ĐBP - “Xóm giáo viên - bộ đội”, “xóm mới”, “xóm thanh niên”, “xóm vui vẻ”… Đấy là những cái tên của xóm tôi do mọi người gọi.
Xóm ở ngay trung tâm xã, mấy bước chân là ra đường nhựa, đến ủy ban, chợ, hàng quán… cũng người xe đông đúc mỗi khi xã có sự kiện, hay tết đến xuân về.
Tết năm nay, cả xóm không có nhà nào về quê. Nhà mới sinh đứa thứ hai, nhà vừa đón bố mẹ lên chơi ăn tết biên giới luôn, nhà hai năm liền về tết nội, ngoại, năm nay phải tết quê chung, nhà năm nay nuôi được con lợn đen ngót tạ dành để cả xóm ăn tết…
Đã thành lệ, không nhớ từ tết nào, cả xóm ăn tết chung. Gà gáy hăm tám tháng chạp, tại nhà có con lợn béo tự nuôi, đã nhộn nhịp như có đám. Tiếng lợn éc éc phá tan buốt giá, tiếng nói cười, tiếng hô “giữ bên này”, tiếng giục “sang vườn nhà anh hái rau thơm”… ring ran và vui lan.
Đến trưa thì mâm cỗ dài hết trong nhà, ngoài sân. Phần thịt “đụng” nhà ai nhà ấy đã mang về. Giờ, toàn thể vợ chồng con cái đã đông đủ, chỉ đợi “trưởng tết” có lời khai mạc. Theo “qui định” mỗi nhà sẽ làm trưởng một tết. Năm nay sẽ đến lượt anh Huy (chủ có lợn mổ)… anh Huy đang đứng tít mâm đầu, mọi người đợi nghe… chắc sẽ là… “bốn phương trời chúng ta về đây lập xóm, khó khăn vất vả xa xôi nhưng nghĩa tình tối lửa tắt đèn có nhau thì tin chắc không nơi nào thấm đậm mặn mà hơn”… Đại khái thế, đoán thế vì anh là thầy giáo dạy văn, thỉnh thoảng làm MC đám cưới. Nhưng không, anh lại vào đề luôn - trong không khí đón tết này nhà nào cũng rất vui, bố mẹ công tác tốt, con cái chăm ngoan nền nếp… nhưng vui nhất là nhà cô Vy, có chú Hùng được về tranh thủ - đúng hai ngày, ngày kia lại phải về đồn. Tiếng dừng lại. Lập tức ánh mắt dồn về Hùng… Chú Hùng làm trưởng tết đi… Tiếng là xóm biên giới mà nay mới có đại úy biên phòng về ăn tết… Đúng rồi, đúng rồi, chú Hùng nói đi.
Hùng có lời về tết cổ truyền, ai cũng mong muốn đoàn tụ, xóm ta mỗi người mỗi quê về đây tình quê hương xóm giềng thật cảm động… Em vì điều kiện bộ đội bao nhiêu tết rồi không được chung vui cùng xóm mình, em mong mọi người luôn đậm đà tình cảm xóm biên cương, chúc tất cả xuân mới sức khỏe và thành đạt.
Những tràng vỗ tay không ngớt. Rượu bắt đầu. Chén ngang chén dọc, anh chồng này chúc anh chồng kia, đôi này chúc đôi kia... Bắt tay, lời lời như hoa nở.
Sáng ba mươi, Hùng cùng vợ con đi chúc tết sớm từng nhà và tạm biệt. Ai cũng bảo tiếc quá chú không ở được đến hết tết, nhưng mà nhiệm vụ quân sự… thế cũng rất vui rồi.
Đêm ba mươi, vừa giao thừa xong, cả xóm lại nhộn nhịp. Mở màn là nhà đầu xóm sang nhà bên chúc tết, nhà bên nhận chúc rồi đi cùng luôn vào nhà trong, nhà trong nhập đoàn… cứ thế đoàn chúc tết đông lên, “chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới” vang vang, hết lượt các nhà.
Sau cả ngày mùng một, các nhà đi chúc tết anh em đồng nghiệp, bạn bản (ở xóm khác, bản khác), cả xóm lại… lần lượt ăn tết ở từng nhà. Lịch chia rõ ràng, không chồng chéo, để nhà nào cũng được đón cả xóm đến vui tết nhà mình. Món chung là bánh chưng, dưa hành, giò, nem… từng nhà lại có những món lạ. Nhà này có “thắng cố” nấu ngon như người Mông, vì anh đã 9 năm làm thầy giáo cắm bản ở Sín Thầu; nhà kia có món canh đuôi, gân trâu, mọi người gật gù khen “về ẩm thực Thái thầy vào hàng chuyên gia”, một nhà thì có món bánh giầy thon tròn trắng mịn đúng chuẩn Hà Nhì, nhà khác có khẩu xén (loại bánh làm từ bột nếp của người Thái) năm màu ăn sướng mắt trước, đậm đà hương vị sau…
*
Tết chung thật vui, chúc tụng, ăn uống, nói chuyện thoải mái. Bởi cùng hoàn cảnh xa quê, “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Và, bởi cư dân xóm toàn người trẻ. Độ tuổi cao nhất 35, thấp nhất 21. Nghề nghiệp nếu gọi ghép “giáo viên - bộ đội” thì 100%, vì, chồng bộ đội vợ giáo viên là 7/12 đôi, còn lại là “anh thầy giáo, em cô giáo” chung một nhà. Quê quán thì “bốn phương trời ta về đây”, vì nhiệm vụ, cuộc sống, hợp lí hóa gia đình… Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình… tụ hội thành xóm trong một con ngõ.
