ĐBP - Trong tiến trình lịch sử, cộng đồng người Lào đã sáng tạo và xây dựng được những điệu múa đặc sắc, thể hiện trình độ, tư duy và nghệ thuật sáng tạo của dân tộc mình, góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa của các dân tộc Điện Biên nói riêng, Việt Nam nói chung. Ý thức được điều đó, những năm trở lại đây, nhiều giải pháp đã được triển khai cùng với cộng đồng người Lào gìn giữ, phát huy, để những nét tinh hoa văn hóa còn mãi với thời gian…
Đắm say điệu múa Lào
Chúng tôi có dịp về bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên - nơi sinh sống quần cư đồng bào dân tộc Lào. Nằm yên bình bên dòng Nậm Núa, người Lào ở đây vẫn giữ được những nét truyền thống xa xưa, từ trang phục, tập quán… và đặc biệt là những điệu múa đắm say lòng người. Hôm nay là ngày may mắn với chúng tôi khi được chứng kiến đội văn nghệ của bản luyện tập chuẩn bị cho ngày hội sắp tới. Sau khi hoàn tất việc sửa soạn trang phục, 9 thành viên trong đội văn nghệ nhanh chóng hòa mình vào tiếng nhạc… Các điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhạc, động tác mềm mại nhưng không kém phần sôi nổi. Điểm ấn tượng trong nghệ thuật múa của người Lào là phần thân và cổ tay, ngón tay, tạo ra tuyến cong lượn. Cùng với đó là các động tác chuyển động mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển. Chân cứ ba bước tiến một bước lùi, mỗi bước chân đầu gối lại nhún mềm. Khi múa xong hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi xuống…
Theo nhiều người cao tuổi kể lại, nghệ thuật trình diễn múa dân gian là sản phẩm văn hóa đặc sắc, không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Lào. Múa dân gian được thực hành trong dịp tết nguyên đán, trong đám cưới, mừng nhà mới, trong các lễ hội (lễ hội té nước, lễ mừng cơm mới...), các cuộc vui liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa tại thôn, bản và giao lưu hợp tác quốc tế... Điệu múa Lào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trở thành nếp sinh hoạt văn hóa trong mọi mặt đời sống của người Lào, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa dân tộc Lào nói riêng, văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung.
Chứng kiến đội văn nghệ bản Pa Xa Lào luyện tập khiến chúng tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ với bà Lường Thị May, Nghệ nhân ưu tú bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên). Bà hiện là 1 trong 2 nghệ nhân dân tộc Lào vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Bà cũng là người “giữ lửa” cho những điệu múa Lào tiếp tục “cháy” trong mỗi người con của dân tộc mình. Chia sẻ về điệu múa lăm vông - một trong những điệu múa đặc trưng của dân tộc Lào, bà May nói: “Lăm vông đã thấm vào máu chúng tôi từ khi còn rất nhỏ, bởi trong sinh hoạt đời thường đã gắn liền với điệu múa ấy. Đặc biệt khi có dịp vui, ai nấy đều uống một chút rượu lại càng dẻo dai, khéo léo, uyển chuyển. Trong bản này dù là già hay trẻ ai cũng biết lăm vông, mỗi người đều có một năng khiếu khác nhau nên khi thể hiện điệu múa, họ đều có những tư thế xoay, tiến, lùi khác nhau. Mỗi người có một góc thể hiện năng khiếu của mình nên vòng múa lăm vông sẽ rất đa dạng phong phú về các tư thế nhưng chung quy lại vẫn nhịp nhàng theo nền nhạc...”
Những nỗ lực giữ gìn
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nghệ thuật múa của người Lào được thực hành, gìn giữ và phát huy tại 16 bản, thuộc 9 xã của 2 huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. Nghệ thuật trình diễn múa dân gian của người Lào có từ xa xưa, được hình thành, phát triển thông qua lao động, sản xuất, sự giao tiếp của cộng đồng, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau nhưng nhìn chung đều vươn tới khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui quên đi mọi vất vả, khó khăn trong cuộc sống…
Ngày nay, trong xu thế hội nhập của đất nước có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài nên nghệ thuật múa của người Lào trong cuộc sống đương đại đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Nhất là những trở ngại trong trao truyền di sản cho thế hệ trẻ, sự vắng bóng của các nghệ nhân, sức ép của cuộc sống mưu sinh và hội nhập văn hóa toàn cầu. Bên cạnh những điệu múa truyền thống diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại, dẫn đến làm giảm nhu cầu thực hành múa truyền thống. Cùng với đó là sự thay đổi về cách sử dụng âm nhạc trong múa, nhiều nơi đã thay thế nhạc cụ truyền thống trực tiếp bằng âm nhạc điện tử được thu sẵn. Các điệu múa không được thực hành một cách đầy đủ ở các địa phương có người Lào sinh sống. Mặt khác có nhiều điệu múa đến nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về múa và những người cao tuổi, còn lại không được thực hành rộng rãi...
Đứng trước những khó khăn đó, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhà đã có nhiều giải pháp gìn giữ điệu múa Lào truyền thống. Trong đó, tập trung vào tôn vinh các nghệ nhân dân tộc Lào đủ tiêu chí đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú tham gia thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng. Hàng năm tỉnh Điện Biên tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, trong các hoạt động này có phần trình diễn nghệ thuật múa của người Lào được nghệ nhân, chủ thể văn hóa trình diễn, thực hành. Cùng với đó là tổ chức cho nghệ nhân người Lào tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các tỉnh thành trong cả nước.
Không chỉ vậy, đội văn nghệ ở các bản người Lào được thành lập nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc mình. Hiện nay, tại huyện Điện Biên có 7/9 bản đã lập đội văn nghệ; huyện Điện Biên Đông có 6/7 bản có đội văn nghệ. Ngoài ra, hình ảnh, hiện vật về đời sống văn hóa nói chung, nghệ thuật múa của người Lào nói riêng được tổ chức trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng tỉnh và các gian hàng trưng bày trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch. Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, tỉnh đã tổ chức bảo tồn lễ hội té nước (Bun Huột Nặm), lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu Hó)... của người Lào. Tại các lễ hội, các điệu múa truyền thống cũng được cộng đồng thể hiện…
Có thể thấy rằng, mỗi động tác múa đều mang bản sắc, cốt cách văn hóa của người Lào, thể hiện tâm tư, tình cảm, cách ứng xử đẹp của con người với con người, con người với thiên nhiên. Hơn thế, ngày nay nghệ thuật múa của người Lào còn trở thành một trong những dấu hiệu, đặc trưng văn hóa để nhận diện tộc người; không chỉ mang lại giá trị vui chơi giải trí mà nghệ thuật múa còn có tác dụng gắn kết cộng đồng, tinh thần dân tộc được nâng cao, ý thức đoàn kết như được tiếp nối tạo nên sức mạnh toàn diện. Bởi vậy, trong xu thế hội nhập hiện nay, đòi hỏi phải có nhiều hơn nữa các giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật múa dân gian Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa của người Lào tỉnh Điện Biên nói riêng…