thị Da ở bản Háng Pu Xi, xã Phì Nhừ luôn rộn ràng tiếng máy may. Đây là công đoạn cuối cùng để hoàn tất một bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Để hoàn thiện một bộ trang phục như thế, chị phải mất tới gần 1 năm, phần lớn là dành cho việc thêu các họa tiết hoa văn trên tay áo, cổ áo và phần thân váy. Chăm chú, tỉ mẩn từng đường may trên thân áo cho con gái, chị Da chia sẻ với chúng tôi: Như dòng máu chảy trong cơ thể, mỗi thiếu nữ Mông cứ lên 10 tuổi là xem bà, xem mẹ thêu, rồi cứ thế học hỏi, hình thành thói quen. Cũng không có khuôn mẫu nào, chính vì thế các đường nét hoa văn phụ thuộc vào sự sáng tạo của mỗi người.

Với người dân tộc Mông, ngoài chuộng các màu sắc sặc sỡ, thì họ rất coi trọng chi tiết. Những chi tiết hoa văn trên bộ trang phục độc đáo, tinh xảo và thể hiện rõ sự sáng tạo, khéo léo của người phụ nữ làm ra nó. Bộ trang phục nam giới thường đơn giản hơn, với quần đen và áo may bằng mảnh vải đơn sắc. Điểm nhấn của chiếc áo nam là hàng cúc áo với nhiều cúc xếp dày, khuy áo được làm hoàn toàn bằng tay.

Trang phục của phụ nữ người Mông ở Điện Biên Đông có những màu sắc rất rực rỡ. Người Mông yêu thích những gam màu nổi bật, do vậy trang phục của họ nhìn rất bắt mắt... Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ Mông đã không còn tự xe lanh, dệt vải; phần thân áo được may bằng vải đơn sắc do chị em mua sẵn ở chợ về. Vải may áo, váy có thể có hoa văn in chìm, chứ không in hoa văn to hay họa tiết màu đậm. Song phần cổ áo, tay áo và toàn bộ phần thân váy vẫn bắt buộc phải được thêu tay hoàn toàn, đó chính là nét riêng biệt của trang phục phụ nữ Mông. Bộ váy áo có nổi bật, có tinh tế hay không là nhờ vào tài nghệ phối màu chỉ, thêu các hoa văn, cùng những đường nét thêu tay tinh tế của mỗi người thêu.

Thiếu nữ Mông xã Phìn Hồ xúng xính váy áo mới đi hội xuân. Ảnh: Trần Dũng

Chị Da cho biết: “So với áo, thì chiếc váy xòe của người phụ nữ Mông phức tạp và mất nhiều công sức hơn. Thân váy được thêu và hoàn thiện trước, cuối năm là may áo. Với chiếc áo, chỉ tập trung chủ yếu làm cổ áo và tay áo. Sau khi phần thân áo được may xong mình bắt đầu gắn phần cổ áo và tay áo đã thêu vào thân áo để hoàn thiện”.

Bên cạnh nhà chị Da là nhà chị Hờ Thị Mỷ. Chị Mỷ cũng đang cần mẫn với những đường kim mũi chỉ cuối cùng để hoàn thành chiếc áo cho chồng. Chị Mỷ tâm sự: Trước thì có mẹ hỗ trợ, giờ mẹ già mắt kém rồi nên việc may trang phục của cả gia đình chỉ còn một mình làm. Vì cả năm thêu họa tiết hết rồi, nên giờ may thì nhanh thôi. Nhưng cũng phải mất đến cả tháng, vì nhà đông người, mà mỗi người phải có ít nhất một bộ quần áo mới.

Cũng như Phì Nhừ, trên địa bàn các xã: Noong U, Keo Lôm, Tìa Dình... thời điểm này đều rỗn rã tiếng máy may. Tận mắt chứng kiến cách phụ nữ Mông làm ra những bộ trang phục truyền thống mới thấy đây chẳng khác nào một “công trình nghệ thuật”. Điều đặc biệt ở đây là những hoa văn này không được vẽ tạo hình trước khi thêu như thông thường, mà phụ nữ Mông thường thêu các họa tiết lên váy, áo theo trí tưởng tượng, sáng tạo của mình trên từng đường kim mũi chỉ. Chính vì thế mà những nét hoa văn trên trang phục truyền thống của họ bao giờ cũng mang nét riêng biệt.

Không khí chuẩn bị đón tết đã nhộn nhịp khắp các thôn bản. Trong câu chuyện cuối năm, ông Lý A Nù, Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc xã Noong U phấn khởi cho biết: Giờ cây ngô, cây đỗ đều đã thu hoạch hết; thóc lúa cũng chất đầy bồ nên nhà nào, nhà nấy có nhiều thời gian rảnh. Xã Noong U có 4 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 70%. Các dân tộc sống hòa đồng và gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng của mình. Vào dịp này, phụ nữ các gia đình đang tập trung may thêu trang phục truyền thống để chơi tết.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top