Con ngõ bắt từ đường nhựa vào, từ đầu đến cuối tổng số là 12 nhà (mỗi nhà ngang 10 mét, dài 20 mét). Con ngõ chiều ngang chỉ hai vợ chồng sánh vai dắt hai đứa con đi ra chợ chơi. Hai xe máy đi vào, đi ra gặp nhau, chào nhau, cũng hơi thở sát nhau.
12 nhà chẳng ai bảo ai, chung một “mẫu thiết kế” - Nhà gỗ tròn, ba gian một chái, mái pro xi măng. Hỏi, sao lại kiểu giống nhau thế; trả lời, vì chưa có điều kiện và… có điều kiện giống nhau. Chưa có điều kiện, chả nói cũng rõ… mới ra trường, chuyên môn công việc mới bắt đầu cưng cứng, chức vụ thì thầy cô giáo mới nhóm trưởng, tổ phó; bộ đội mới thiếu úy, thượng úy, đội phó, đội trưởng… Toàn mới là mới. Còn phải bắt nhịp thực tế, sao cho sát trúng, linh hoạt những điều được học ở trường sư phạm, trường sĩ quan… Còn có điều kiện là, bốn chung quanh là rừng, gỗ làm nhà chả khó, công xá mỗi người giúp một tay… ủy ban xã, dân bản quan tâm giúp đỡ hết mức.
Một ngày của xóm bắt đầu từ mờ đất. Trong lộp độp sương rơi, thấy tiếng thầy giáo giục con, nhanh lên, không bố muộn giờ rồi; tiếng cô giáo bảo chồng “anh vội thì cứ đi trước đi, em cho con ăn nốt bát mì tôm đã”. Ngoài ngõ thấy hai mẹ con đang “vật nhau”, rồi con chạy, chui tọt vào hàng rào cúc quì, mẹ năn nỉ, giọng ngọt - lên xe đi con, rồi chiều về mẹ mua cho búp bê. Ứ đi đâu, bố đưa đi học cơ. Giời ơi, đòi hỏi quái quỉ gì thế này. Nào, không đi thì mẹ bỏ đấy. Xe đã nổ máy, rú ga. Đứa bé vẫn gan lì, không ra. Mẹ đành phải xuống nước, xuống xe, rẽ cành cúc quì, vuốt má con, nựng. Nghe loáng thoáng… cuối tháng bố nghỉ phép đấy, bố sẽ đưa con đi học mười ngày liền. Thấy bé nguẩy nguẩy mấy cái, rồi cho mẹ bế lên xe. Mẹ không được hứa như sâu róm đấy nhé, bố mà không về là mai con không đi học đâu. Yên tâm, yên tâm, mẹ không bao giờ nói dối. Thực ra là chị nói dối bé, chị mong chồng về… còn hơn cả con. Anh ở đồn biên phòng, việc quân sự, biên giới luôn phải thường trực. Anh nói cuối năm sẽ được nghỉ phép, nhưng từ nay đến ấy còn xa… không biết thế nào, không thể chắc chắn như giáo viên nghỉ hè. Năm ngoái anh cũng nghỉ phép, về đến nhà rồi, ngủ một đêm rồi, sáng dậy đang cuốc đất ngoài vườn thì có điện thoại. Anh nghe rồi vào bếp… đứng im nhìn chị. Nhìn nét mặt, vẻ khó nói của anh, chị “biết ngay là”. Chị chủ động, lại có việc gấp phải không anh? Anh ôm chị, khẽ nói, xin lỗi em, có chồng biên phòng em thiệt thòi nhiều quá.
Hoàn cảnh những vợ chồng giáo viên cũng chẳng hơn nhà bộ đội. Tiếng là ở xóm thị tứ, trung tâm xã nhưng chỉ là buổi tối thôi. 5 giờ sáng, vội vàng “chồng đi đằng chồng, vợ đi đằng vợ”. Bốn năm chục cây số đường xã bản mới đến trường. Lại phải đến trước để nhỡ có chuyện gì ở lớp mình chủ nhiệm. Mùa khô, chịu rét chịu bụi còn đỡ. Nhưng mùa mưa thì, núi sạt, đường tắc, lũ về… cũng phải bỏ xe “vắt chân lên cổ” mà chạy hoặc ngửa mặt lên trời cầu xin cao xanh đừng mưa nữa cho con có đường con đi.
Những đứa trẻ của xóm, “tự nhiên” cũng theo hoàn cảnh bố mẹ. Lớp 3, lớp 4 đã ‘trưởng thành”, bố mẹ hoàn toàn yên tâm. Đi học, biết tự đi tự về; về nhà tự chơi, chị em trông nhau, nấu cơm xong, rồng rắn ra ngõ ngóng bố mẹ về. Bố mẹ chúng, nếu suôn sẻ, đi một mạch hết độ tiếng rưỡi, hai tiếng; nếu đường bị sạt, lũ… thì… con “đón” bố mẹ khi đã ngủ say.
Xuân về tết đến ai cũng muốn về nhà, về quê. Đó là lẽ thường, nhưng vì những điều kiện khác nhau, nhiều người phải đón tết vui xuân nơi non ngàn dặm thẳm. Nghĩ tết ấy sẽ chỉ là cho có, cho đầy đủ phong tục… Nhưng tết xóm biên cương này, đầy chất trẻ, đầm ấm gắn bó, vui tươi náo nức đã cho ta thêm yêu mùa xuân đất nước.