Cây di sản chè cổ thụ

07:56 - Thứ Bảy, 21/01/2023 Lượt xem: 6549 In bài viết

ĐBP - Quần thể 100 cây chè shan tuyết tại 2 thôn Sín Chải và Hấu Chua, xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận, vinh danh Cây di sản Việt Nam. Đây là những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm, giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Sín Chải. Việc được công nhận cây di sản đã góp phần khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng loài cây và gen thực vật trên địa bàn tỉnh.

Một góc vườn chè shan tuyết cổ thụ được công nhận cây di sản Việt Nam ở thôn Hấu Chua. Ảnh: Vũ Lợi

Hơn cả một “chứng nhân”

Nằm ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển, thôn Sín Chải và Hấu Chua nổi tiếng với rừng chè shan tuyết cổ thụ, mọc tự nhiên trên núi đá quanh năm mây phủ; nhiều cây có đường kính gốc từ 0,8m - 2m. Với người dân tộc Mông nơi đây, cây chè shan tuyết là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng. Nhờ có cây chè, nhiều gia đình đã thoát nghèo, nuôi được con cái ăn học, sắm sửa các vật dụng trong gia đình. Không chỉ vậy, cây chè shan tuyết cổ thụ còn là tài sản truyền đời mà cha ông trân quý để lại cho thế hệ mai sau.

Quần thể cây chè shan tuyết cổ thụ trên địa bàn xã Sín Chải đã gắn bó, chứng kiến cuộc sống bao đời của người dân tộc Mông nơi đây. Có thể nói, để bảo vệ, gìn giữ và chăm sóc quần thể cây chè có tuổi đời hàng trăm năm là công sức không kể xiết của biết bao thế hệ. Những cây chè đã tạo nên nét cổ kính riêng cho Sín Chải, một cảnh quan độc đáo, gây ấn tượng cho du khách khi đến tham quan. Đồng thời, những cây chè cổ thụ này là chứng nhân qua biết bao thăng trầm với lịch sử của Sín Chải nói riêng và Tủa Chùa nói chung.

Nhắc đến rừng chè shan tuyết cổ thụ, không thể không nhắc đến gia đình ông Hạng A Chư, thôn Hấu Chua, xã Sín Chải. Trong dòng họ, ông Chư là đời thứ 9 thừa kế cây chè. Cùng thế hệ với ông hiện tại ở bản Hấu Chua có hơn 30 người khác cũng được thừa kế cây chè như thế. Hiện nay, gia đình ông Chư đang sở hữu hơn 500 gốc chè shan tuyết cổ thụ. Ông Hạng A Chư cho biết cây chè đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đã có nhiều câu chuyện kể về sức sống mãnh liệt của cây chè shan tuyết cổ thụ, dù ở quanh vườn hay trên núi đá, chè vẫn sống hiên ngang. Cây chè như hiện thân cho sự cần cù lao động, vượt lên khó khăn của bà con người Mông trên mảnh đất cằn cỗi.

Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, những cây chè cổ thụ còn mang lại giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gen. Nhờ có cây chè, nhiều gia đình đã thoát nghèo. Gia đình ông Hạng A Chư là một điển hình trong việc phát triển kinh tế gia đình từ chè shan tuyết với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Huyện nay, toàn huyện Tủa Chùa có khoảng 8.000 cây chè shan tuyết cổ thụ của 286 hộ; trong đó, tập trung tại xã Sín Chải với khoảng 4.000 cây. Sản lượng chè búp tươi thu hái (năm 2021) đạt 75,2 tấn, chè chế biến thành phẩm là 12,5 tấn. Từ năm 2019, huyện Tủa Chùa đã chú trọng phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đại diện lãnh đạo tỉnh Điện Biên và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khánh thành bia cây di sản Việt Nam.

Được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cây chè shan tuyết cổ thụ có cơ hội  quảng bá đến với các tỉnh thành trong nước cũng như quốc tế. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm giúp cho người dân nâng cao thu nhập cũng như phát triển du lịch cộng đồng.

Cần giải pháp quản lý hữu hiệu

Hiện nay việc bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, cũng như nguồn lực thực hiện. Việc chăm sóc, bảo vệ chủ yếu vẫn do người dân thực hiện. Trong khi đó các cây di sản đều là những cây cổ thụ, khi phát sinh sâu bệnh, việc chăm sóc đòi hỏi kĩ thuật và kinh phí lớn, trong khi nguồn lực của dân còn hạn chế. Do đó, cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành và của cả cộng đồng để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây di sản. Việc quản lý Nhà nước hiện nay đối với hạng mục cây di sản còn chưa cụ thể, rõ ràng, chưa phân cấp, phân định cho cơ quan, đơn vị nào đứng ra thực hiện. Điều đáng nói, do không thuộc danh mục Nhà nước quản lý nên cây di sản cũng không được bố trí nguồn kinh phí để phục vụ công tác chăm sóc, bảo tồn. Trong khi để được công nhận cây di sản Việt Nam không hề dễ dàng. Sau khi địa phương khảo sát, lựa chọn, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thành lập hội đồng xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây, xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về văn hóa, lịch sử, xã hội và giáo dục… mất rất nhiều chi phí, thời gian.

Việc công nhận cây di sản Việt Nam là sự kiện có ý nghĩa lớn, là cơ sở để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị mà cây chè shan tuyết cổ thụ mang lại.

Ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Trước mắt để bảo tồn và phát huy giá trị cây chè shan tuyết cổ thụ, huyện đề nghị các cơ quan chuyên môn và UBND xã Sín Chải phối hợp xây dựng kế hoạch, lồng ghép trong các dự án, đề án, kế hoạch theo lĩnh vực. Đặc biệt, đối với người dân xã Sín Chải tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị cây chè bằng cách nhân giống cây con, tiếp tục tăng diện tích, số lượng cây chè. Tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc cây chè, phát triển du lịch; xây dựng các nội dung bảo vệ quần thể cây chè trong quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư.

Công nhận cây di sản là một trong những nỗ lực đóng góp vào sự đa dạng của hệ sinh thái của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng công nhận thôi thì chưa đủ, cần giải pháp bảo vệ và gìn giữ những “danh mộc đại thụ” hữu hiệu để cây di sản thật sự phát huy được giá trị chứ không chỉ đơn thuần là “khoác áo danh hiệu”.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top