Bài học sâu xa từ tục ngữ, thành ngữ về mèo

02:23 - Chủ Nhật, 22/01/2023 Lượt xem: 11865 In bài viết

Nhân dịp đầu xuân Quý Mão xin được nêu lên những lời khuyên dạy sâu xa của người xưa, thông qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân gian về con mèo để chúng ta cùng suy ngẫm.

Mèo vốn là con vật nuôi quen thuộc của nhiều gia đình người Việt Nam, là người bạn thân thiết của con người, mèo còn là con vật đóng góp rất nhiều trong kho tàng văn học Việt Nam bằng ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Từ xa xưa, hình ảnh của mèo với sự nhẹ nhàng, thanh lịch, tế nhị, cái nết ngoan hiền, ăn uống nhỏ nhẹ từ tốn được ví với sự hiền thục của người phụ nữ “Nam thực như hổ, nữ thực như miu” (phụ nữ ăn như mèo). Trong các mối quan hệ giữa con người với con người, sự khiêm nhường là điều vốn quý, bởi trong cuộc sống hay công việc chưa biết “Mèo nào cắn mèo nào”, mà đã lên mặt dạy đời người khác. Câu này dụng ý muốn nói sống trên đời chưa biết ai hơn ai, vì vậy không nên coi thường người khác bởi biết đâu họ hơn mình. Mèo có công bắt chuột, bảo vệ mùa màng, vả lại chuột là món ăn khoái khẩu của mèo, điều này thì ai cũng biết. Vậy mà khi bắt được chuột thì lại tỏ ra thái độ xót thương: “Mèo khóc chuột” thì thật là trớ trêu.

Nếu nói mèo là con vật siêng năng hay lười biếng cũng đúng. Siêng năng thể hiện ở chỗ “Rình như mèo rình chuột”, còn lười biếng là ngủ suốt ngày nên bị coi là hiện thân của sự lười nhác, “Làm như mèo mửa” hay “Mèo nằm xó bếp” cũng vậy. Câu thành ngữ: “Ăn nhạt mới biết thương mèo” là chỉ những người trong cùng cảnh ngộ họ mới biết thương yêu nhau. Với những kẻ tham lam thấy món hời về tiền bạc có khác gì “Như mèo thấy mỡ”. Trong đời có những người làm việc lâu năm trở thành ma mãnh như: “Mèo già hóa cáo”, nhưng cũng có người thì “Mèo già thua gan chuột nhắt”. Những kẻ hay hợm mình, hay khoe khoang thường hay quen thói “Mèo khen mèo dài đuôi”, mà thực ra họ chẳng có tài cán gì. Lại có những người thích chê bai người khác mà không nghĩ đến bản thân mình: “Chó chê mèo lắm lông”, trong khi chó lại nhiều lông hơn mèo. Có người rộng lượng thì cũng có kẻ bủn xỉn “Buộc cổ mèo, treo cổ chó”. Có người thông minh tài trí thì cũng có kẻ đần độn, ngu si, như “Chó khô, mèo lạc”, “Chó gio, mèo mù“. Có người sống trung thực thật thà thì cũng có kẻ ưa xỏ xiên, xỏ lá “chửi chó mắng mèo”, để rồi sinh ra cảnh “Đá mèo, quèo chó”. Người thì minh bạch công khai, kẻ thì kiếm được chỗ béo bở mà vẫn cố giấu thì được gọi là: “Giấu như mèo giấu cứt”. Có người cẩn trọng, có kẻ liều lĩnh dám làm như: “Chuột gặm chân mèo”. Dân gian muốn ám chỉ những kẻ vô lại gặp nhau thì dùng những câu như: “Mèo hoang lại gặp chó hoang/ Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai” hay “Mèo lành ở mả, gái lành chẳng ở hàng cơm”. Xa hơn nữa, nhằm ám chỉ những người đàn bà bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn, nhưng lại khoa trương nọ kia thì dân gian có câu: “Mèo làm ai nỡ cắt tai/ Gái kia chồng bỏ khoe tài làm chi?”. Để nói về hạng người vô lại gặp nhau dân gian có câu: “Mèo mả, gà đồng”. Để ám chỉ các quan lớn thời xưa tham ô của dân tiền bạc nhiều vô kể thì không bị trừng trị, nhưng người dân chỉ ăn trộm quả trứng, con gà thì bị trừng trị nặng “Hùm tha trâu mộng chẳng sao/ Mèo tha con cá đánh trào cá ra”, thật là khổ cho người dân.

Phải khẳng định rằng, mèo là con vật rất gần gũi với con người, tuy nhiên, bên cạnh vẻ đáng yêu, dễ thương thì mèo cũng có một vài “tật xấu”. Tuy vậy mèo vẫn được con người yêu thương, chiều chuộng, từ đó, lối sống của mèo theo năm tháng đã đi vào cuộc sống và kinh nghiệm trong dân gian và đã biến thành những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, những lời ru từ thuở lọt lòng và cả những câu chuyện cổ tích mang tính trào lộng, đầy thú vị.

Võ Hoàng Nam
Bình luận
Back To Top